'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Trưởng thôn Lô Lô Chải, ông Sình Dỉ Gai đã mày mò học hỏi và hướng dẫn bà con áp dụng hiệu quả công nghệ số để phát triển du lịch thông minh.

Câu chuyện truyền cảm hứng từ thôn Lô Lô Chải cho thấy chuyển đổi số đã thực sự len lỏi vào mọi khía cạnh cuộc sống, từ chiếc điện thoại thông minh trên tay mỗi người với các ứng dụng thay thế cho nhiều loại giấy tờ như thẻ căn cước, bảo hiểm, thẻ ngân hàng… đến đội ngũ doanh nghiệp số ngày càng mở rộng và lớn mạnh. Song trên thực tế, vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu xa, những khu vực "lõm sóng" internet.

Theo bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia chính sách công của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP), chuyển đổi số ở cấp Chính phủ của Việt Nam tăng rất nhanh (15 bậc) lên vị trí thứ 71 trên thế giới nhưng để phát triển "công dân số" như ở các nước phát triển thì vẫn còn cách khá xa. Một nghiên cứu của UNDP cho thấy chỉ khoảng 7 - 8% người dân tại cấp xã, cấp huyện sử dụng dịch vụ công trực tuyến, lý do đơn giản nhất là vì chưa biết sử dụng.

Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phải nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân, doanh nghiệp hưởng thụ thật - đây là thông điệp được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh. Để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong cuộc cách mạng số, theo khuyến nghị của chuyên gia UNDP, nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng văn bản "cầm tay chỉ việc" cho đội ngũ công chức trực tiếp gần dân nhất, đưa các thủ tục thiết yếu lên môi trường điện tử theo phương thức đơn giản nhất, làm từng bước nhỏ sau đó tích hợp lại. Sao cho tiện ích và dễ sử dụng nhất với mọi người dân, đặc biệt là với người già, người ở nông thôn, đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa - những đối tượng yếu thế dễ bị tụt lại.

Rộng hơn, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đích danh những điểm nghẽn hiện nay như phát triển công nghệ số vẫn diễn ra không đồng đều giữa các vùng miền, địa phương; nhiều khu vực chưa được đầu tư đầy đủ hạ tầng số, ảnh hưởng kết nối chung cả nước. Tổng Bí thư cũng đặt vấn đề dù đứng thứ hạng cao trong xuất khẩu các sản phẩm số, song doanh nghiệp Việt Nam đang đóng góp được bao nhiêu phần trăm giá trị trong cuộc cách mạng số toàn cầu, hay đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài?

Cuộc cách mạng nào cũng phải từ dân, vì dân, và cách mạng số không phải là ngoại lệ. Các chính sách phải được thiết kế để hỗ trợ tối đa cho người dân và "cởi trói", trợ lực cho doanh nghiệp. "Khoán 10" trong nông nghiệp trước đây đã thành công nhờ chính sách "cởi trói" vì dân và cuộc "khoán 10" trong công nghệ ngày nay cũng cần được xây dựng trên tinh thần này. Chỉ khi đó chuyển đổi số mới thực sự thành điểm đột phá cho kinh tế tăng trưởng hai con số, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo Mai Hà (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

Hành động thực chất

Hành động thực chất

Không chỉ "vừa chạy vừa xếp hàng" mà còn phải bứt tốc để cùng lúc chuẩn bị, triển khai cả về diện rộng lẫn chiều sâu, xắn tay vào nhiều đầu việc quan trọng ngay những ngày đầu năm 2025. Đó là tâm thế của TP.HCM lúc này.