Không để nền kinh tế "nghẽn mạch"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mọi năm, nhu cầu tiêu thụ cá chép đỏ thường tăng rất cao và kết thúc vào hôm qua, 23 tháng Chạp- ngày cuối cùng để người dân “tiễn ông Công, ông Táo về Trời”, theo phong tục cổ truyền. Nhưng năm nay, theo phản ánh của các hộ dân chuyên nuôi chép đỏ ở Phú Thọ, họ phải đem phóng sinh hàng tấn cá; có hộ chịu thiệt hại tới hàng trăm triệu đồng vì thương lái Hải Dương, Quảng Ninh hủy đơn hàng.

Người nuôi cá khổ sở, nhưng cũng không thể trách thương lái vốn đang trong vùng bị phong tỏa để ngăn ngừa dịch bệnh. Tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra với người nông dân trồng hoa ở nhiều vùng trên cả nước. Như ở Hải Dương, nhiều hộ cho biết cầm chắc bị ế cả vườn đào do thương lái đã hủy giao dịch, rút tiền đặt cọc vì tình hình cách ly, phong tỏa…

Thế là, tháng 1, với các chỉ số kinh tế khả quan (như chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 22,2% so với tháng 1-2020; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 479.900 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước…), hứa hẹn một cái tết đủ đầy, đầm ấm, thì giờ đây nền kinh tế phải đối mặt với rủi ro “nghẽn mạch”.

Thấy được nguy cơ này, tại cuộc họp thường kỳ ngày 2-2, lãnh đạo Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp điều hành đúng đắn và kịp thời để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”: vừa kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vừa đảm bảo cho nền kinh tế tiếp tục vận hành thông suốt. Vấn đề ở đây là các ngành, địa phương sẽ triển khai cụ thể những quyết sách đó như thế nào.

Một kinh nghiệm rất đáng được nghiên cứu nhân rộng là việc toàn bộ khoai tây sau thu hoạch của nông dân xã Bình Dương (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) được tiêu thụ trong khi vẫn thực hiện an toàn phòng chống dịch Covid-19. Mặc dù xã Bình Dương đang bị phong tỏa để dập dịch, song các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực kết nối người bán với người mua. Toàn bộ khoai tây của xã trong quá trình thu hoạch - lưu thông đều được kiểm tra, giám sát nghiêm túc, từ việc đăng ký tuyến, biển số xe cho đến việc phun khử khuẩn toàn bộ tài xế, hàng hóa, phương tiện vận chuyển trước khi chuyển tiếp qua các chốt kiểm soát dịch để đến nơi tiêu thụ.

Nhưng còn hoa, cây cảnh, rau, củ, quả…? Hoa sẽ “quá thì”; rau, củ, quả hư hỏng; gia súc, gia cầm, thủy sản không có thức ăn nuôi, trong khi, chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm Tân Sửu. Vài ngày để cứu vãn công sức của những người nông dân, tiểu thương… đã “một nắng, hai sương”, gom góp, dốc sạch vốn liếng cho vụ làm ăn được kỳ vọng nhất trong năm. Và, nhìn xa hơn nữa là sức sống của nền kinh tế; như máu phải được lưu thông để cơ thể được khỏe mạnh; hàng hóa phải được luân chuyển để nền kinh tế duy trì sức lực, đủ sức hồi phục và bật lên ngay khi dịch bệnh được khống chế thành công.

Muốn vậy, những chính sách cụ thể cần sớm được thiết kế, ban hành theo hướng Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương, bỏ tiền mua, tiêu thụ cho nông dân; hay hỗ trợ các công ty mua những mặt hàng có thể tích trữ. Cần huy động hết công suất các cơ sở chế biến, bảo quản.

Với loại hàng hóa đặc biệt như hoa tết, có thể mua và tổ chức bán đến từng khu phố, thôn xóm bằng các chuyến xe lưu động được xác nhận đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, như Quảng Ninh đã làm với khoai tây; hướng dẫn người nông dân bán hàng trực tuyến và hỗ trợ vận chuyển. Bên cạnh đó là tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng yên tâm mua sắm. Chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền (bù đắp một phần thua lỗ) hay hỗ trợ toàn bộ lãi vay ngân hàng cũng rất cần thiết. Năm 2020, điều đáng mừng là dù nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều địa phương vẫn vượt thu ngân sách, nghĩa là vẫn có nguồn lực để thực hiện việc hỗ trợ này.

Tất nhiên, không phải chỉ có người nông dân và tiểu thương phải chịu thiệt hại về dịch bệnh mà nhiều ngành kinh tế khác cũng phải chịu tác động tiêu cực rất nặng nề. Do vậy, sẽ cần đến những gói hỗ trợ quy mô lớn và được triển khai bài bản. Đó là chủ đề cần tiếp tục được suy ngẫm và bàn bạc cẩn thận.

 

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG,
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương


 

Có thể bạn quan tâm

Gỡ vướng trong cấp sổ hồng

Gỡ vướng trong cấp sổ hồng

Mặc dù cơ quan chức năng của TPHCM đã rất nỗ lực tháo gỡ nhưng vẫn còn đến 41.000 căn nhà hiện chưa được cấp giấy chủ quyền (sổ hồng). Đây là con số rất lớn, phản ánh việc cấp sổ hồng vẫn rất gian nan, đòi hỏi phải có quyết tâm cũng như bổ sung các quy định của pháp luật để xử lý rốt ráo.

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Rối bời vì quy định mông lung

Rối bời vì quy định mông lung

Suốt 2 ngày sau khi Thông tư về quy chế tuyển sinh THCS, THPT được Bộ GD-ĐT ban hành, phụ huynh hốt hoảng, đứng ngồi không yên vì quy định chấm dứt hoàn toàn việc thi hay đánh giá năng lực vào lớp 6. Rồi ngay sau đó, Bộ lại ra văn bản giải thích… vẫn cho các trường đặc thù thực hiện như trước.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.