Kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị dạy học tại phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã An Khê sang cơ quan điều tra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thanh tra thị xã An Khê đã kiến nghị Chủ tịch UBND thị xã chuyển hồ sơ vụ việc đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị dạy học có giá trị thực hiện hơn 7,7 tỷ đồng, trong giai đoạn năm 2020-2021 tại Phòng Giáo dục và Đào tạo đến Cơ quan điều tra Công an thị xã để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhằm đảm bảo điều kiện dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đáp ứng thiết bị dạy học theo quy định trường chuẩn quốc gia mức độ 1, nâng chuẩn lên mức độ 2, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thị xã An Khê đã được giao làm chủ đầu tư thực hiện 3 dự án mua sắm vật tư, thiết bị dạy học trong 2 năm (2020-2021). Tổng kinh phí được giao để thực hiện 3 dự án là hơn 7.8 tỷ đồng trong đó, kinh phí đã thực hiện là hơn 7,74 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án mua sắm trang thiết bị dạy học và hệ thống lọc nước uống năm 2020 có kinh phí hơn 3 tỷ đồng; dự án mua sắm thiết bị dạy và học tối thiểu lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tại thời điểm mua sắm năm 2021 là hơn 2,68 tỷ đồng và dự án mua sắm bổ sung thiết bị dạy học môn Tin học năm 2021 thực hiện là hơn 1,99 tỷ đồng.

Trụ sở Phòng GD-ĐT thị xã An Khê. Ảnh: Lê Anh

Trụ sở Phòng GD-ĐT thị xã An Khê. Ảnh: Lê Anh

Tuy nhiên, qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm tại Phòng GD-ĐT trong quy trình, thủ tục lập dự toán của các dự án. Theo đó, ngày 23-6-2020, Phòng GD-ĐT thị xã đã ký hợp đồng thẩm định giá số 2306/2020/HĐ-VTA/NV3 với Công ty TNHH Thẩm định giá và Đại lý thuế Việt Nam (tổ 9, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) để thực hiện tư vấn dịch vụ thẩm định giá trị tài sản đối với các thiết bị dạy học môn Toán, Tiếng Việt; máy chiếu, tivi; máy vi tính để bàn dành cho học sinh và giáo viên; bàn vi tính, ghế ngồi dành cho học sinh, giáo viên.

Tại báo cáo kết quả thẩm định giá số 2506/2020/BC-VTA/NV3 ngày 25-6-2020 của Công ty TNHH Thẩm định giá và Đại lý thuế Việt Nam, thẩm định viên thu thập 3 báo giá (cùng lập ngày 24-6-2020) của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Sao Mai (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), Vi tính Huỳnh Chung (thị xã An Khê), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Khánh Linh (TP. Quy Nhơn). Trong báo cáo thể hiện, “Báo giá được cung cấp từ các nhà cung ứng sản phẩm tiêu biểu, uy tín, có thương hiệu trên thị trường”, ngành nghề kinh doanh chính của Vi tính Huỳnh Chung: “chuyên cung cấp điện máy tổng hợp, điện tử, điện gia dụng, máy vi tính, máy văn phòng, văn phòng phẩm…”.

Tuy nhiên, khi đoàn Thanh tra đã làm việc cùng ông Lê Huỳnh Chung về việc cung cấp báo giá phục vụ công tác thẩm định giá của Công ty TNHH Thẩm định giá và Đại lý thuế Việt Nam thì ông Lê Huỳnh Chung khẳng định ông chưa được phép mua bán, xuất hóa đơn đối với các mặt hàng: máy lọc nước, tivi, thiết bị giáo dục; và ông không lập bảng báo giá này. Theo ông, Phòng GD-ĐT thị xã đã liên hệ với ông để gửi bảng báo giá nhờ ông ký. Lúc đó, ông đã ký, ghi họ tên vào bảng báo giá, khi ký tên ông không đọc toàn bộ bảng báo giá nên không phát hiện trong đó có các sản phẩm không thuộc ngành nghề kinh doanh được cấp phép.

Ngoài ra, đoàn Thanh tra xác minh qua hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia của tỉnh Bình Định, ngành nghề kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Khánh Linh không bao gồm sản xuất hoặc bán buôn thiết bị dạy học. Như vậy, công tác thẩm định giá của Công ty TNHH Thẩm định giá và Đại lý thuế Việt Nam trong dự án này đã vi phạm nguyên tắc hoạt động thẩm định giá.

Từ những chứng thư thẩm định giá sai quy định nói trên, Phòng GD-ĐT thị xã đã xây dựng dự toán, lập Tờ trình số 31/TTr-PGDĐT ngày 25-6-2020 gửi Phòng Tài chính-Kế hoạch thị xã thẩm định. Sau đó, Phòng Tài chính-Kế hoạch thị xã đã ban hành Báo cáo số 617/BC-TCKH ngày 26-6-2020 về thẩm định dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án mua sắm trang thiết bị dạy học và hệ thống lọc nước uống năm 2020 và lập Tờ trình số 618/TTr-TCKH ngày 26-6-2020 trình Chủ tịch UBND thị xã An Khê phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án mua sắm trang thiết bị dạy học và hệ thống lọc nước uống năm 2020.

Tương tự, Công ty TNHH Thẩm định giá và Đại lý thuế Việt Nam cũng đứng ra thực hiện tư vấn dịch vụ thẩm định giá trị tài sản đối với dự án các thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6, tivi kết nối máy tính thuộc dự án mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tại thời điểm năm 2021. Tại báo cáo kết quả thẩm định giá của Công ty, thẩm định viên thu thập 3 báo giá của: Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Hi-tech (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lộc Phát (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) và Công ty TNHH Phát triển Công nghệ - Tin học Vũ Long (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) thì tất cả chứng thư thẩm định giá số của Công ty đều không phù hợp với các quy định.

