(GLO)- Thời điểm cuối năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương lại tiến hành tổng kết công tác để nhìn nhận, đánh giá những công việc đã làm được, chưa làm được của năm qua, triển khai nhiệm vụ năm mới; trong đó, có nhiệm vụ quan trọng là biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc, phê bình, kiểm điểm những cá nhân, tập thể làm chưa tốt nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật. Tuy nhiên, trong thực tế đây đó vẫn còn tình trạng việc tổng kết mang nặng tính hình thức, bình xét danh hiệu thi đua làm theo cảm tính, thân quen, ưu tiên khen thưởng cho lãnh đạo, quản lý.
Nhận diện “bệnh” thành tích
Việc tổng kết, bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật cuối năm là tất yếu, sẽ tạo động lực thúc đẩy mọi cá nhân, tập thể phấn đấu làm việc, cống hiến tốt hơn cho năm tiếp theo. Tuy nhiên, trong bình xét danh hiệu thi đua lâu nay vẫn còn không ít tình trạng làm qua loa cho xong, cào bằng. Thậm chí, việc họp xét thi đua ở một số nơi, thường các chức danh lãnh đạo, quản lý sẽ được “ưu tiên” với hình thức khen cao hơn.
Nếu cứ tiếp diễn như vậy, cái yếu kém, bất cập, khuyết điểm… sẽ tồn tại dai dẳng, bởi nó được khỏa lấp bằng những danh hiệu, bằng khen, giấy khen. Nó cũng làm động cơ phấn đấu bị thui chột, làm cho nhiều người có ý thức phấn đấu cũng dễ buông xuôi, vì những người khác, tuy không phấn đấu gì nhưng cuối cùng cũng được khen thưởng.
Đó là căn nguyên của “bệnh” thành tích, đã nâng đỡ, lót đường cho những kẻ gian dối thăng quan tiến chức. Hiện tượng này là một trong các hình thức biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ, một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là: Mắc “bệnh” thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi, thích được đề cao, ca ngợi, “chạy” thành tích, “chạy” khen thưởng, “chạy” danh hiệu...
Khen thưởng đúng, kịp thời sẽ tạo động lực cho phong trào thi đua tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ảnh: Thanh Nhật |
Mong rằng, Đảng và Nhà nước sớm có những “bài thuốc” để chữa trị dứt điểm căn bệnh nguy hiểm này, góp phần để đất nước tiến nhanh lên văn minh, hiện đại.
Thử tìm “liều thuốc” đặc hiệu
Theo quan điểm của người viết, để chữa trị “bệnh” thành tích, háo danh, trong công tác thi đua, khen thưởng, tập thể, cá nhân cần bám sát mục tiêu, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn trong từng thời gian, nắm chắc các văn bản hướng dẫn để lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua một cách thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương hình thức. Quan tâm khắc phục tình trạng những nơi không đủ điều kiện, khả năng nhưng vẫn cố tham gia phong trào và dẫn tới “chạy” thành tích để nhằm “đánh bóng” tập thể và người đứng đầu. Đặc biệt, trong sơ kết, tổng kết thi đua, bình xét khen thưởng, cần có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, đánh giá khách quan trung thực. Kiên quyết loại bỏ những biểu hiện gian dối “chạy” thành tích, “chạy” khen thưởng, “chạy” danh hiệu...
Để ngăn ngừa, phòng-chống và tiến tới loại bỏ những “bệnh” thành tích, háo danh cần một sự kiên quyết, nghiêm khắc trong việc chỉnh đốn, xây nền đạo đức chính trị, liêm chính, công minh nhưng cũng đòi hỏi sự kiên trì. Theo đó, trước hết, phải tăng cường công tác giáo dục. Vì chỉ có giáo dục mới giúp cho đảng viên và quần chúng có cái nhìn sâu sắc về nguồn gốc, bản chất, sự phát sinh, phát triển, biểu hiện và những biến tướng của “bệnh” háo danh. Giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên luôn nhớ và suy ngẫm nâng cao lòng tự trọng, biết tự thanh lọc tâm hồn và gột rửa tâm lý háo danh, kèn cựa của chính mình; thường xuyên tu dưỡng nâng cao ý thức trách nhiệm, phòng ngừa những biểu hiện “bệnh” thành tích, háo danh; đồng thời, nỗ lực phấn đấu, cống hiến bằng thực lực của mình. Giáo dục tốt sẽ không chỉ giúp cho cán bộ, đảng viên tiến bộ, mà còn góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội.
