Lâu nay, những thành tích, kết quả của giáo dục được ghi nhận lại thường gắn với nỗ lực vượt qua khó khăn, "thiếu trước, hụt sau" về nguồn lực. Trải qua nhiều lần cải cách giáo dục, lần nào những điều kiện về đội ngũ, vật chất cũng đi sau hoặc không đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
Lần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT được triển khai từ 10 năm trước cũng được xem là lần đổi mới mang tính cách mạng. Thế nhưng, chính Bộ GD-ĐT khi nhìn lại giai đoạn thực hiện vừa qua cũng nhìn nhận, cuộc "cách mạng" diễn ra trong bối cảnh tiềm lực kinh tế, tài chính, đầu tư còn rất hạn hẹp. Đó là thách thức của việc đảm bảo công bằng tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, các nhóm đối tượng trong sự chênh lệch giàu nghèo, với sự chênh lệch về điều kiện và cơ hội tiếp cận giáo dục, nhất là tiếp cận giáo dục chất lượng tốt…
Trong 10 năm đổi mới, ngân sách chi cho GD-ĐT không năm nào đạt đủ mức tối thiểu; đội ngũ giáo viên thiếu ở khắp nơi, năm sau thiếu hơn năm trước; trang thiết bị dạy học tối thiểu chỉ đạt hơn 50%; giáo viên nghỉ việc, chuyển việc… Nhìn lại thì có thể thấy 10 năm đổi mới vẫn là đổi mới trong khó khăn, vượt lên khó khăn.
Năm 2025 đang mở ra cho ngành giáo dục nhiều hy vọng khi những chính sách mang tính đột phá đã được xây dựng, ủng hộ và luật hóa để thực thi. Đó là khẳng định của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT; là chủ trương "lương nhà giáo cao nhất" đã được đưa vào luật Nhà giáo để trình Quốc hội ban hành trong năm nay; là kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT và mới đây nhất, Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 cũng nhắc đến, thống nhất quyết tâm thực hiện.
Sau nhiều năm chia cắt, chồng chéo trong quản lý đào tạo nghề, năm 2025 dự kiến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, 13 trường CĐ và 3 trường ĐH sư phạm trực thuộc Bộ LĐ-TB-XH sẽ chuyển sang chịu sự quản lý của Bộ GD-ĐT. Đây cũng là năm dự kiến luật Nhà giáo thông qua với chủ trương giao quyền quản lý, tuyển dụng, điều động nhà giáo cho ngành giáo dục...
Về ngân sách cho giáo dục, vừa qua Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo một trong 4 việc cần làm ngay với ngành GD-ĐT là bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng nghị quyết mà Đảng đã đề ra.
Rất nhiều những quan tâm, đầu tư, kỳ vọng đang dành cho ngành giáo dục, cho nhà giáo, khẳng định vai trò của nhà giáo là lực lượng quan trọng nhất quyết định tới giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng nhìn nhận trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục cần một sự hoán cốt từ bên trong và rất cần sự quan tâm lớn hơn nữa. Để thực sự trở thành quốc sách hàng đầu trong các quốc sách, giáo dục cần sự quan tâm thiết thực hơn, kịp thời hơn… để không còn phải vượt khó, vượt nghèo để "dạy tốt học tốt trong mọi hoàn cảnh khó khăn".
Theo Tuệ Nguyễn (TNO)