Kinh hoàng nạn cho vay 'cắt cổ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ cần một cú điện thoại là có ngay tiền tươi nhưng đến khi trả hết nợ không ít người tán gia bại sản.
 
Do cần tiền gấp để trang trải một khoản làm ăn bị thua lỗ, anh Tấn Đạt (quận Tân Bình, TP.HCM) đã liên hệ với một số điện thoại cho vay tín dụng dán trên cột điện trước cổng cơ quan. Chỉ khoảng một tiếng sau, một nhân viên tự xưng tên Tùng hẹn gặp tại nhà riêng để “hỗ trợ tài chính cho khách hàng”.
Vay 75 triệu trả lãi đến 62 triệu
Cuộc trao đổi giữa anh Đạt và nhân viên Tùng, đại diện người cho vay, diễn ra chớp nhoáng chỉ trong khoảng năm phút với những câu hỏi rất đơn giản. Chẳng hạn hiện nay anh Đạt đang làm việc gì? Cơ quan ở đâu? Nhà đang ở là thuê hay chính chủ?...
Sau đó không cần biết thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng anh Đạt là bao nhiêu, nhân viên tên Tùng vẫn vui vẻ cho anh Đạt vay 75 triệu đồng với lãi suất 5.500 đồng/triệu/ngày; cứ 10 ngày thì tính lãi một lần.
Anh Đạt thấy được vay với thủ tục cực kỳ nhanh gọn và dễ dàng nên gật đầu đồng ý ngay. Nhưng chỉ sau năm tháng, vợ chồng anh tá hỏa khi phải trả tiền lãi lên đến gần 62 triệu đồng trên số nợ gốc chỉ 75 triệu đồng. Lý do là cứ 10 ngày phải trả hơn 4,1 triệu đồng tiền lãi và một tháng chỉ riêng tiền lãi đã lên hơn 12 triệu đồng, chiếm tới 75% tổng thu nhập của cả hai vợ chồng.
“Quá khiếp sợ với lãi suất khủng khiếp lên đến 204%/năm, vợ chồng tôi không thể tiếp tục gánh thêm lãi vay nóng khoản nợ này nữa nên đành phải cầu cứu sự giúp đỡ của cả gia đình hai bên nội, ngoại” - anh Đạt buồn bã.
Cùng chung cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Thái (Thái Bình) vô cùng đau khổ với gánh nợ lãi mẹ đẻ lãi con đang đè lên cuộc sống của gia đình. Theo lời của bà Thái, cậu con trai út muốn mở quán cà phê ở Sài Gòn. Thấy lãi vay nóng ở Sài Gòn có nơi lên đến 5.000-6.000 đồng/triệu/ngày trong khi ở quê chỉ 2.000 đồng/triệu/ngày nên con trai nhờ mẹ đứng tên vay giúp 300 triệu đồng.
Hiện nay, các tờ quảng cáo cho vay được dán tràn lan khắp TP.HCM. Ảnh: HTD
Hiện nay, các tờ quảng cáo cho vay được dán tràn lan khắp TP.HCM. Ảnh: HTD
Ba, bốn tháng đầu, con trai gửi tiền về đều đặn để mẹ trả nợ, sau đó liên tục bị chậm trễ khiến chủ nợ kêu réo suốt ngày. Hiện số nợ gốc và lãi đã lên đến gần 700 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Thái ngậm ngùi: “Chính vì chuyện nợ nần mà gia đình tôi lục đục, cãi nhau triền miên. Nhưng vẫn phải tìm cách giải quyết khoản nợ ngày càng nhiều, nếu không sẽ không sống yên thân với những người cho vay nặng lãi. Có lẽ tôi chỉ còn cách bán nhà mới đủ tiền trả nợ cho con…”.
Cay đắng, sạt nghiệp
Sau khi nếm trái đắng từ vụ vay với lãi suất cắt cổ, anh Tấn Đạt chua chát nói: Họ cho vay tiền rất dễ dàng, bất cứ ai có nhu cầu chỉ cần nhấc điện thoại gọi một cú là có tiền tươi ngay. Nhưng đâu có biết khi đã bập vào rồi thì khổ đủ kiểu.
“Để giải quyết hậu quả ai cũng lao đao, khốn khổ. Vay càng nhiều khả năng bán xe, bán đất, bán nhà… để trả nợ càng lớn. Đừng mong thoát nợ, bởi nếu người vay trốn thì chủ nợ sẽ không tha cho người thân của người vay” - anh Đạt nói.