Chú trọng phát huy quyền làm chủ tập thể của đảng viên và quần chúng trong mỗi tổ chức Đảng. Đây là biện pháp rất quan trọng để chữa trị “bệnh” thành tích, háo danh. Quần chúng có “trăm tay, nghìn mắt”, họ rất tinh tường trong đánh giá đâu là thành tích thật, đâu là “bệnh” thành tích, háo danh.
Việc phát huy quyền làm chủ tập thể của đảng viên, quần chúng phải gắn liền với nâng cao trình độ hiểu biết về phong trào thi đua, nhằm tránh tình trạng bị lôi kéo, lợi dụng phục vụ những mục đích thiếu trung thực, trong sáng và vụ lợi trong thi đua, khen thưởng.
Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu có vai trò quyết định trong chống “bệnh” thành tích, háo danh. Việc chọn người đứng đầu thực sự là “công bộc” của dân, có ý thức tận tụy phục vụ nhân dân, làm việc đúng nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật, có lý, có tình; luôn đặt lợi ích tập thể và lợi ích của Tổ quốc, của Đảng lên trên hết thì sẽ chữa trị “bệnh” thành tích, háo danh có hiệu quả.
Song song với đó, cần hạn chế, tiến tới khắc phục, triệt tiêu một số hạn chế, bất cập trong công tác thi đua, khen thưởng thể hiện trên một số mặt cơ bản như:
Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác thi đua, khen thưởng chưa đầy đủ, sâu sắc.
Chưa khắc phục được bệnh hình thức, chạy theo thành tích. Tình trạng “ưu tiên” khen thưởng cho lãnh đạo, chưa quan tâm khen thưởng, động viên người lao động sản xuất trực tiếp còn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều đơn vị.
Một số nội dung, chỉ tiêu, biện pháp thi đua còn chung chung, chưa tập trung đột phá dứt điểm khâu yếu, mặt yếu, hoặc có lúc chưa tập trung nhiệm vụ quan trọng, đột xuất; việc phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến còn đơn điệu, thiếu linh hoạt, sáng tạo. Một số điển hình được lựa chọn nhưng tính thuyết phục chưa cao; chưa kết hợp giữa lựa chọn, xây dựng, nhân rộng điển hình với duy trì, mở rộng phong trào thi đua.
Công tác khen thưởng còn bộc lộ bất cập cả về nội dung, hình thức, tiêu chuẩn và quy trình, thủ tục. Trong khen thưởng có xu hướng đề cao lợi ích vật chất thuần túy, coi nhẹ giá trị tinh thần.
Công tác thi đua chưa gắn chặt với công tác khen thưởng, chưa có chính sách đãi ngộ thỏa đáng với người có nhiều thành tích trong công tác thi đua.
Việc thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng chưa nghiêm túc...
Bên cạnh những biện pháp trên thì rất cần tới một sự thanh liêm, trong sáng, khách quan của các cơ quan chức năng, quản lý cấp trên trong xem xét, đánh giá để quyết định khen thưởng đúng những thành tích thật của các cơ quan, đơn vị, địa phương cấp dưới, kịp thời phát hiện những “ngụy” thành tích-biểu hiện của “bệnh” thành tích, háo danh. Đồng thời, cũng cần sự nghiêm minh và kiên quyết trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của Đảng, của Nhà nước. Thông qua kiểm tra, thanh tra phát hiện đúng những biểu hiện của “căn bệnh” này để có biện pháp xử lý, kỷ luật nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên vi phạm, góp phần ngăn ngừa và đẩy lùi tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ của Đảng.
Nhận thức đúng “bệnh” thành thích, háo danh để kịp thời ngăn ngừa, chữa trị, không để lây lan và thêm trầm trọng là điều vừa cấp thiết vừa lâu dài hiện nay. Quá trình đó đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những biện pháp đồng bộ và thái độ kiên quyết để đem tới hiệu quả tích cực, góp phần phòng-chống suy thoái về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra.
AMA SAK