Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu nói trên là một thách thức. Bởi, dù đã rất nỗ lực nhưng TPHCM đang đối mặt với nhiều tồn đọng như hạ tầng chưa hoàn thiện, quy hoạch “treo”, dự án “treo” kéo dài; vướng mắc pháp lý về nhà đất, công trình hoang hóa nhiều năm; thủ tục hành chính chưa như mong muốn...
Cụ thể, tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án (Ban Chỉ đạo 1568) do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vào ngày 4-1, lãnh đạo TPHCM báo cáo, đến cuối năm 2024, thành phố xác định còn tới 200 công trình, dự án tồn đọng. Vậy nhưng, con số thực tế có thể cao hơn nếu tính đến cấp huyện, cấp xã! Tồn đọng kéo dài gây ra “điểm nghẽn” cho phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống người dân và tạo rào cản tâm lý về sự tin tưởng của nhà đầu tư.
Mang khát vọng bứt phá mạnh mẽ, nhận thức rõ những “điểm nghẽn”, lãnh đạo TPHCM xác định: giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của thành phố là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025. Một khi tồn đọng được giải quyết sẽ giải phóng các nguồn lực bị “đóng băng”, giúp bổ sung đáng kể cho nguồn vốn đầu tư, tạo thêm động lực phát triển kinh tế.
Mặt khác, môi trường đầu tư được cải thiện sẽ trở nên hấp dẫn hơn, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước rót vốn vào thành phố, tạo động lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số. Đặc biệt, giải quyết triệt để tồn đọng giúp xây dựng hình ảnh một chính quyền năng động, sáng tạo và hiệu năng - hiệu quả, mang đến tâm lý phấn khởi, củng cố niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đây là nền tảng quan trọng để thu hút sự đồng hành của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và đối tác quốc tế trong hành trình bước vào Kỷ nguyên vươn mình.
Đến nay, TPHCM đã có những động thái cụ thể, với thái độ quyết liệt để tháo gỡ tồn đọng như phân công Thường trực UBND TPHCM theo dõi, chỉ đạo giải quyết các dự án tồn đọng, dừng thi công; điều chỉnh, phân công lại nhiệm vụ đối với thành viên và 2 tổ công tác giúp việc của Ban Chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc, giải quyết các vụ việc tồn đọng, vướng mắc, khiếu kiện đông người trên địa bàn TPHCM (Ban Chỉ đạo 902).
TPHCM còn xây dựng công thức giải quyết tồn đọng (1-3-7 và 3-3) nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ tồn đọng và tăng cường kỷ cương hành chính, biến tồn đọng thành nguồn lực cho cỗ xe vươn mình...
Trong thực hiện nhiệm vụ này, TPHCM nhận được sự đồng hành, hỗ trợ cụ thể từ Trung ương. Mới nhất là buổi làm việc của Ban Chỉ đạo 1568 với TPHCM, do người đứng đầu Chính phủ chủ trì, cho ý kiến xử lý các vấn đề tồn đọng nằm ngoài khả năng giải quyết của thành phố, với yêu cầu “làm việc nào dứt việc đó”.
Trong thời gian tới, kết quả giải quyết tồn đọng cần được xem là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá, lựa chọn và bố trí nhân sự, nhất là người đứng đầu khi sắp xếp bộ máy đảm bảo tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả.
Thông qua đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị TPHCM sẽ đảm bảo thể hiện rõ vai trò tiên phong, gương mẫu sớm “giải quyết cơ bản tồn đọng” và đủ sức tham gia triển khai hiệu quả Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy mới, tầm nhìn chiến lược, cũng như sớm cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM.
Theo KIỀU PHONG (SGGPO)