Như vậy, dự án mua sắm trang thiết bị dạy học và hệ thống lọc nước uống năm 2020 và dự án mua sắm thiết bị dạy và học tối thiểu lớp 2 và lớp 6 năm 2021, Phòng GD-ĐT thị xã đã ký hợp đồng thẩm định giá với Công ty TNHH Thẩm định giá và Đại lý thuế Việt Nam nhưng Công ty thẩm định giá sử dụng báo giá của các công ty không được cấp phép hoạt động trong ngành nghề liên quan đến thiết bị dạy học nên không có cơ sở để phục vụ tính toán trong phương pháp so sánh. Chủ đầu tư có dấu hiệu can thiệp vào giá thẩm định, bằng cách trực tiếp lập bảng báo giá, đưa báo giá cho một hộ kinh doanh không được cấp phép hoạt động trong ngành nghề liên quan đến thiết bị dạy học, kinh doanh các thiết bị, vật tư lọc nước ký báo giá để cung cấp cho công ty thẩm định giá, mục đích nhận được mức giá mong muốn đối với các trang thiết bị cần mua sắm.

Ngoài ra, qua tiến hành kiểm tra hiện trạng các trang thiết bị thuộc 3 dự án mua sắm vật tư, thiết bị dạy học giai đoạn năm 2020-2021 tại 15 trường Tiểu học, THCS trên địa bàn thị xã đã phát hiện nhiều trang thiết bị, vật tư không đảm bảo chất lượng như trong hợp đồng. Theo đó, tại dự án mua sắm trang thiết bị dạy học và hệ thống lọc nước uống năm 2020, thì sản phẩm Smart tivi dùng dạy học nhãn hiệu VTB LV4320SN, tại mô tả đặc tính sản phẩm phụ lục danh mục hàng hóa kèm theo hợp đồng kinh tế có ghi: “Tính năng báo động khẩn cấp: thực hiện nhanh qua Remote để gửi tin nhắn SMS”. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế thì không có tính năng tích hợp như đã nêu trên. Tương tự, máy tính học sinh nhãn hiệu ROBO PRO SCHOLAR, máy tính giáo viên nhãn hiệu ROBO PRO PIONEER, tại mô tả “Tính năng tích hợp dễ dàng phát hiện các hư hỏng từng phần cứng như CPU, RAM, VGA bằng đèn hiển thị trực quan được tích hợp sẵn trên mainboard. Quản trị hệ thống từ xa bằng Smartphone: cho phép quản lý dữ liệu, hình ảnh, âm thanh, quản lý trình chiếu Video. Thực hiện tắt/mở/khởi động/lưu toàn bộ dữ liệu tạm thời trên máy tính bằng Smartphone”. Qua kiểm tra thực tế thì cũng không có tính năng tích hợp như đã nêu trên. Cùng với đó, hệ thống lọc nước tinh khiết KOSOVOTA công suất lọc của hệ thống thể hiện trong hợp đồng kinh tế là 100 lít/giờ nhưng qua kiểm tra thực tế 10 máy lọc tại 8 trường đạt công suất từ 80 lít/giờ trở lên; 9 máy lọc tại 8 trường đạt công suất từ 40-65 lít/giờ.

Đối với, dự án mua sắm thiết bị dạy và học tối thiểu lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và dự án mua sắm bổ sung thiết bị dạy học môn tin học năm 2021 thì các sản phẩm Smart tivi dùng dạy học nhãn hiệu VTB LV5020SN; AR-5001S; đồng hồ bấm giây; biển lật số; máy tính học sinh nhãn hiệu ROBO PRO SCIENCE, máy tính giáo viên nhãn hiệu ROBO PRO DIAMOND… qua kiểm tra thực tế thì không đảm bảo chất lượng và không có các tính năng như hợp đồng đã ký kết.

Với những sai phạm nêu trên, tại Kết luận Thanh tra số 01/KL-TTr, ngày 16-2-2023 của Thanh tra thị xã An Khê đã kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị dạy học giai đoạn năm 2020- 2021 tại Phòng GD-ĐT thị xã đến Cơ quan điều tra Công an thị xã An Khê để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu Phòng GD-ĐT thị xã An Khê tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với tập thể và từng cá nhân có liên quan đến việc khảo sát giá, cung cấp báo giá; lập hồ sơ mời thầu; tiếp nhận, nghiệm thu, bàn giao các trang thiết bị để xảy ra sai sót. Đồng thời, yêu cầu Phòng GD-ĐT thị xã làm việc cùng các nhà thầu để thay thế hoặc tiến hành những điều chỉnh cần thiết đáp ứng đúng các yêu cầu về đặc tính kỹ thuật đối với trang thiết, hoặc khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ dịp Tết Nguyên đán 2025

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ dịp Tết Nguyên đán 2025

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Công văn số 101/UBND-NC về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí (VK), vật liệu nổ (VLN), công cụ hỗ trợ (CCHT) và pháo đảm bảo an ninh trật tự trong Tết Nguyên đán 2025.

Bác sĩ Nguyễn Quang Khôi (Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi tỉnh) thăm hỏi một trường hợp bị thương do tai nạn pháo nổ. Ảnh: N.N

Cảnh báo tai nạn do pháo nổ

(GLO)- Hơn 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu do tai nạn pháo nổ, trong đó có bệnh nhân được đưa đến cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Hầu hết các trường hợp bị thương tích là do tự chế pháo và đốt pháo.