Ia Pa: Người uy tín tích cực tham gia xây dựng quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã phát huy tốt vai trò là nhân tố tích cực trong tuyên truyền, vận động Nhân dân chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương.

Ở tuổi 74 nhưng ông Ksor Sứt (buôn Ama H'Lăk, xã Chư Mố) vẫn giữ được phong thái nhanh nhẹn, minh mẫn. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân làm ăn, đóng góp xây dựng quê hương. Đặc biệt, nhờ có uy tín trong cộng đồng, ông vận động người dân từ bỏ các hủ tục, tham gia hòa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn trong buôn. Ông Rah Lan Liu-Trưởng thôn Ama H'Lăk-cho biết: Mỗi năm, trong buôn xảy ra khoảng 3-5 vụ việc mâu thuẫn. Nhờ có uy tín, lại am hiểu pháp luật, ông Sứt cùng với cán bộ thôn hòa giải thành công nhiều vụ việc. Đặc biệt, thông qua hòa giải, ông Sứt còn phân tích giúp người dân hiểu biết về pháp luật, từng bước xóa bỏ các hủ tục là nguyên nhân gây mâu thuẫn, xích mích. Nhờ đó, giúp bà con xây dựng nếp sống mới văn minh, chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

 Ông Rmah Joan (bìa phải; buôn Hlin 1, xã Ia Ma Rơn) phối hợp với hệ thống chính trị thôn vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Ảnh: Nhật Hào
Ông Rmah Joan (bìa phải; buôn Hlin 1, xã Ia Ma Rơn) phối hợp với hệ thống chính trị thôn vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Ảnh: Nhật Hào


Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với vai trò là đảng viên, ông Sứt đã gương mẫu vận động người thân, cộng đồng thực hiện tu sửa khuôn viên sân nhà, xử lý rác thải để đảm bảo vệ sinh, tham gia hiến đất và ngày công làm đường giao thông nông thôn. Ông Phạm Quốc Quyền-Chủ tịch UBND xã Chư Mố-cho hay: Nhờ có ông Sứt phối hợp tuyên truyền, vận động nên đã tạo được sự đồng thuận của bà con trong buôn. Tới nay, hầu hết các tuyến đường trong buôn Ama H'Lăk nói riêng, trên địa bàn xã nói chung đã được mở rộng và bê tông hóa sạch sẽ. “Ông Sứt từng có nhiều năm làm Chủ tịch UBND xã và Bí thư Đảng ủy xã Chư Mố nên có kinh nghiệm, uy tín trong cộng đồng. Dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ trẻ của xã, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, ông nhiều lần được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh, huyện, xã khen thưởng”-Chủ tịch UBND xã thông tin.

Vừa là người uy tín tiêu biểu, vừa là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân buôn Hlin 1 (xã Ia Ma Rơn), hơn 10 năm qua, ông Rmah Joan đã có nhiều đóng góp trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Năm 2014, ông tiên phong vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện mua 3 con bò lai thay thế đàn bò cỏ của gia đình. Khi xã triển khai mô hình cánh đồng lúa một giống, ông đăng ký tham gia đầu tiên. Ông Joan phấn khởi cho hay: “Hiện tại, với 4 ha mì, 1 ha lúa, 3 sào bắp lai và đàn bò 12 con, mỗi năm tôi thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ nguồn lợi thu được, tôi đầu tư mua móc để phục vụ sản xuất. Nhận thấy hiệu quả thực tế của nguồn vốn vay, tôi đứng ra làm Tổ trưởng Tổ vay vốn và tiết kiệm của thôn gồm 60 thành viên với tổng dư nợ trên 2,7 tỷ đồng, giúp bà con đầu tư sản xuất”.

Xác định trồng trọt, chăn nuôi là thế mạnh của xã, ông Joan tích cực vận động bà con thay đổi tư duy, đưa cây, con giống năng suất cao vào sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng. Ông cùng cán bộ trong buôn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi lúa 1 vụ, mì nhiễm bệnh khảm lá sang trồng mía với diện tích 30 ha; vận động bà con thay thế đàn dê địa phương bằng dê lai. Đến nay, tổng đàn dê của buôn có trên 100 con, trong đó, dê lai chiếm hơn 70%. Đời sống của bà con nhờ đó từng bước được cải thiện, hộ nghèo giảm còn 5%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 45 triệu đồng/người/năm.

Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới”, ông Joan đã vận động 60 hộ dân di dời chuồng nuôi nhốt gia súc ra xa nơi ở, hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Hiện 100% hộ gia đình trong buôn sử dụng nước hợp vệ sinh, 90% đường nội buôn được bê tông hóa tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp. Hàng năm, buôn Hlin 1 đều đạt danh hiệu văn hóa, số gia đình văn hóa đạt trên 90%. Chị Ksor H'Hier bộc bạch: “Chồng mình hay rượu chè, khi say rượu lại mắng vợ con vô cớ nên chỉ muốn ly hôn. Khi ông Joan đến nhà phân tích, động viên, vợ chồng mình hiểu được cái sai của mỗi người nên hàn gắn lại. Chồng mình giờ chăm chỉ làm ăn, ít uống rượu hẳn. Mình thì biết kiềm chế cảm xúc hơn. Cả gia đình mình mang ơn ông Joan nhiều lắm”.

Theo ông Lê Văn Tám-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Pa: Toàn huyện có 40 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những người được thôn, làng bình chọn, là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Với tinh thần gương mẫu, người có uy tín luôn chủ động trong công tác tuyên truyền, giáo dục con cháu, dòng họ, cộng đồng dân cư về xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, không tin, không nghe những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương, người có uy tín ở các xã đã vận động người dân chỉnh trang nhà ở, tham gia đóng góp tiền, ngày công, vật chất xây dựng các công trình giao thông tại khu dân cư. Tích cực phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp hộ nghèo nâng cao nhận thức, vươn lên thoát nghèo bền vững. “Những đóng góp của người có uy tín được cộng đồng đánh giá cao và trân trọng ghi nhận; trong đó, các ông Rmah Joan, Ksor Sứt đã trở thành tấm gương sáng về mọi mặt, xứng đáng với niềm tin của người dân”-ông Tám nhấn mạnh.

 

 NHẬT HÀO

 

Có thể bạn quan tâm

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

(GLO)- Sáng 29-10, Cục Quản lý thị trường Gia Lai phối hợp với Cơ sở sản xuất nước chấm Tương Việt Hoa Sen Tây Nguyên tổ chức trao mô hình sinh kế và khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-10, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Gia Lai, Hội CTĐ huyện Chư Sê phối hợp với Hội CTĐ cụm thi đua số 1 (trực thuộc Hội CTĐ TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình công tác xã hội nhân đạo, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng và tặng quà cho học sinh khó khăn trên địa bàn huyện Chư Sê.

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

(GLO)- Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng vợ chồng anh Rơ Lan Ky (SN 1991), chị Kpuih Krak (SN 1994, ở làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn mở rộng vòng tay cưu mang bé gái bị bỏ rơi. Đã hơn 3 năm trôi qua, họ vẫn chăm bẵm nuôi nấng cháu bé như con mình.

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.