Krông Pa: Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vài tháng trở lại đây, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Krông Pa, Gia Lai có dấu hiệu gia tăng đột biến. Tính đến hết tháng 4-2018, toàn huyện có 51 ca mắc sốt xuất huyết. Đến nay, con số này đã là 209 trường hợp.
Cách đây hơn một tuần, anh Ksor Yo (buôn Nung, xã Chư Drăng) thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường: sốt, đau đầu, toàn thân nhức mỏi... Nghi ngờ bị sốt xuất huyết do trước đó tại buôn Nung đã có một số trường hợp tương tự, anh Yo được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Krông Pa. Sau một thời gian điều trị, anh Yo đã cắt sốt và xuất viện.
 Phòng điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pa hiện trong tình trạng quá tải. Ảnh: L.H
Phòng điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pa hiện trong tình trạng quá tải. Ảnh: L.H
Cũng bị sốt xuất huyết nhưng trường hợp của chị Đặng Thị Lan Anh (thôn Cầu Đôi, xã Chư Rcăm) đáng lo hơn bởi chị đang mang thai tháng thứ 3. “Quá trình điều trị rất phức tạp nhưng đến giờ sức khỏe tôi đã tương đối ổn định. Hiện tôi chỉ hơi lo lắng về em bé trong bụng”-chị Lan Anh chia sẻ.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã ghi nhận 209 trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trong đó, số ca mắc tập trung nhiều nhất tại thị trấn Phú Túc (67 trường hợp) và các xã: Chư Rcăm (51 trường hợp), Ia Rsươm (42 trường hợp), Phú Cần (14 trường hợp)… Tổ dân phố 12 (thị trấn Phú Túc) được coi là “điểm nóng” của sốt xuất huyết với 22 trường hợp được ghi nhận. Đặc biệt, trong khoảng một tuần trở lại đây, có 14 người ở tổ dân phố 12 mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. “Trước tình hình này, chúng tôi đã xuống khảo sát thực tế và phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp xử lý: phát quang bụi rậm, xử lý những nơi có nước tù đọng, ẩm thấp; phun hóa chất để diệt loăng quăng/bọ gậy”-bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho biết. Ngoài tổ dân phố 12, ngành Y tế huyện cũng đã khoanh vùng thêm 4 “điểm nóng” về sốt xuất huyết khác là: buôn Lang, thôn Mới (xã Chư Rcăm), thôn Quỳnh Phú, Hưng Phú (xã Ia Rsươm) và đã tiến hành phun thuốc diệt trừ muỗi, loăng quăng/bộ gậy để hạn chế bệnh lây lan.
Theo bác sĩ Bửu, những năm trước, sốt xuất huyết chỉ xuất hiện ở một vài địa phương. Tuy nhiên năm nay, bệnh lại có biểu hiện lan rộng ra nhiều địa phương khác. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho công tác xử lý dịch bệnh. “Khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên tại những khu vực mới, chúng tôi ngay lập tức cử cán bộ dịch tễ tiến hành khảo sát, phun thuốc trong bán kính 200 m nơi bệnh nhân sinh sống để hạn chế bệnh lây lan ra cộng đồng. Công tác chuẩn bị về cơ số thuốc điều trị, test nhanh, thuốc phun diệt trừ… đều sẵn sàng, đáp ứng đủ nhu cầu điều trị cho người dân trên địa bàn”-bác sĩ Bửu chia sẻ thêm.
Mặc dù ý thức phòng-chống dịch bệnh của người dân đã được nâng cao nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít hộ còn duy trì thói quen, tập quán sinh hoạt chưa đảm bảo như: ngủ không mắc màn, để vật dụng tích trữ nước lâu ngày quanh nhà, trồng cây cối rậm rạp lấy bóng mát, chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn… “Ngoài nỗ lực điều trị, ngành Y tế huyện sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân chủ động phòng tránh dịch sốt xuất huyết. Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người dân hãy đến cơ sở y tế để khám và điều trị, tránh tự ý mua thuốc uống hay điều trị tại nhà sẽ gây nguy hiểm cho bản thân và tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan ra cộng đồng”-bác sĩ Bửu khuyến cáo.
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.