Thống kê của Bộ KH-CN cho thấy năm 2024, chi cho ngân sách KH-CN chỉ dừng ở 13.676,8 tỉ đồng, chiếm khoảng 0,65% tổng chi ngân sách nhà nước.
"Điểm nghẽn" trong cơ chế chi tiêu còn khiến việc giải ngân đầu tư cho khoa học công nghệ luôn ở mức thấp. Tình trạng tồn đọng vốn luôn diễn ra, thể hiện qua kinh phí chuyển nguồn hằng năm lớn, không hết dự toán chi ngân sách được giao…
Trong nhiều nguyên nhân được chỉ ra, thì nguyên nhân mà các nhà khoa học thường nhắc đến là việc thanh quyết toán rườm rà, thủ tục rắc rối. Làm đề tài khoa học mà thời gian nghiên cứu có khi ít hơn thời gian làm các thủ tục thanh quyết toán, và hồ sơ nghiên cứu có khi còn ít hơn hồ sơ thanh quyết toán; thậm chí phải tranh cãi với cơ quan tài chính vì những khoản chi "hợp lý mà không hợp lệ".
Trong khi hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ vốn luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro; việc đạt được kết quả ngay từ những thử nghiệm đầu tiên là rất khó thì quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước khi xem xét hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước lại gắn với việc kiểm soát tính đầy đủ của chứng từ chi tiêu.
Đến nay, với tư duy đột phá và quan điểm "xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số", Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị được kỳ vọng sẽ "cởi trói" cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Nghị quyết cũng tạo đột phá khi đề ra nhiệm vụ "đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính; giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ".
Đặc biệt, việc Nghị quyết 57 cho phép "chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo" là rất trúng với tinh thần "đổi mới, sáng tạo", bởi với những vấn đề mới được thực tiễn đặt ra thì không thể lường hết được rủi ro.
Một "điểm nghẽn" khác cũng tiếp tục được Nghị quyết 57 giải quyết, đó là cho phép các nhà khoa học được sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác khoa học và công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp. Hy vọng, với tháo gỡ này, các "tài sản" trí tuệ sẽ được chủ động sử dụng sao cho hiệu quả nhất; các kết quả nghiên cứu được đưa ngay vào triển khai, ứng dụng đem lại hiệu quả cho nhà nghiên cứu, cơ quan nghiên cứu, xã hội và đất nước. Lợi nhuận thu được sẽ quay lại đầu tư cho chính nhà nghiên cứu, cơ quan nghiên cứu để làm những đề tài khác.
Với các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, đồng bộ và cụ thể, Nghị quyết 57 được đón nhận hào hứng và kỳ vọng là nền tảng đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành cuộc cách mạng thành công, tạo động lực cho sự vươn mình mạnh mẽ của đất nước.
Theo Hải Triều (TNO)