Khởi động Dự án "Mô hình toàn diện nhằm xây dựng cộng đồng an toàn tại Việt Nam"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dự án "Mô hình toàn diện nhằm xây dựng cộng đồng an toàn tại Việt Nam" do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ với tổng kinh phí viện trợ là 2,4 triệu USD nhằm hỗ trợ 57.250 người hưởng lợi gián tiếp và hơn 9.800 người hưởng lợi trực tiếp.

Hội thảo triển khai Dự án "Mô hình toàn diện nhằm xây dựng cộng đồng an toàn tại Việt Nam" được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Mỹ cùng liên minh các tổ chức: Catholic Relief Services, Plan International, Save the Children và HelpAge International tổ chức vào ngày 11-8. Hội thảo nhằm cung cấp thông tin về dự án tới các bên liên quan; giới thiệu vai trò của các tổ chức thuộc liên minh trong việc triển khai dự án. Hội thảo được kỳ vọng tạo nền móng cho sự hợp tác giữa các tổ chức Liên minh trong công tác phòng ngừa và ứng phó thiên tai ở cộng đồng, trường học.

Dự án "Mô hình toàn diện nhằm xây dựng cộng đồng an toàn tại Việt Nam" do liên minh các tổ chức (Hội Chữ thập đỏ Mỹ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Catholic Relief Sevices, Plan International, Save the Children, và HelpAge International) thực hiện từ tháng 10-2021 đến tháng 9-2023 tại 16 xã/phường thuộc 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Thừa Thiên-Huế. Dự án nhằm nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của các cộng đồng mục tiêu, trường học và các nhóm liên quan thông qua củng cố các cơ cấu quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai; nâng cao năng lực, tối ưu hóa các nguồn lực về chuẩn bị và ứng phó ở cấp cộng đồng.

Nội dung chính của dự án gồm: Nâng cao năng lực cho chính quyền xã, các tổ chức cộng đồng, đoàn thể để hỗ trợ cộng đồng trong việc phòng ngừa, giảm thiểu tác động từ thiên tai; tăng cường năng lực hỗ trợ cộng đồng của chính quyền địa phương cấp xã và đội ứng phó cộng đồng địa phương trong ứng phó với thiên tai; nâng cao năng lực điều phối các nguồn lực để phòng ngừa và ứng phó với thiên tai của chính quyền các tỉnh. Cán bộ và giáo viên nhà trường được cung cấp kiến thức và kỹ năng về lồng ghép sáng kiến trường học an toàn (gồm: đánh giá và xây dựng kế hoạch trường học an toàn) .

Giai đoạn mới của dự án được thiết kế dựa trên kết quả của ba giai đoạn đã được thực hiện từ tháng 10-2015 đến tháng 9-2021 gồm: Cung cấp các giải pháp về phòng, chống thiên tai và trường học an toàn cho 70 cộng đồng dễ bị tổn thương tại 4 tỉnh miền Trung: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Hà Tĩnh với hơn 150.500 người hưởng lợi và tổng kinh phí 6,9 triệu USD.

Những năm gần đây, các hiện tượng cực đoan của thời tiết và các loại hình thiên tai khác nhau đã và đang diễn ra hết sức phức tạp, bất thường, khó lường. Đã có tới 20/22 loại hình thiên tai cơ bản xuất hiện tại nước ta, ngoại trừ sóng thần và cháy rừng do tự nhiên. Nguy hiểm hơn khi có sự gia tăng cả về tần suất xuất hiện và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại. Các cơn bão, đặc biệt có cả siêu bão, kèm theo mưa rất lớn kéo dài gây ra tình trạng ngập lụt hoặc lũ quét, lũ ống, sạt lở đất trên diện rộng ở nhiều địa phương. Các loại hình thiên tai khác như mưa đá, rét đậm rét hại, hạn hán kéo dài, dông, lốc, sét… cũng diễn ra bất ngờ, khó dự báo, cảnh báo gây thiệt hại lớn về tài sản, tình trạng sản xuất, môi trường sinh thái và cả thiệt hại về người.

Theo số liệu thống kê trong 20 năm qua, có hơn 300 người thiệt mạng, mất tích và thiệt hại về kinh tế trên 15.000 tỷ đồng mỗi năm. Theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu khí tượng, thủy văn, những năm tới, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, một phần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phần khác liên quan đến việc các quốc gia chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội mà thiếu tính bền vững. Thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường, trách nhiệm phòng ngừa, giảm nhẹ và thích ứng không phải của riêng ai.

QUANG VĂN

 

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.