Kiến nghị điều tra gần 80 thanh tra, CSGT trong vụ logo "xe vua"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo VKS, trong vụ logo "xe vua" có người đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ nhưng không có người nhận hối lộ là phi lý, làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án.
TAND Cấp cao tại TP HCM đã xét xử vụ án "Đưa hối lộ" và "Môi giới hối lộ" đối với đường dây làm logo "xe vua" xảy ra tại TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Phiên tòa nghị án kéo dài đến ngày 21-10 sẽ tuyên án.
Đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM đã đề nghị HĐXX bác kháng cáo của các bị cáo, tuyên y án sơ thẩm. Đồng thời, theo VKS, mâu thuẫn trong vụ án là chưa lôi ra được người nhận hối lộ bởi vì vụ án xử người đưa hối lộ, người làm môi giới hối lộ nhưng không có người nhận hối lộ là điều rất phi lý.
 
Ông Nguyễn Cảnh Chân 
Theo VKS, lời khai của các bị cáo là có căn cứ, các bị cáo đã khai rõ thời điểm, địa điểm và nhận diện một số CSGT, thanh tra giao thông nhận hối lộ. Cho nên, VKS đã kiến nghị VKSND Tối cao, Bộ Công an điều tra những thanh tra giao thông, CSGT và cán bộ nào đã nhận hối lộ.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Cẩm Vân (SN 1982) cho rằng nếu không xử được người nhận hối lộ sẽ ảnh hưởng tới việc xác minh sự thật, khách quan của vụ án. 
Trong vụ án này, chỉ duy nhất một CSGT thuộc Phòng CSGT Đường sắt - Đường bộ, Công an tỉnh Đồng Nai là Nguyễn Cảnh Chân (SN 1973) bị tước quân tịch, xử lý hình sự. Trong khi có đến gần 80 cán bộ thanh tra giao thông, CSGT bị khai đã nhận hối lộ. Bị cáo Nguyễn Cảnh Chân không kháng cáo nhưng vẫn được trích xuất đưa đến tòa để làm rõ một số tình tiết quan trọng.
Theo án sơ thẩm, bà Vân và ông Nguyễn Văn Thới (SN 1976) là chủ doanh nghiệp vận tải nên đã móc nối với các tài xế in và bán logo "xe vua" để không bị xử phạt lỗi quá tải khi lưu thông ở TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai.
Thới đã tiếp cận cán bộ, thống nhất in logo có số "68" và chữ "Garage Thành Đô". Bằng hình thức bán logo "xe vua", Thới thu về 22,7 tỉ đồng; sử dụng 17,8 tỉ đồng nộp phạt, thu lợi 1,3 tỉ đồng, còn lại đưa hối lộ cho TTGT, CSGT.
Tương tự, với việc bán logo "Xe chở hàng", Vân thu về 7,9 tỉ đồng, dùng 627 triệu đồng đưa hối lộ cho cán bộ Đội 7, Đội 8 TTGT TP HCM. Vân khai hưởng lợi được 1,5 tỉ đồng và đã nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính.
Nguyễn Cảnh Chân thừa nhận đã nhiều lần nhận tiền từ Vân và Thới hơn 1,2 tỉ đồng. Với số tiền này, Chân dùng 659 triệu đồng đưa cho ông Võ Thanh Sơn, Đội trưởng Đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai, để ông điều phối việc làm lơ cho "xe vua" mang logo của Vân và Thới. Sau khi nhận tiền, ông Sơn cho Chân bao nhiêu thì tùy ý chứ không đòi hỏi.
Khi ông Sơn bị bệnh hiểm nghèo qua đời, Chân tiếp tục nhận 600 triệu đồng từ Vân và Thới để làm môi giới hối lộ. Tuy nhiên, Chân ăn chặn 300 triệu đồng và chỉ đưa 300 triệu đồng cho ông Đỗ Hữu Tuyến, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai.
Trước đó, ngày 3-10-2018, TAND TP HCM đã tuyên phạt Nguyễn Cảnh Chân tội "Môi giới hối lộ" mức án 8 năm tù.
Các bị cáo Nguyễn Văn Thới (SN 1976) lãnh 14 năm tù, Lê Thị Cẩm Vân (SN 1982; cùng ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) 9 năm tù về tội "Đưa hối lộ".

Liên quan đến vụ án, 7 đồng phạm của Vân và Thới bị phạt từ 1 năm 6 tháng 23 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam) đến 10 năm tù về tội "Đưa hối lộ".

Phạm Dũng (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bộ Công an vừa có Thư khen gửi Công an tỉnh Thái Bình về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, khởi tố 13 đối tượng, thu giữ tổng cộng hơn 43kg ma túy các loại cùng nhiều vật chứng khác.