Giai đoạn 2020 - 2025 ghi dấu bước chuyển mình của công tác cải cách hành chính tại Bình Ðịnh. Với quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo đồng bộ, tỉnh không chỉ nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp mà còn tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững.
Đột phá từ cải cách thủ tục hành chính
Xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là khâu đột phá, trọng tâm trong xây dựng nền hành chính phục vụ, Bình Định đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đơn giản hóa quy trình, minh bạch hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý và giảm chi phí cho người dân, DN.
Toàn tỉnh đã công bố 4.159 TTHC; trong đó, ban hành mới 758 thủ tục, sửa đổi 2.524, thay thế 185 TTHC và bãi bỏ 692 TTHC. Đồng thời, tỉnh phê duyệt 1.699 quy trình nội bộ và hoàn tất 100% quy trình phối hợp giữa các cơ quan. Đặc biệt, 152 TTHC được đơn giản hóa giúp tiết kiệm hơn 59 tỷ đồng mỗi năm; 13 TTHC được tái cấu trúc, loại bỏ khâu trung gian, tăng hiệu quả giải quyết hồ sơ.
![]() |
Người dân được hỗ trợ nộp hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: N.M |
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An, Phó trưởng ban phụ trách công tác điều phối hoạt động chung của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Ðề án 06 tỉnh cho biết: Cải cách TTHC là quá trình liên tục, đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị phải chủ động rà soát quy trình xử lý nội bộ, cắt giảm những bước không cần thiết. Tinh thần chung là giảm thời gian giải quyết cho người dân, DN nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
Ông Trần Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp - một trong ba tập thể được UBND tỉnh tặng bằng khen về cải cách hành chính - chia sẻ, một trong những dấu ấn mới nhất là Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án triển khai cơ chế giải quyết TTHC lĩnh vực hộ tịch theo hướng chủ động phục vụ. Chuyển từ cơ chế “xin - cho” sang chủ động phục vụ, cán bộ cấp xã sẽ khai thác dữ liệu hộ tịch điện tử để rút gọn hồ sơ, hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục mà không cần xuất trình giấy tờ không cần thiết.
Bình Định cũng nỗ lực đổi mới mô hình cơ chế một cửa. Cụ thể, Đề án “Thực hiện cơ chế giao DN đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC” đã góp phần giảm biên chế (10 người tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và 35 người tại cấp huyện), đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ. Chất lượng giải quyết TTHC được cải thiện rõ rệt: Tỷ lệ hồ sơ đúng hạn cấp tỉnh năm 2024 đạt 99,96% (so với 99,75% năm 2021); cấp huyện 99,76% và cấp xã 99,85%. Việc công khai cán bộ xử lý hồ sơ trễ hạn từ tháng 4.2022 cũng góp phần nâng cao trách nhiệm công vụ, tạo niềm tin trong nhân dân.
Trong 2 năm 2023 và 2024, Bình Định luôn thuộc nhóm “Xuất sắc” và duy trì vị trí dẫn đầu cả nước trong thực hiện “Chỉ số phục vụ người dân, DN”.
Chuyển đổi, hiện đại hóa nền hành chính
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20.9.2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 25.4.2022 cùng 37 văn bản chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, hiện đại hóa hành chính.
Theo đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông được đầu tư mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và kết nối chính quyền số đến tận cấp xã. Hệ thống hội nghị truyền hình đã được phủ khắp đến 100% xã, phường, thị trấn. Tỉnh đầu tư 25 máy chủ vật lý, thiết bị bảo mật và hệ thống phần mềm chống virus, sử dụng chứng thư số chuyên dùng để bảo vệ hệ thống. Mạng truyền số liệu chuyên dùng được kết nối toàn tỉnh; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) hoạt động ổn định; kho dữ liệu số và hệ thống dữ liệu chuyên ngành bước đầu được xây dựng.
100% cơ quan nhà nước sử dụng văn phòng điện tử, kết nối liên thông với trục văn bản quốc gia. Văn bản trao đổi điện tử đạt gần 100%, hệ thống thư điện tử công vụ và phòng họp không giấy cũng được triển khai đồng bộ.
Trung tâm điều hành thông minh IOC Bình Định duy trì 8 dịch vụ lõi; ứng dụng SmartCity có gần 12.000 lượt cài đặt; cổng thông tin du lịch được tích hợp, chia sẻ dữ liệu với DN.
Triển khai Đề án “Phát huy vai trò của ĐVTN trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, các cấp bộ Đoàn ở Bình Định đã tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận nền hành chính số. Toàn tỉnh đã có gần 139.800 tài khoản người dân sử dụng dịch vụ công, trong đó khoảng 95% số tài khoản do ĐVTN trực tiếp hỗ trợ tạo lập. Đồng thời, lực lượng này còn hướng dẫn người dân nộp hơn 162 nghìn hồ sơ trực tuyến, chiếm trên 21% tổng số hồ sơ toàn tỉnh.
Tại xã miền núi Canh Hòa (huyện Vân Canh), mô hình “thanh niên số” được triển khai bài bản. Đoàn Thanh niên xã phối hợp với ban cán sự các khu dân cư “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hỗ trợ người dân tạo tài khoản, hướng dẫn nộp hồ sơ ngay tại nhà. Bí thư Xã đoàn Canh Hòa Đoàn Thị Thanh Trúc chia sẻ: “Chúng tôi coi đây là trách nhiệm với cộng đồng. Với lợi thế tiếp cận công nghệ nhanh, ĐVTN sẽ là cầu nối số giữa chính quyền và người dân”.
Chị Đỗ Thị Tứ Phi (25 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, hiện đang làm công tác tư vấn pháp luật cho khách hàng) cho rằng: Ưu điểm lớn nhất là hệ thống dễ thao tác, có hướng dẫn cụ thể, giao diện thân thiện và dễ nhìn. Việc tra cứu tiến độ xử lý hồ sơ và kết quả cũng rất thuận tiện. “Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số bất cập, tôi rất hy vọng thời gian tới dịch vụ công trực tuyến nói riêng và công tác cải cách hành chính nói chung sẽ tiếp tục được hoàn thiện, thuận lợi hơn nữa cho người dân và DN”, chị Phi kỳ vọng.
N.MUỘI - N.CHƠN - T.KHUY