Không gian văn hóa đa sắc màu tại Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Ia Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-Với gần 300 nghệ nhân Jai và Bahnar tham gia, Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) diễn ra ngày 26-12 thực sự tạo nên không gian văn hóa đa sắc màu, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách.

98.jpg
Các vận động viên tham gia phần thi chạy cà kheo tại ngày hội. Ảnh: Vũ Chi

Đa sắc màu

Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Ia Pa lần thứ II năm 2024 diễn ra với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như: phục dựng nghi lễ truyền thống, trình diễn cồng chiêng đường phố, hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc; thi nấu cơm, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, bắn nỏ, chạy cà kheo.

Trong trang phục thổ cẩm truyền thống cùng tiếng cồng chiêng vang vọng, không phân biệt già trẻ, lớn bé, gái trai, tất cả đều “cháy” hết mình, mang đến cho người xem những màn trình diễn ấn tượng, giàu cảm xúc.

Chọn lễ bỏ mả để tái hiện lại, đoàn nghệ nhân xã Ia Broăi để lại dấu ấn khó phai trong lòng Ban giám khảo và khán giả. Đây là một trong những nghi lễ độc đáo nhất của người Jrai, là nghi lễ cuối cùng của đời người, đánh dấu cái chết được hồi sinh và người sống được giải phóng. Sau lễ bỏ mả, mọi ràng buộc giữa người sống và người chết không còn nữa.

9.jpg
Già làng Rcom Chluel (xã Ia Broăi) dựng mô hình nhà mồ để chuẩn bị tái hiện lễ bỏ mả của đồng bào Jrai. Ảnh: Vũ Chi

Gánh trọng trách thực hiện lễ cúng, già làng Rcom Chluel (xã Ia Broăi) cho hay: “Những lễ hội đời người của người Jrai là cách thể hiện văn hóa ứng xử của con người với thần linh. Tuy xã hội ngày càng phát triển, một số lễ hội bị mai một dần nhưng lễ bỏ mả của người Jrai ở Ia Broăi vẫn được duy trì. Tùy điều kiện kinh tế của mỗi gia đình nhưng cùng với cộng đồng, lễ bỏ mả là lễ hội lớn và đặc biệt của buôn, làng”.

Một trong những phần thi hấp dẫn, được người dân chờ đón nhất ngày hội là hoạt động trình diễn cồng chiêng đường phố. Gần 300 nghệ nhân cùng nhau trình diễn cồng chiêng dọc tuyến đường từ nhà thi đấu huyện lên Đài tưởng niệm huyện. Trong thanh âm cồng chiêng rộn rã, những đôi chân trần nhịp bước đều đặn thu hút sự quan tâm, hò reo cổ vũ của đông đảo người dân 2 bên đường.

z6172854348107-d5d2e9e8ac888c77f794832d47d9b982.jpg
Đoàn nghệ nhân nhí xã Pờ Tó tham gia trình diễn cồng chiêng đường phố tại ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Ia Pa năm 2024. Ảnh: Vũ Chi

Em Đinh Doanh (đoàn nghệ nhân xã Pờ Tó) bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia ngày hội, cũng là lần đầu tiên được trình diễn cồng chiêng đường phố. Em cảm thấy rất vui và tự hào vì đã góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của người Bahnar đến với mọi người”.

Cùng với hoạt động cồng chiêng, các trò chơi dân gian đã tạo nên không khí rộn ràng cho ngày hội. Với sự khéo léo, chị Kpă H’Chuyên (thôn Mơ Nang 2, xã Kim Tân) xuất sắc giành giải nhất thi chạy cà kheo nữ và bắn nỏ nữ.

Chị H’Chuyên chia sẻ: “Mình biết đi cà kheo khi còn học tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện năm 2008. Tuy nhiên, sau này vì bận rộn với công việc gia đình và nương rẫy nên ít có cơ hội thể hiện, chỉ mới tập lại thôi. Thật hạnh phúc vì hôm nay mình vẫn có thể chiến thắng ở 2 nội dung thi, góp phần vào thành tích chung của xã nhà”.

9999.jpg
Phần thi trình diễn cồng chiêng của đoàn nghệ nhân xã Ia Tul. Ảnh: Vũ Chi

Bảo tồn và phát triển

Với phần trình diễn xuất sắc trong các phần thi, đội cồng chiêng xã Ia Tul đã xuất sắc giành giải nhất toàn đoàn tại hội thi. Chị Nay H’Gai (công chức Văn hóa-Xã hội xã) cho biết: Để chuẩn bị cho ngày hội, đoàn nghệ nhân xã Ia Tul 44 thành viên đã tích cực tập luyện trong 1 tháng.

