Kbang: Tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 9-10, UBND huyện Kbang (Gia Lai) tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và hộ kinh doanh năm 2019. Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cùng 112 chủ doanh nghiệp, cán bộ HTX, hộ kinh doanh tiêu biểu trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo của huyện Kbang, trên địa bàn huyện hiện có 89 doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chế biến, sản xuất. Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp đến nay đạt 378,6 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2019, các doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước hơn 12,5 tỷ đồng, chiếm gần 36% tổng thu ngân sách tại địa phương; giải quyết việc làm cho trên 1.440 lao động với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có 823 hộ kinh doanh. Các hộ này đã nộp ngân sách nhà nước hơn 23,1 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động. Huyện còn có 13 HTX. Trong 9 tháng qua, các HTX đã nộp ngân sách nhà nước hơn 41 triệu đồng.
 Lãnh đạo huyện Kbang tặng giấy khen cho các doanh nghiệp. Ảnh: N.M
Lãnh đạo huyện Kbang tặng giấy khen cho các doanh nghiệp. Ảnh: N.M

Dịp này, Chủ tịch UBND huyện Kbang đã tặng giấy khen cho 13 tập thể và 3 cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện trong năm 2019.

Tại buổi gặp mặt, đại diện các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đã nêu nhiều ý kiến về việc đầu tư và liên kết đầu tư trên địa bàn huyện; tạo môi trường thông thoáng, lành mạnh giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Ông Võ Tấn Hưng-Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nga Gia Lai-cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Công ty đã đạt nhiều kết quả trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, phát triển cây dược liệu và cây ăn quả. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thiếu nguồn vốn, công tác xúc tiến thương mại còn chậm; việc thực hiện các thủ tục, hồ sơ công nhận thương hiệu, nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ còn lúng túng; việc ứng dụng khoa học công nghệ còn nhiều vướng mắc…
Theo ông Hưng, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, Nhà nước cần đơn giản thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng để doanh nghiệp khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh dễ tiếp cận, đỡ rườm rà. Việc thuê đất Nhà nước, tập thể hay cá nhân nên có những chính sách ân hạn, miễn giảm phù hợp với tình hình sản xuất của doanh nghiệp. Về cơ chế kiểm tra, hướng dẫn cần hạn chế sự chồng chéo giữa cơ quan này với cơ quan khác làm cho doanh nghiệp khó hoạt động. “Đề nghị các cơ quan nhà nước quan tâm hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc xây dựng nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ để các sản phẩm của địa phương vươn ra thị trường ngoài tỉnh, đặc biệt có thể xuất khẩu. Các ngành cũng cần phối hợp đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương, phát huy tiềm năng lợi thế đất đai, lao động sẵn có, tạo việc làm để giữ gìn ổn định an ninh nông thôn”-ông Hưng kiến nghị. 
Còn bà Trần Thị Cảm-Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Công Kông Lơng Khơng thì cho hay: Hiện HTX có 35 thành viên với tổng vốn điều lệ 500 triệu đồng. Hợp tác xã dùng số tiền này để kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp… Từ khi đi vào hoạt động, HTX đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm cho mượn văn phòng làm việc, tiếp cận các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trì dự án. Tuy nhiên, một số tiêu chí đưa ra cho HTX còn cao, nguồn vốn còn thiếu, công tác quản lý của Ban quản trị hạn chế... gây khó khăn cho hoạt động của HTX. Bà Cảm mong muốn chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cho đi học tập kinh nghiệm và hỗ trợ HTX xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu; hỗ trợ kinh phí để HTX xây dựng cơ sở hạ tầng kho bãi chứa vật tư… 
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kbang Trương Văn Đạt đã ghi nhận và biểu dương những đóng góp hiệu quả, tích cực của các doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh đối với sự phát triển của địa phương trong thời gian qua. Đồng thời mong muốn, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh nên bám vào định hướng của huyện trong thời gian đến như: tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, phát triển các loại cây dược liệu và liên kết thực hiện các dịch vụ phục vụ du lịch. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nếu có vướng mắc, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cũng nên kịp thời trao đổi để huyện có giải pháp tháo gỡ. Huyện sẽ tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh phát triển ngày càng lớn mạnh. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư vào địa bàn, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tiêu thụ sản phẩm, trồng dược liệu, đặc biệt là phát triển du lịch, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp thành lập và phát triển.
 Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.