Ban đầu anh Phước đưa những người tâm thần, lang thang cơ nhỡ về nhà nuôi đã có nhiều người đặt nghi vấn: Chắc là gia đình phải nhận được tiền bạc, của cải của những người điên và gia đình họ? Nhưng khi biết anh Phước bỏ tiền của gia đình để nuôi nấng, chăm sóc những bệnh nhân này thì họ lại bảo rằng chính anh cũng là người bị bệnh “tâm thần” nặng nên mới làm thế.
|
Anh Hà Tư Phước và chị Huỳnh Thị Hạc sống trong căn nhà tuềnh toàng với tấm lòng bao dung. Ảnh: Phạm Duy |
Rồi tất cả những người xung quanh dần xa lánh anh, một phần vì thấy anh khác người, phần khác họ sợ những người do anh Phước đem về gây rối trật tự, thậm chí những lúc lên cơn không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra. Nhưng sau một thời gian dài, những người tâm thần ngày nào bẩn thỉu, hung dữ đã trở nên sạch sẽ, hiền lành, biết nghe lời khi ở với anh. Ngay cả bản thân chị Huỳnh Thị Hạc là vợ anh Phước cũng không ngần ngại chia sẻ: “Lúc đầu mình cũng rất sợ. Nhưng dần dần thấy họ hiền lành nên cũng có tình cảm và phụ giúp cùng chồng chăm sóc họ. Hàng ngày nấu cơm nước cho họ ăn và mong họ bớt bệnh để hòa nhập với cộng đồng về với gia đình”.
Để chăm sóc 18 người bệnh, gia đình anh đã vay mượn hay mua trả chậm vật liệu xây dựng một ngôi nhà rộng 100 m2 trên vườn cà phê nhà mình. Hàng ngày anh trực tiếp chăm sóc và giặt giũ quần áo cho họ. Chị Huỳnh Thị Hạc cho biết: Hơn 10 năm qua đã có 5 người khỏi bệnh được gia đình đón về, trong đó có 2 trường hợp người nhà nhận ra con cái, tìm đến sau nhiều năm lưu lạc. Mới đây dưới huyện Đak Đoa người ta lại mang đến một người bệnh tâm thần rất hung dữ, nhưng khi đến với gia đình tôi họ trở nên hiền lành. Đây là niềm vui lớn đối với chúng tôi.
|
Một góc căn nhà anh Phước xây dựng cho những người tâm thần về ở. Ảnh: P.D |
Biết gia đình anh Phước làm phúc nên ngày càng có nhiều gia đình đem con đến gửi. Để có được chỗ ăn, chỗ ở, gia đình anh lại phải chạy vạy để làm thêm nhà vệ sinh, nhà ăn, lát lại nền nhà cho sạch sẽ. Những người bệnh ở đây chưa có gì để giải trí, anh Phước đã mua một chiếc ti vi 17 inch để cho họ xem. Ở với anh Phước, những người tâm thần trở nên ổn định, không phá phách, hung dữ và dần dần hồi phục. Điển hình như Siu Sơ, dân tộc Jrai ở làng Lúc Riêng, xã Al Bá, huyện Chư Sê. Trước đây Sơ bị điên nặng, thường tìm đến nhiều gia đình bắt gà, bắt heo về ăn sống, thấy người là chửi bới, đánh đập. Dân làng hoảng sợ đã báo lên chính quyền xã. Xã huy động nhiều thanh niên và dân quân tự vệ bắt Sơ về để xử theo luật tục của đồng bào. Sau hai ngày chạy trốn trong rừng, đói quá Sơ mò về và bị bắt. Và từ đó bị xích chân tay nhốt ở trong rừng nên chân tay của Sơ đã hằn lên những vết sẹo chằng chịt. Nghe vậy, anh Phước đã mang xe đến chở Sơ về. Khi anh đến nơi, Sơ gầm lên như con thú hoang đòi cắn xé anh. Dân làng cùng phụ giúp đưa Sơ lên xe bằng 4 sợi xích để về nhà cùng anh Phước. Sau hơn 3 năm Sơ đã trở nên thuần tính và có chiều hướng tốt.
Đánh giá về việc làm của gia đình anh Phước, ông Nguyễn Thanh Hoa- Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Chư Hdrông, kiêm Trưởng ban Mặt trận thôn Ia Rok, nói: “Anh đưa những người tâm thần về đây là để họ được yên tĩnh. Anh giúp đỡ cho họ biết làm, biết nói,… Từ đó đến nay trong thôn, xóm của chúng tôi chưa có gì bất ổn bởi người bệnh tâm thần. Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên dạy bảo cho người tâm thần hát ca và sống tốt. Người tâm thần về đây rất mến anh. Tâm trí của họ dần dần hồi phục trở lại. Bà con thôn xóm cũng mong muốn gia đình anh giúp cho người bệnh tâm thần được bình phục”.
Anh Phước cho biết: Mẹ tôi đã 80 tuổi, bà vẫn ăn cơm chung nồi với những người bị tâm thần. “Dân làng và vợ tôi cũng rất kính trọng và mến phục mẹ tôi, vì không khi nào mẹ kêu ca phàn nàn chuyện ăn uống hay sinh hoạt với họ cả”- anh nói. Để nuôi 18 người điên, mỗi ngày anh cần 10 kg gạo, 18 gói mì tôm, chưa kể thức ăn, chất đốt và nhu yếu phẩm khác như thuốc men, áo quần, điện sinh hoạt... Mỗi tháng gia đình anh Phước phải chi tiêu ít nhất 12 triệu đồng, trong khi cả gia đình anh với 5 nhân khẩu cũng chỉ trông chờ vào chiếc xe tải hơn 3 tấn mà anh vẫn chở thuê hàng và 5 sào cà phê.
Trao đổi vấn đề này với bà Nguyễn Thị Minh Tâm- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai. Bà cho biết: “Việc ông Phước nuôi dưỡng người tâm thần một cách tự nguyện, vô tư, theo chúng tôi thì đấy là một việc làm rất tốt. Tôi nghĩ là trong xã hội ta không nhiều người làm được việc này. Bởi vì làm được việc này phải có một tấm lòng, phải có một cái tâm đối với người bệnh thì mới có thể làm được. Nếu như ông Hà Tư Phước làm thủ tục để thành lập cơ sở nuôi dưỡng người bị bệnh tâm thần theo mô hình xã hội hóa, về phía ngành chủ quản, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho ông trong việc nuôi dưỡng người tâm thần và kết hợp ngành Y tế để chữa bệnh cho họ nữa. Làm được việc này người tâm thần ở tại cơ sở của ông Hà Tư Phước sẽ tốt hơn và đảm bảo được quy định. Và người bệnh được nuôi dưỡng ở đó sẽ có nhiều cơ hội để vừa trị bệnh, vừa lao động sản xuất và phục hồi sức khỏe”.
Phạm Duy