Kông Chro: Nông dân quay lại với cây điều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, giá hạt điều tăng đã giúp nhiều hộ nông dân ở huyện Kông Chro (Gia Lai) có nguồn thu nhập ổn định. Do đó, nhiều hộ đã chủ động chuyển đổi một số diện tích sang trồng điều.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, huyện Kông Chro đã đưa cây điều vào trồng với diện tích hàng ngàn héc ta nhằm giúp người dân xóa đói giảm nghèo và chống xói mòn đất. Tuy nhiên, sau đó, do giá hạt điều không ổn định, năng suất thấp nên người dân đã phá bỏ gần hết để chuyển sang trồng mía, mì. Đến nay, tổng diện tích điều trên địa bàn huyện chỉ còn khoảng 100 ha.
 Ông Nguyễn Văn Thanh (xã Kông Yang) chăm sóc vườn điều mới trồng. Ảnh: L.N
Ông Nguyễn Văn Thanh (xã Kông Yang) chăm sóc vườn điều mới trồng. Ảnh: L.N
Vài năm gần đây, giá hạt điều tăng trở lại. Cây điều mang lại lợi nhuận cao hơn so với một số cây ngắn ngày khác. Với giá điều ổn định 35.000-37.000 đồng/kg như hiện nay, nông dân có thể lãi khoảng 20 triệu đồng/ha. Trong khi đó, giá mía lại đang giảm mạnh khiến người trồng không có lợi nhuận, thậm chí còn lỗ vốn đầu tư. Vì vậy, nhiều người đã chuyển diện tích mía kém hiệu quả sang trồng điều.
Để giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Kông Chro đã triển khai mô hình thâm canh cây điều ghép theo hướng áp dụng kỹ thuật canh tác tổng hợp với diện tích 10 ha cho 4 hộ trên địa bàn 2 xã Kông Yang và Chơ Long, tổng kinh phí thực hiện hơn 367 triệu đồng (vốn sự nghiệp khoa học hơn 119 triệu đồng, nhân dân đóng góp hơn 247 triệu đồng). Ông Nguyễn Văn Thanh (thôn 1, xã Kông Yang) cho biết: “Ở đây, đất đai khô cằn chỉ trồng được mía, mì hoặc điều. Hiện giá hạt điều cao và được huyện hỗ trợ nên gia đình tôi đã tham gia trồng 3 ha. Hy vọng giá hạt điều giữ vững như hiện nay thì sau 3 năm nữa, tôi có nguồn thu nhập ổn định. Trước mắt, cây điều còn ở giai đoạn kiến thiết cơ bản, gia đình tôi trồng xen khoai lang để có thêm thu nhập”.
Về mô hình thâm canh cây điều đang triển khai trên địa bàn, ông Nguyễn Quang Quốc-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kông Chro-cho biết: Huyện phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng các loại cây trồng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Do đó, điều là cây đa mục tiêu (phát triển kinh tế, phòng hộ đất, bảo vệ môi trường), phù hợp với trình độ canh tác của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Khi mô hình được triển khai sẽ giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh để nâng cao hiệu quả kinh tế. “Hiện chúng tôi đưa các giống điều ĐDH 01, PN1, BĐ-01, ES-04, EK-24, DDH 67-15 vào trồng. Sau 3 năm, cây điều bắt đầu ra hoa. Ưu điểm của những giống điều này là ra hoa làm 3 đợt và kéo dài khoảng 3 tháng nên giảm bớt rủi ro khi thời tiết bất lợi. Dự kiến năng suất điều đạt 1,2-1,7 tấn/ha. Với giá ổn định khoảng 35.000 đồng/kg như hiện nay, người trồng điều sẽ có lợi nhuận trên 40 triệu đồng/ha”-ông Quốc nhấn mạnh.  
Hiện tại, người dân huyện Kông Chro đã đăng ký kế hoạch trồng điều thuộc chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2019 được gần 510 ha. Điều là loại cây trồng ít phải đầu tư, chỉ tốn tiền giống ban đầu và mỗi năm làm cỏ bón phân một lần. Ngoài ra, cây điều rất phù hợp với các khu vực nắng nóng, thiếu nước tưới. Cây điều cũng rất phù hợp với phương thức canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Duy Tùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho biết: Huyện đang thực hiện chuyển đổi một phần diện tích mía sang trồng điều và phấn đấu đến năm 2020 diện tích điều đạt hơn 1.000 ha. Thời gian tới, huyện triển khai xây dựng các mô hình và phát triển diện tích điều thâm canh trong đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện cũng đã liên kết với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ để cung ứng các giống điều ghép cao sản, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn cho nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây điều. Cây điều được giá sẽ góp phần giúp địa phương xóa đói giảm nghèo.
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.