Kỳ cuối: Nỗ lực xử lý pháo lậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng vì lợi nhuận cao nên các đối tượng vẫn liều lĩnh dùng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để vận chuyển pháo đưa vào thị trường tiêu thụ.
Thủ đoạn tinh vi
Hàng năm, vào thời điểm giáp Tết, các lực lượng chức năng như Công an, bộ đội Biên phòng, Quản lý Thị trường, Hải quan… luôn đặt nhiệm vụ ngăn chặn tội phạm liên quan đến pháo nổ lên hàng đầu. Nắm được điều này, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, chuyển địa điểm tập kết pháo, thời gian vận chuyển; tổ chức người “theo ngược” lực lượng chức năng nhằm tìm cách “qua mặt”. Vì vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý đối tượng buôn lậu pháo nổ gặp rất nhiều khó khăn.
Trung tá Trần Khánh Dực-Phó Trưởng Công an TP. Pleiku-cho hay: Nhiều đối tượng tham gia mua bán, vận chuyển pháo nổ đã từng có tiền án, tiền sự về các hành vi tương tự. Do đó, khi đã tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan tố tụng, các đối tượng này thường tìm cách để chối tội, gây khó khăn cho việc củng cố chứng cứ để xử lý.
Đơn cử như vụ việc xảy ra vào rạng sáng 17-1 tại khu vực trước nhà số 339 đường Lê Duẩn (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku). Trong quá trình tuần tra, lực lượng Công an phát hiện 4 phụ nữ có dấu hiệu khả nghi tại đây. Trong quá trình tìm kiếm khu vực xung quanh thì phát hiện ở 1 bãi đất trống cách đó chừng 50 m có 10 bao chứa các hộp pháo hoa nổ, loại 49 viên/hộp với tổng trọng lượng 180 kg. Khi lực lượng Công an mời 4 phụ nữ này về cơ quan để làm việc thì tất cả đều cho rằng mình không liên quan đến số hàng cấm này.
Các đối tượng thường dùng các thủ đoạn tinh vi hòng qua mặt lực lượng chức năng Ảnh Văn Ngọc (1)
Công an TP. Pleiku phát hiện và thu giữ 180 kg pháo tại một bãi đất trống. Ảnh: Văn Ngọc
“Qua kiểm tra nhân thân, một số trong nhóm này đến từ xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Đây là điểm nóng về việc thẩm lậu pháo nổ vào nội địa. Đặc biệt, 1 đối tượng có tiền án về tội “Vận chuyển hàng cấm” đang được hoãn thi hành án. Công an TP. Pleiku đã vận dụng khôn khéo các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh nên 2 trong số 4 đối tượng buộc phải thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Các đối tượng đã mang pháo từ Kon Tum đến liên hệ người mua tại TP. Pleiku và lợi dụng khoảng thời gian đêm tối để giao dịch, số hàng cấm chúng cũng để một nơi khác nhằm trốn tránh lực lượng chức năng”-Trung tá Dực thông tin.
Tương tự, chiều 21-1, Công an huyện Đak Đoa thu giữ hơn 350 kg pháo nổ được cất giấu trong khu vực rẫy cà phê ở xã Hneng. Nơi tập kết pháo để chờ giao dịch là khu vực hoang vắng, ít người qua lại. Do đó, lực lượng Công an gặp rất nhiều khó khăn trong việc truy tìm dấu vết chủ sở hữu số pháo này. 
Hiện nay, lượng pháo lậu trên địa bàn tỉnh chủ yếu được chuyển đến từ hướng Kon Tum nơi có Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và ở khu vực huyện Đức Cơ nơi có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Đại úy Nguyễn Văn Hùng-Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-cho hay: “Các đối tượng vận chuyển pháo lậu qua đường biên rất ma mãnh, chúng còn cắt cử “chim xanh” để theo dõi lực lượng chức năng. Trong hoạt động, các nhóm đối tượng thường lợi dụng những đường mòn giữa rừng để sử dụng xe độ chế vận chuyển pháo, tập kết ở nhiều điểm nhỏ lẻ trước khi gom lại để dùng xe ô tô ngụy trang hàng hóa rồi vận chuyển đi tiêu thụ. Nếu bị phát hiện, chúng sẵn sàng bỏ lại hàng và phương tiện để tẩu thoát”.
Quyết liệt đấu tranh
Khoảng 20 giờ ngày 25-1, Công an huyện Đak Đoa nhận được tin báo của người dân về việc có 1 đối tượng nghi vận chuyển pháo nổ trên quốc lộ 19 bằng xe máy. Đơn vị đã triển khai lực lượng phối hợp cùng Công an xã Kdang bắt giữ đối tượng. Kiểm tra túi ni lông mà đối tượng chở theo, lực lượng Công an phát hiện có 7,5 kg pháo hoa nổ và pháo nổ. Bước đầu, đối tượng khai tên là Quang. Đối tượng đã mua số pháo trên của 1 đối tượng chưa rõ danh tính tại địa bàn huyện Mang Yang để bán lại kiếm lời.

