(GLO)- Những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Kông Chro quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát giúp Ban Thường vụ Huyện ủy kịp thời đánh giá đúng ưu điểm của tổ chức Đảng, đảng viên để phát huy; phát hiện, làm rõ hạn chế, khuyết điểm để khắc phục và xử lý nghiêm minh vi phạm của tổ chức Đảng, đảng viên, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ban hành ngày 30-10-2016 được cụ thể hóa từ yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nghị quyết cũng nhấn mạnh: Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Sự suy thoái đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng và Nhân dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở một số nơi chưa thường xuyên, không nghiêm túc.
Cùng với việc chỉ rõ những biểu hiện và nguyên nhân của sự suy thoái, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng đề ra 4 nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nhấn mạnh: Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng. Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân ban hành văn bản không đúng, không phù hợp hoặc thực hiện không nghiêm túc các nội dung nghị quyết, kết luận của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công khai kết quả để góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Quang cảnh hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của huyện Kông Chro. Ảnh: Ngọc Minh |
Thực tiễn trong suốt quá trình 92 năm xây dựng, phát triển và lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng đã cho thấy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng cũng luôn khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát. Bởi vì, công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng cho cương lĩnh chính trị, đường lối, chiến lược, các nghị quyết của Đảng được tổ chức thực hiện tốt, qua đó khắc phục được tình trạng mất đoàn kết, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; giáo dục, bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám đột phá, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Riêng đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, thông qua thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng sẽ góp phần sàng lọc, thay thế những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc lợi dụng cơ chế để thực hiện mưu đồ cá nhân; đồng thời, từ đó cũng góp phần khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm để phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Chính vì vậy, tại Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là sự kế thừa, bổ sung, phát triển nhiều nội dung quan trọng của các nghị quyết Trung ương trước đây, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đồng thời là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Việc thực hiện thắng lợi Kết luận số 21-KL/TW đòi hỏi sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động, quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị nhằm tạo sự chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện, thật sự là đạo đức, là văn minh.
Có thể nói, từ khi triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Kết luận số 21-KL/TW tới nay, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và sự tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã góp phần đáng kể vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là việc phòng-chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên. Để tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời triển khai có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Kông Chro đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh quán triệt, triển khai, tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng đến cấp ủy viên các cấp, cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đội ngũ đảng viên về Kết luận số 21-KL/TW; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thi hành Điều lệ Đảng; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và chuyên đề toàn khóa về “Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6-7-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ ba, thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa. Bổ sung các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày.
Thứ tư, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, nêu cao trách nhiệm nêu gương, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước; căn cứ vào Kết luận và Quy định của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, gia đình mình, đơn vị mình để tự sửa, phát huy mặt tích cực, khắc phục mặt hạn chế, khuyết điểm; không đứng ngoài cuộc. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác. Phát huy dân chủ trong Đảng, cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn. Tự phê bình và phê bình trên tinh thần tự giác, trách nhiệm, có tình thương yêu đồng chí thật sự.
Thứ năm, nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội. Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thứ sáu, tập trung triển khai và nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, đảng viên trong tổ chức thực hiện Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đối với các tổ chức Đảng và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, của Nhân dân và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc của người dân.
Thứ bảy, cấp ủy, tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra từ cấp huyện đến cơ sở cần tích cực, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; việc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp. Chú trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm của cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị sau kiểm điểm; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, trong đó tập trung kiểm tra về tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Thứ tám, ủy ban kiểm tra các cấp tiếp tục thực hiện tốt vai trò và nâng cao hiệu quả công tác tham mưu giúp cấp ủy các cấp trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hàng năm và đột xuất. Chú trọng kiểm tra, giám sát những lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực; chủ động nắm tình hình, phát hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên và tổ chức Đảng để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, phòng-chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
PHAN VĂN TRUNG
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy