Ia Pa: Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu năm đến nay, huyện Ia Pa, Gia Lai ghi nhận 249 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 108 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện SXH đã bùng phát thành dịch và đang diễn biến rất phức tạp.
Tại khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Ia Pa), các phòng đều chật kín bệnh nhân mắc SXH. Anh Siu Khen (làng Marin 2, xã Ia Ma Rơn) cho hay: “Tôi bị sốt cao, đau đầu, khi nhập viện bác sĩ chẩn đoán bị SXH. Tôi nằm điều trị ở bệnh viện 5 ngày rồi, giờ cả vợ tôi cũng bị. Con nhỏ phải mang lên bệnh viện chứ ở nhà không có ai trông”.
Hiện trung bình mỗi ngày, Khoa Nội-Nhi-Nhiễm tiếp nhận 15-20 bệnh nhân mắc SXH, cao điểm có ngày gần 30 ca, trong đó có những ca nhập viện trong tình trạng cảnh báo, sốc, huyết áp giảm. Bác sĩ Ksor Nhớt cho biết: “Trong tháng 7 và tuần đầu của tháng 8, lượng bệnh nhân nhập viện ồ ạt khiến các y-bác sĩ rất vất vả. Có những lúc quá tải chúng tôi phải huy động các khoa khác hỗ trợ để thăm khám và điều trị kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong do SXH”.
 Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm y tế huyện Ia Pa. Ảnh: N.L
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm y tế huyện Ia Pa. Ảnh: N.L
Theo báo báo của Trung tâm Y tế huyện Ia Pa, tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã ghi nhận 249 ca SXH tại 27 ổ dịch, tăng 70% số ca mắc bệnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các xã có số lượng bệnh nhân mắc nhiều nhất là: Ia Ma Rơn (151 ca), Ia Trok (40 ca), Kim Tân (21 ca)… Nguyên nhân dẫn đến bệnh lây lan nhanh là do điều kiện thời tiết thời điểm này thuận lợi cho các loại muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển. Bên cạnh đó, ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người dân sống trong vùng SXH lưu hành còn hạn chế, hầu như người dân không quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy để phòng bệnh.
Nói về biện pháp phòng-chống SXH, ông Huỳnh Ngọc Thiên-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Pa-chia sẻ: “Trước mắt, ngành Y tế huyện sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền các xã tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, tích cực tuyên truyền, vận động người dân dọn vệ sinh môi trường. Đồng thời tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch nóng, xử lý dứt điểm ổ dịch cũ để tránh lây lan trên diện rộng”.
Trước tình hình dịch bệnh SXH bùng phát và diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo phòng-chống SXH của huyện đã khẩn trương triển khai các phương án phòng-chống. Đồng hành cùng với huyện, trong 5 ngày (từ ngày 5 đến 9-8), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã trực tiếp xuống hướng dẫn địa phương công tác dập dịch. Ông Rmah Huân-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-nhận định: “Hiện tại, huyện Ia Pa có số lượng bệnh nhân mắc SXH cao, đứng thứ 6 toàn tỉnh và đang ở mức báo động. Nếu không thực hiện tốt công tác phòng dịch thì bệnh sẽ diễn biến rất phức tạp trong những tháng tới. Chính vì vậy, chúng tôi đã thành lập đoàn công tác phối hợp cùng với chính quyền địa phương trực tiếp xuống từng hộ hướng dẫn bà con diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy, vệ sinh môi trường. Đồng thời tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, tuyên truyền bà con cùng vào cuộc để phòng-chống SXH hiệu quả”.
 NHƯ LOAN

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.