Nhờ được trình diễn tại chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” trước đó 1 tuần nên cả đội có sự phối hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng. “Giải nhất toàn đoàn là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của cả đội trong suốt thời gian qua. Bà con ai cũng hy vọng chương trình duy trì thường xuyên để cộng đồng các dân tộc có dịp giao lưu, học hỏi góp phần làm phong phú, đa dạng thêm đời sống văn hóa của dân tộc mình”-chị H’Gai kỳ vọng.

Là người am hiểu về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nghệ nhân Ksor Thất (thôn Plơi Apa Ơi H’Briu, xã Chư Mố, thành viên Ban Giám khảo) đánh giá: Với sự chuẩn bị chu đáo, các đoàn nghệ nhân đã mang đến ngày hội không gian văn hóa đa sắc màu. Cách thức thể hiện cơ bản giữ được nét truyền thống của từng cộng đồng dân cư.

99.jpg
Nghệ nhân xã Ia Tul trình diễn dệt thổ cẩm tại ngày hội. Ảnh: Vũ Chi

Thành công lớn nhất của ngày hội là sự xuất hiện của đông đảo các nghệ nhân nhí. Với sự hồn nhiên và tràn đầy năng lượng, các em đã thổi một làn gió mới, mở ra tương lai tươi sáng cho cồng chiêng huyện nhà.

Tuy nhiên, một số nội dung như thi dệt thổ cẩm, tạc tượng vẫn ít người tham gia, thiếu thế hệ nối tiếp đảm trách. Ban tổ chức nhận thức đây là nội dung cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.

Kết thúc hội thi, ngoài giải nhất, nhì, ba cho từng nội dung thi, Ban tổ chức trao giải nhất toàn đoàn cho xã Ia Tul, giải nhì cho xã Ia Broăi và giải ba cho xã Pờ Tó.

Ông Nguyễn Thái Sơn-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện-cho biết: Thực hiện 2 đề án của Huyện ủy về bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện, trong năm, Trung tâm đã phối hợp tổ chức 3 đêm “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại địa phương nhằm gieo ý niệm bảo tồn văn hóa truyền thống ngay tại cơ sở; đồng thời tạo điều kiện cho các nghệ nhân tại buôn làng có dịp cống hiến, truyền lửa cho thế hệ trẻ.

999.jpg
Ban tổ chức trao giải toàn đoàn cho các đoàn tham gia ngày hội. Ảnh: Vũ Chi

Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số năm nay thực sự thành công, có nhiều nét mới.Bên cạnh các hoạt động truyền thống, Ban tổ chức đưa thêm phần thi giã gạo, nấu món ăn truyền thống và trình diễn cồng chiêng đường phố cho thêm phong phú.

Ngày hội không chỉ tạo cơ hội cho bà con các dân tộc trong toàn huyện có dịp gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm mà còn là dịp để ngành văn hóa đánh giá công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của từng địa phương, làm cơ sở để tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

(GLO)- Dòng Pô Cô huyền thoại uốn lượn qua miền biên giới Ia Grai trước khi chảy qua Campuchia hợp lưu với sông Mê Kông. Mỗi độ cuối đông đầu xuân, ven bờ sông và trên cồn bãi xuất hiện một loài hoa rất đẹp, người Jrai gọi là bra tang hay còn gọi là hoa rù rì.

Dấu ấn người lính Gia Lai qua nhiếp ảnh

E-magazineDấu ấn người lính Gia Lai qua nhiếp ảnh

(GLO)- Chân dung người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn mang vẻ đẹp của sự tận hiến, trở nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh Gia Lai. Nhờ đó, công chúng có cơ hội tiếp cận và hiểu hơn đời sống người chiến sĩ giữa thời bình.

Các nghệ nhân phường Cheo Reo tái hiện lễ mừng lúa mới của người Jrai tại Hội thi văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số thị xã Ayun Pa. Ảnh: Vũ Chi

Hội thi văn hóa cồng chiêng thị xã Ayun Pa: Tái hiện chân thực không gian văn hóa truyền thống

(GLO)-Với nhiều nét mới, Hội thi văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) lần thứ III năm 2024 diễn ra trong ngày 21-12 đã tái hiện không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, mang đến những trải nghiệm thú vị cho người xem.

Cổng vào Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi. Ảnh: Đức Thụy

Xây dựng Khu di tích Plei Ơi thành sản phẩm du lịch đặc thù

(GLO)- Gắn liền với truyền thuyết Hỏa Xá, Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa. Huyện Phú Thiện đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng khu di tích thành sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

Chuyện làng ở Hà Tây

Chuyện làng ở Hà Tây

(GLO)- Chúng tôi về thăm xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vào một ngày mưa nhẹ, trời se lạnh. Tại đây, chúng tôi dành thời gian để trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Bahnar và được nghe các già làng kể chuyện nhà rông.

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

(GLO)- Ngày 16-12, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định Phê duyệt kết quả cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu” thuộc dự án Phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn Thượng đạo).