Ia O nay thay đổi nhiều. Ngay mặt tiền dọc hai bên đường lộ đi qua xã, nhiều ngôi nhà mới khang trang, có tường rào bao quanh của người Jrai nối tiếp nhau từ đầu xã đến làng Dăng-khu vực trung tâm xã Ia O.
Đường vào làng Dăng, làng Lân, làng Bi, làng Mít Jep, làng O, làng Cúc... đều được trải nhựa, rất thuận tiện cho người dân trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa bằng các phương tiện cơ giới. Không còn hình ảnh người dân gùi, cõng, mang vác như trước đây.
Không thấy chợ, nhưng có rất nhiều cửa hàng, cửa hiệu buôn bán đủ các loại vật dụng và đồ dùng của người Kinh từ nơi khác đến định cư lập nghiệp, trong đó phần lớn là công nhân thủy điện Sông Đà chuyển vào, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn cây đào cho ngày Tết.
Hệ thống đường giao thông ở làng Dăng (xã Ia O) được bê tông hóa và nhựa hóa giúp người dân đi lại dễ dàng. Ảnh: Lê Nam |
Làng Dăng gần trụ sở UBND xã. Ngôi làng này có trên 200 hộ dân với hơn 1.200 khẩu, hầu hết là người Jrai. Hạ tầng giao thông, hệ thống đèn chiếu sáng của làng được đầu tư bài bản. Làng có nhiều ngôi nhà mới xây trên nền đất nhà cũ, trong nhà có đầy đủ xe máy, ti vi và các phương tiện nghe nhìn khác.
Đi vào làng, mới 9 giờ sáng mà không gian tĩnh lặng, thưa vắng người, không có dấu hiệu nào cho thấy có sự chuẩn bị cho ngày Tết đã đến gần. Hỏi một bé trai đứng trước nhà mới biết, thời điểm này là cao điểm của mùa thu hoạch mủ cao su. Già trẻ, trai gái đều ra vườn cạo mủ. Hộ có vườn thì tự cạo, hộ không có thì đi cạo thuê hoặc đi mót ở các đội sản xuất.
Theo lời chị Rơ Mah HLiên, gia đình chị mưu sinh chủ yếu bằng nghề này, bình quân mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng nhưng phải đi rất sớm, từ lúc còn tinh mơ. Hết mùa mót mủ cao su thì đến mùa điều rồi cà phê. Thu nhập chừng đó cùng với nửa héc ta điều trong vườn đủ nuôi sống cho cả gia đình có 4 miệng ăn.
Đến trụ sở UBND xã Ia O, tôi thấy không khí làm việc nghiêm túc, rất đông người dân đến liên hệ giải quyết công việc, nhất là tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Các ban ngành, đoàn thể ở xã đều có người làm việc.
Anh Puih Dep (làng Mít Jep) cho biết: “Mình đi làm giấy khai sinh cho con đầu lòng, bé sinh được 7 ngày rồi. Gần đến Tết nhưng cán bộ làm việc rất nhiệt tình. Mình không phải chờ lâu như hồi đi làm giấy tờ đất”.
Trò chuyện với tôi, ông Ksor Tuy-Bí thư Đảng ủy xã Ia O-cho hay: Thu nhập của người dân trong xã năm nay sụt hẳn, sức mua cũng không bằng mấy năm trước. Nhiều gia đình làm công nhân cao su hoặc thủy điện ở lại đây ăn Tết, không về quê miền Bắc, miền Trung như mọi năm. Huyện hỗ trợ cho mỗi làng một ít kinh phí để tổ chức đón Tết Giáp Thìn, xã đã họp bàn và lên kế hoạch triển khai trong vài ngày tới.
Năm nay, xã nhận được nhiều quà của các cấp và doanh nghiệp tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo từ rất sớm, tất cả đều được chuyển đến tay người nhận nhanh chóng, kịp thời.
Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã, người Jrai không ăn Tết như người Kinh. Thay vào đó là mùa lễ hội từ khoảng tháng 11 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Chỉ những gia đình có người đi làm nhà nước, doanh nghiệp hay những hộ giàu mới tổ chức ăn Tết Nguyên đán.
Còn ông Nguyễn Văn Dương-Cán bộ Đồn Biên phòng Ia O được tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã thì cho biết: Năm nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chọn Đồn Biên phòng Ia O tổ chức chương trình “Xuân biên phòng-Ấm lòng dân bản”, sau đó nhân rộng ra các làng. Nhờ vậy, Đồn Biên phòng Ia O đã nhận được nhiều gạo nếp, thịt để gói bánh chưng tặng các hộ nghèo trong xã.
Từ rất sớm, Đảng ủy, Chỉ huy Đồn đã có chủ trương, giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ đón Tết Giáp Thìn cho bà con trong xã, đặc biệt là những gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đón Tết Giáp Thìn, bà con trong xã nhận được nhiều quà hơn hẳn mọi năm trước nên dù kinh tế tuy có sa sút nhưng người dân vẫn rất vui.
Tôi trở lại xã biên giới Ia O lần này đúng mùa hoa điều nở. Theo người dân, hoa điều năm nay nở rộ nên sẽ được mùa hơn mọi năm. Hy vọng được mùa điều trong thời gian tới cùng những phần quà ý nghĩa của đồn Biên phòng, các ban ngành, đoàn thể đã mang đến một mùa xuân ấm áp cho người dân miền biên ải này.