Động lực tăng trưởng kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mùa báo cáo tài chính quý II/2024 đã bắt đầu với 13 doanh nghiệp (DN) đưa ra ước tính kết quả kinh doanh hoặc công bố báo cáo tài chính.

Dù tổng lợi nhuận sau thuế giảm 10,4% so với cùng kỳ 2023, do kết quả kinh doanh kém tích cực của ACV (cảng hàng không) và OIL (xăng dầu), song nhiều DN vẫn tăng trưởng lợi nhuận mạnh so với cùng kỳ.

Kết quả này cũng phản ánh bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng. Theo đánh giá của Chính phủ, kinh tế thể hiện rõ sự phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nền tảng để phấn đấu hoàn thành và vượt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2024. Tăng trưởng GDP quý II phục hồi mạnh, tăng 6,93% so với cùng kỳ, tính chung 6 tháng tăng 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (tăng 3,84%).

Bên cạnh nỗ lực của DN, có sức đẩy lớn từ các chính sách hỗ trợ DN, như Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2024 về việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong 6 tháng cuối năm; Nghị định 64/2024 về gia hạn các sắc thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024... Các chính sách ban hành kịp thời, giúp cho DN phục hồi, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Hiệu ứng các chính sách giảm thuế từ nửa cuối năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 đã kịp thời tiếp sức, hỗ trợ DN và người dân có thêm nguồn lực về tài chính tập trung cho sản xuất kinh doanh.

Chính sách giảm 2% thuế GTGT có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước nhưng thị trường sẽ tốt hơn, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng lên, tác động đến việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước. Giảm thuế GTGT 2% tiếp tục đến hết năm 2024 tạo ra cơ hội giảm mặt bằng giá cả của nền kinh tế xuống khoảng 1,7%. Từ ngày 1-7-2024, Chính phủ cũng miễn, giảm 36% loại phí, lệ phí, giảm chi phí đầu vào cho DN. Với các biện pháp về tài chính, tiền tệ, thúc đẩy đầu tư công và các hoạt động về cải cách thủ tục hành chính 6 tháng cuối năm, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn khoảng 6,8%.

Chính phủ xác định tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức cận trên từ 6,5%-7%, lạm phát dưới 4,5%, thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024, tạo nền tảng thuận lợi và giữ đà, giữ nhịp phát triển cho năm 2025. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình, dự án quan trọng quốc gia…

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cần tập trung vào đẩy mạnh 3 động lực gồm: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu cũng như đẩy mạnh các động lực mới: Chuyển đổi nền kinh tế, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.