Kể về tâm trạng của người bỗng dưng phải trả nợ thay, chị Thu Thủy (quận 2, TP.HCM) than thở: “Chị tôi vay nặng lãi, đến khi khoản vay lên đến 2 tỉ đồng thì bị vỡ nợ, bỏ trốn. Thời gian đầu tôi cương quyết không chịu trả nợ thay thì cả gia đình không thể nào sống nổi vì bị chủ nợ “khủng bố tinh thần” liên tục.
Họ dùng đủ mọi thủ đoạn như đổ chất thải vào nhà, đe dọa người thân, thậm chí còn cắt cử vài kẻ xăm trổ đầy mình đến tận công ty tôi làm phiền. Có lần 2-3 giờ sáng gia đình tôi phải lục đục ra khỏi nhà, đến nhà bà con tá túc vì sợ chủ nợ đến gây rối. Sau cùng, tôi đành phải chấp nhận trả nợ thay”.
“Suốt ba năm nay, bao nhiêu tiền tôi làm ra chỉ đủ để trả khoản vay nặng lãi của chị tôi. Đến giờ vẫn còn thiếu nợ. Chỉ khi nào trả hết nợ vay nặng lãi gia đình tôi mới có thể sống một cuộc đời bình thường được” - chị Thu Thủy thở dài.
Có nhiều kênh vay tiền
Theo tìm hiểu của chúng tôi, với sinh viên, công nhân, công chức vay ít khoảng vài chục triệu đồng thường là vay tín chấp. Lãi suất vay tín chấp thường tính theo ngày, quy ra lãi suất bèo nhất cũng từ 60%/năm. Thậm chí có khi lên đến 200%-300%/năm tùy giá trị khoản vay, mục đích vay và phương thức vay.
Đáng nói là dù lãi suất tín dụng đen cao cắt cổ như vậy nhưng không ít người lao vào, trong khi thực tế có rất nhiều kênh khác để vay tiền với lãi suất chỉ bằng 1/10 so với tín dụng đen.
Ví dụ, vay tín chấp tại Ngân hàng BIDV với lãi suất dao động 12%-15%/năm. Hay vay tại các công ty tài chính lãi suất cho vay trung bình 30%-40%/năm, dù cao hơn ngân hàng nhưng vẫn dễ chịu hơn rất nhiều so với lãi suất tín dụng đen. Việc tiếp cận các khoản vay này cũng không hề khó.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho rằng ngoài ngân hàng thì mảng cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng sẽ giúp thị trường tài chính tại Việt Nam phát triển tích cực và lành mạnh hơn. Vai trò của các công ty tài chính là cần thiết và cần phải có nhằm giúp các đối tượng khách hàng không vay ngân hàng vẫn có cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính được pháp luật bảo vệ. Từ đó giúp giảm tình trạng cho vay nặng lãi hay tín dụng đen.
Cần bắt tay nhau
Ông Nguyễn Cảnh Vinh, Phó Tổng Giám đốc Eximbank, cho biết: Dựa trên mối quan hệ đã được kiểm soát về mức độ rủi ro cùng một số loại giấy tờ như mức lương, sao kê bảng lương, hợp đồng lao động…, phía ngân hàng sẽ tính toán để đưa ra giá trị khoản vay, lãi suất và thời hạn cho vay.
Mặc dù điều kiện cho vay của tín dụng đen rất lỏng lẻo, dễ dãi nhưng lại rất hà khắc từ cách tính lãi cho đến việc đòi nợ. Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của nhiều bên.
“Trước hết là các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc cho vay của tín dụng đen. Người tiêu dùng cũng cần phải hiểu là tiếp cận vốn vay từ ngân hàng và công ty tài chính không hề khó khăn hay phức tạp” - ông Vinh nhấn mạnh.
Vay 1 triệu, mỗi ngày trả lãi 30.000 đồng
Quan sát có thể dễ dàng nhận thấy ở các trụ điện, bức tường đầy rẫy tờ rơi quảng cáo “cho vay không thế chấp”, “cho vay nhanh, thủ tục đơn giản”. Thực tế vay tín chấp lãi suất bao giờ cũng cao hơn vay thế chấp. Đặc biệt vay ngay trên sới bạc, vay do thua cá độ bóng đá… lãi suất cao khủng khiếp, có khi lên đến 15.000-30.000 đồng/triệu/ngày.
Thế nên trong mùa World Cup, không ít người mê cá độ bóng đá chỉ sau vài ngày nhà lầu, xe hơi, biệt thự… không cánh mà bay vào tay chủ cho vay nặng lãi.
Thùy Linh (PLO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.