Krông Pa: Điểm sáng đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, huyện Krông Pa đã cơ bản kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn. Trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm nay, TNGT ở địa phương này giảm sâu cả 3 chỉ số.

Ngăn ngừa TNGT từ cơ sở

Buôn Sóa (xã Krông Năng) có 287 hộ với hơn 1.450 khẩu, 100% là người dân tộc thiểu số. Qua rà soát, buôn có 6 thanh-thiếu niên thường xuyên càn quấy, vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Các đoàn thể của buôn cùng gia đình đã chú trọng giám sát, quản lý và giáo dục số thanh-thiếu niên này.

Là người uy tín của buôn Sóa, ông Kbôr Lang cùng lực lượng Công an xã đến tận nhà để tuyên truyền, vận động, chỉ rõ những hệ lụy do TNGT gây ra. Mặt khác, ông cũng thường xuyên nhắc nhở thanh-thiếu niên phải chăm lo sản xuất, hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế; tuyệt đối chấp hành việc đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia khi tham gia giao thông, đặc biệt phải có giấy phép lái xe mới được điều khiển phương tiện giao thông.

Ông Lang nhấn mạnh: “Khi sử dụng xe máy đi làm phải đảm bảo an toàn giao thông, không được chở quá số người quy định. Đã uống rượu bia thì không tham gia giao thông, nếu rủi ro gặp tai nạn mà bản thân bị tàn tật không còn khả năng lao động, người thân trong gia đình vừa buồn, vừa tốn tiền để chữa trị”.

Công an huyện Krông Pa tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Minh Nguyễn

Công an huyện Krông Pa tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Minh Nguyễn

Đi đôi với tuyên truyền, vận động, lực lượng Công an cũng thường xuyên gọi hỏi, răn đe, giáo dục những thanh-thiếu niên cá biệt thường tụ tập, gây rối TTATGT; đồng thời, phân tích những hành động sai trái làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con. Từ đầu năm đến nay, Công an các xã, thị trấn đã tiến hành gọi hỏi, răn đe cá biệt 236 thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm TTATGT; đề nghị gia đình không giao xe cho con khi chưa có bằng lái và chưa đến tuổi điều khiển xe mô tô.

Anh A Lê Trí (buôn Sóa) cho hay: “Tôi nhận ra việc làm sai trái của mình nên đã ký cam kết không tái phạm. Sau này, nếu đã uống rượu bia thì tôi không lái xe nữa; tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, không lạng lách, đánh võng hay rú ga, nẹt pô gây ồn ào trong buôn”.

Hiện nay, tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Pa có đến hàng ngàn xe máy “nhiều không” vẫn ngược xuôi trên các tuyến đường liên thôn, liên xã và cả trên quốc lộ 25. Ai cũng biết đây là phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật được hoán cải, độ chế, lắp ráp từ nhiều bộ phận của các xe máy khác nhau mà có, nhưng vì giá rẻ nên số đông người dân tộc thiểu số vẫn mua dùng.

Anh Kpă Yơm (buôn Tơ Nung, xã Ia Hdreh) cho hay: “Tôi bỏ ra 2 triệu đồng mua chiếc xe máy độ chế. Đi thì cũng thấy nguy hiểm nhưng mà không mua thì không có xe đi rẫy, chở cỏ, chở phân bón”.

Qua rà soát của Công an huyện Krông Pa, toàn huyện hiện có gần 5.500 xe máy độ chế. Từ năm 2021 đến nay, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng Công an đã tạm giữ 134 phương tiện. Đa số phương tiện khi bị tạm giữ, người dân đều không đến nộp phạt mà bỏ luôn. Quá thời hạn quy định, Công an huyện tiến hành cắt, cán nát để thanh lý phế liệu. Không ít vụ TNGT liên quan đến xe máy độ chế. Do vậy, cùng với việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng Công an các xã, thị trấn còn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân để hạn chế sử dụng loại xe máy độ chế này nhằm giảm thiểu TNGT.

Bên cạnh đó, huyện còn có đến 1.017 xe máy kéo nhỏ, công nông, trong đó có 530 xe máy kéo nhỏ được độ chế tương tự như ô tô. Theo quy định, tất cả các phương tiện này bị cấm lưu thông trên quốc lộ, tỉnh lộ. Song mỗi khi tuần tra, kiểm soát, lực lượng Công an vẫn phát hiện trường hợp vi phạm. Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, các chủ xe còn phải tháo dỡ hết các bộ phận độ chế để trả xe về hiện trạng ban đầu; đồng thời, ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của người dân trên địa bàn huyện đã chuyển biến tích cực, TNGT từng bước được kéo giảm. Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các biện pháp kéo giảm TNGT trên địa bàn, Thiếu tá Nguyễn Thành Chung-Phó Trưởng Công an huyện Krông Pa-cho biết: “Ngoài việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch, chuyên đề, chúng tôi còn tập trung thực hiện vào thời gian thường xảy ra tai nạn (từ 17 giờ đến 22 giờ); đồng thời, tập trung xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, không có giấy phép lái xe”.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an huyện Krông Pa phối hợp với người có uy tín và các đoàn thể tuyên truyền, vận động thanh-thiếu niên chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông. Ảnh: Minh Nguyễn

Lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an huyện Krông Pa phối hợp với người có uy tín và các đoàn thể tuyên truyền, vận động thanh-thiếu niên chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông. Ảnh: Minh Nguyễn

Trao đổi với P.V, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban An toàn giao thông huyện Krông Pa-cho hay: Địa phương có tuyến quốc lộ 25 và đường Trường Sơn Đông đi qua khu dân cư của 12 xã, thị trấn với chiều dài khoảng 80 km. Hiện hệ thống đường giao thông gần như được đầu tư đồng bộ, trong khi đời sống của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Nhiều gia đình nuông chiều mua mô tô, xe máy cho con em mình sử dụng khi còn chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, từ đó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp phòng ngừa nên năm 2022, toàn huyện xảy ra 8 vụ TNGT, làm 8 người chết, 3 người bị thương (giảm 7 vụ, giảm 6 người chết và giảm 10 người bị thương so với năm 2021). Quý I-2023, TNGT trên địa bàn huyện tiếp tục giảm 2 vụ, giảm 3 người chết và giảm 2 người bị thương. Để có được kết quả đó, huyện đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp kiềm chế TNGT.

Ngoài việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền đến người dân, Ban An toàn giao thông huyện chỉ đạo Công an các xã, thị trấn thường xuyên tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. “Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là hình thức tuyên truyền trực quan, hiệu quả nhất. Một khi thấy bóng dáng của lực lượng chức năng là người dân dần tự điều chỉnh hành vi của mình”-ông Thảo phân tích.

Cùng với đó, năm 2022, huyện phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải xử lý hiệu quả 2 “điểm đen” TNGT trên tuyến quốc lộ 25; vận động người dân trên tuyến đường liên xã Chư Rcăm tháo dỡ hàng rào, cổng ngõ để mở rộng khúc cua che khuất tầm nhìn thường xuyên dẫn đến TNGT.

“Sau khi xử lý các “điểm đen”, vị trí có tiềm ẩn nguy cơ TNGT và phát quang, mở rộng tầm nhìn một số điểm khác đã góp phần kéo giảm TNGT trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện tiếp tục kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT trên các tuyến đường trọng điểm; khắc phục kịp thời sự cố về hạ tầng để bảo đảm giao thông an toàn”-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Theo đại diện cơ quan chức năng, đến nay đã có 3 nạn nhân xác định được danh tính, nhiều người còn lại vẫn đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Một nhân viên phụ trách nhà tang lễ cho hay, nhiều thi thể bị cháy biến dạng, cơ quan chức năng đang khám nghiệm để xác định thêm danh tính.

Chi tiết vụ án liên quan Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị

Chi tiết vụ án liên quan Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị

Liên quan đến vụ Tổng biên tập Tạp chí môi trường và Đô thị Việt Nam cùng đồng phạm bị bắt, ngày 18/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cho biết, từ năm 2018 đến 2024, Tạp chí này đã ký kết gần 3.200 hợp đồng tài trợ và quảng cáo với các tổ chức, doanh nghiệp, tổng giá trị hơn 80 tỷ đồng.

Cảnh báo chiêu trò giả danh đài truyền hình để lừa đảo

Cảnh báo chiêu trò giả danh đài truyền hình để lừa đảo

Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Trong đó, có việc các đối tượng giả mạo chương trình của đài truyền hình lớn để lừa đảo tặng quà nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.