Krông Pa: Nhiều giải pháp duy trì sĩ số học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, các trường học ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp để duy trì sĩ số học sinh. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Năm học 2020-2021, Trường THCS Lý Tự Trọng (xã Chư Gu) có 11 lớp với 463 học sinh, trong đó 390 học sinh dân tộc thiểu số. Công tác duy trì sĩ số học sinh được nhà trường triển khai có hiệu quả.
Cô Trần Thị Thanh Hải-giáo viên chủ nhiệm lớp 6-cho hay: “Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường, ngay đầu năm học, chúng tôi khảo sát để nắm bắt hoàn cảnh gia đình, học lực, năng khiếu, sở trường của từng học sinh. Đối với những em học lực yếu, có hoàn cảnh khó khăn sẽ được phân công một bạn có học lực khá giúp đỡ là “đôi bạn cùng tiến” để vừa giúp nhau trong học tập, vừa động viên nhau đến trường. Hàng ngày, trong 15 phút sinh hoạt đầu giờ, khi có học sinh nghỉ mà không có lý do, tôi trực tiếp điện thoại cho phụ huynh để tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời”.
Thầy Phạm Công Trình-Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng-cho biết: Việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới trong quản lý giáo dục luôn được nhà trường chú trọng. Theo đó, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp rà soát, nắm bắt hoàn cảnh, học lực của học sinh và liên lạc với phụ huynh để có biện pháp quản lý tốt. Những em có hoàn cảnh khó khăn sẽ được giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn nhận đỡ đầu. Giáo viên chủ nhiệm phải nắm vững tâm lý học sinh và lực học để có biện pháp giáo dục phù hợp.
Đồng thời, nhà trường thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể của xã và Ban Nhân dân thôn để tuyên truyền, vận động các em đến lớp. Bên cạnh đó, nhà trường triển khai có hiệu quả các phong trào xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn; phong trào đỡ đầu học sinh yếu kém; tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, văn nghệ, thể thao nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh. Năm học 2019-2020, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh của trường đạt 100%. Năm học 2020-2021, nhà trường phấn đấu duy trì kết quả này.    
Trường Tiểu học xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Lê Nam
Trường Tiểu học xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Lê Nam
Năm học này, Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (xã Ia Drăng) có 12 lớp với 596 học sinh, 93,5% học sinh là người dân tộc thiểu số. Cô Ksor H’Pranh cho biết: “Là giáo viên trẻ, tôi luôn nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm giúp các em hiểu bài tốt hơn, thu hút học sinh đến lớp. Tôi thường xuyên gần gũi các em để sớm nắm bắt được tinh thần học tập cũng như hoàn cảnh gia đình học sinh, từ đó có biện pháp giúp đỡ phù hợp”.
Còn cô Đoàn Thị Thúy-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trong khi phụ huynh chưa quan tâm nhiều đến việc học của con em mình nên phần nào ảnh hưởng đến việc vận động học sinh đến lớp. Hàng năm, nhà trường triển khai thực hiện cuộc vận động mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học.
Đồng thời, Ban Giám hiệu chỉ đạo giáo viên tăng cường phụ đạo cho học sinh yếu kém, giúp các em vươn lên trong học tập, không chán nản, mặc cảm, tự ti khi đến trường. Thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa giúp các em hăng hái hơn trong sinh hoạt và học tập, làm cho học sinh cảm nhận được mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Giờ học của các em học sinh trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn. Ảnh: Lê Nam
Giờ học của các em học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (xã Ia Drăng). Ảnh: Lê Nam
Trao đổi với P.V, ông Chu Sỹ Lin-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện-cho biết: Năm học 2020-2021, toàn huyện có 46 đơn vị trường học với 20.942 học sinh từ bậc mầm non đến THCS. Đến nay, hệ thống trường, lớp được đầu tư xây dựng khang trang, đầy đủ trang-thiết bị, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Nhờ đó, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh khá, giỏi hàng năm đạt trên 45%.  
“Bước vào đầu năm học, chúng tôi chỉ đạo các cơ sở giáo dục chú trọng duy trì sĩ số học sinh. Trong đó, chủ động nắm bắt cụ thể điều kiện gia đình, năng lực tiếp thu và các yêu cầu khác của học sinh để từ đó có sự chỉ đạo kịp thời, phù hợp trong công tác quản lý cũng như giảng dạy đối với từng đối tượng. Đồng thời, phát huy hiệu quả các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ và có biện pháp giúp đỡ học sinh yếu kém, giảm học sinh bỏ học, đảm bảo duy trì sĩ số học sinh đạt trên 99%”-ông Chu Sỹ Lin cho biết thêm.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó có thay đổi đáng chú ý là không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT. Xung quanh vấn đề này hiện có hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ.

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

(GLO)- Sáng 27-10, Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công Chung kết cuộc thi Olympia cấp trường năm học 2024-2025. Chương trình được triển khai dựa trên Format của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia phát sóng trên kênh VTV3-Đài Truyền hình Việt Nam.

Nguyễn Quốc Nhật Minh nhận học bổng từ Đại học Greenwich

Nguyễn Quốc Nhật Minh nhận học bổng từ Đại học Greenwich

(GLO)- Chiều 13-10, sau khi đạt giải ba tại chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” lần thứ 24, em Nguyễn Quốc Nhật Minh (học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai) đã được Đại học Greenwich (nước Anh) trao tặng học bổng 100% trị giá trên 452 triệu đồng.