Tại địa bàn huyện biên giới Đức Cơ, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức về pháp luật liên quan đến pháo nổ, lực lượng chức năng cũng đã chủ động răn đe các trường hợp vi phạm. Theo Công an thị trấn Chư Ty, trong khoảng thời gian cuối năm 2020, đơn vị này đã xử phạt 4 trường hợp về hành vi đốt pháo trái phép với mức phạt 1,5 triệu đồng/trường hợp. Để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp này, Công an thị trấn Chư Ty đã tăng cường các biện pháp trinh sát để có thể bắt quả tang, từ đó có căn cứ xử lý. Hay giữa tháng 1-2021, Tòa án nhân dân huyện Đức Cơ cũng đưa ra xét xử sơ thẩm đối tượng Đào Duy Hòa (SN 1990, trú tại thị trấn Chư Ty) vì đã có hành vi vận chuyển, tàng trữ hơn 162 kg pháo nổ. Hòa đã bị tuyên án 6 năm 6 tháng tù.

Để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ, lực lượng bộ đội Biên phòng và Công an huyện Đức Cơ tập trung tuần tra, kiểm soát tại các khu vực “nóng” và những khung giờ cao điểm. Chỉ tính từ ngày 18-11-2020 đến nay, các đơn vị đã phối hợp phát hiện 14 vụ việc liên quan đến pháo nổ, thu giữ hơn 1 tấn pháo và điều tra, xử lý 7 đối tượng trên địa bàn huyện Đức Cơ.
Đại úy Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Dự báo trong dịp Tết, các đối tượng từ Campuchia sẽ nhập cảnh trái phép về Việt Nam tương đối nhiều. Nắm bắt được các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng, đồng thời phối hợp với Công an huyện Đức Cơ tổ chức tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới để kịp thời ngăn chặn bắt giữ đối tượng vượt biên, phát hiện các hành vi vận chuyển pháo lậu từ Campuchia về Việt Nam”.
Theo thống kê của Công an tỉnh, từ ngày 15-12-2020 đến 15-1-2021, lực lượng Công an đã phát hiện 14 vụ phạm pháp hình sự với 10 đối tượng liên quan đến pháo nổ, tổng số pháo nổ thu giữ là hơn 1,3 tấn. Hiện một số đơn vị đã lập chuyên án truy xét để bóc gỡ các đường dây đưa pháo nổ vào nội địa.
Mới đây, ngày 22-1, Công an huyện Ia Grai đã triệt phá 1 đường dây có tổ chức, chuyên đưa pháo từ khu vực biên giới vào nội địa với 9 đối tượng tại địa bàn xã Ia O và Ia Tô đã bị bắt giữ. Nhóm này đã bị Đồn Biên phòng Ia O và Công an huyện Ia Grai phát hiện truy đuổi vào ngày 26-12-2020. Chúng bỏ lại 3 chiếc xe máy độ chế cùng 5 bao tải chứa hơn 210 kg pháo để trốn thoát. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã truy vết và triệt phá đường dây sau 1 tháng điều tra.
Ông Lê Hồng Hà-Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh-đánh giá: Vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, một số đối tượng người Việt Nam móc nối với các chủ hàng người Campuchia ở bên kia biên giới mua pháo, lợi dụng đêm tối lén lút vận chuyển qua các đường mòn, lối mở để xâm nhập vào nội địa. Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng thường bỏ lại tang vật, phương tiện để tẩu thoát.
Ông Lê Hồng Hà cũng cho biết thêm: Lực lượng Quản lý Thị trường sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát các tuyến Pleiku-Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Pleiku đi các tỉnh phía Bắc, TP. Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn hoạt động tàng trữ, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, hàng lậu đưa vào nội địa để tiêu thụ. 
VŨ THẢO-VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Theo đại diện cơ quan chức năng, đến nay đã có 3 nạn nhân xác định được danh tính, nhiều người còn lại vẫn đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Một nhân viên phụ trách nhà tang lễ cho hay, nhiều thi thể bị cháy biến dạng, cơ quan chức năng đang khám nghiệm để xác định thêm danh tính.

Chi tiết vụ án liên quan Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị

Chi tiết vụ án liên quan Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị

Liên quan đến vụ Tổng biên tập Tạp chí môi trường và Đô thị Việt Nam cùng đồng phạm bị bắt, ngày 18/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cho biết, từ năm 2018 đến 2024, Tạp chí này đã ký kết gần 3.200 hợp đồng tài trợ và quảng cáo với các tổ chức, doanh nghiệp, tổng giá trị hơn 80 tỷ đồng.

Hiện trường vụ khai thác đá trái phép tại làng Tơ Dră, xã Bar Măih. Ảnh: L.N

Chư Sê gặp khó trong quản lý khoáng sản

(GLO)- Huyện Chư Sê có trữ lượng khoáng sản lớn, chủ yếu là than bùn và khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, những khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và một phần nằm trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn.