Ia Grai: Nông dân vững tin vào cây điều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vụ điều vừa qua, nông dân huyện Ia Grai thu lợi khoảng 40 triệu đồng/ha nhờ năng suất đạt khá (bình quân 9,5 tạ/ha), giá bán cao (40-50 ngàn đồng/kg). Với hiệu quả kinh tế như vậy, người dân không chỉ yên tâm tập trung đầu tư cho cây điều mà còn mở rộng diện tích thêm hàng trăm ha.

Ông Ksor Hoan (làng Mít Jep, xã Ia O, huyện Ia Grai) cho biết: “Gia đình tôi có 1 ha cao su do thủy điện đền bù. Những năm gần đây, do giá mủ cao su xuống thấp, gia đình lại không có kỹ thuật khai thác, chăm sóc nên không có lãi. Vậy nên, năm ngoái, khi có người hỏi mua cây cao su cao với giá 500 ngàn đồng/cây, tôi đã cắt bán rồi đầu tư trồng điều vì loại cây này dễ chăm sóc và thu hoạch, lại đang có giá”. Tương tự, hộ anh Rơ Châm Sơn (làng Mít Jep) cũng đã chuyển khoảng 1 ha cao su sang trồng điều. Anh Sơn cho biết: “Mình cũng đã cắt bán cây cao su để chuyển sang trồng điều. Trước mắt, khi cây điều còn nhỏ, mình trồng xen vào đó lúa rẫy, mì và nghệ để có thêm thu nhập”.

 

Người dân xã Ia O (huyện Ia Grai) chặt cao su để trồng điều. Ảnh: L.N
Người dân xã Ia O (huyện Ia Grai) chặt cao su để trồng điều. Ảnh: L.N

Từ đầu năm đến nay, Ia O là xã có diện tích điều trồng mới nhiều nhất huyện Ia Grai với hơn 214 ha. Hầu hết diện tích điều trồng mới được người dân chuyển đổi từ diện tích cao su canh tác không hiệu quả. Ông Rơ Mah Jem-Phó Chủ tịch UBND xã Ia O, cho biết: Những năm trước, giá mủ cao su xuống thấp, cộng với người dân không có kỹ thuật khai thác mủ nên không mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều diện tích người dân đã cho người Kinh thuê lại khai thác và bị họ khai thác ép nên cây xuống sức và không còn cho nhiều mủ. Do đó, người dân đã cắt bán cây lấy tiền đầu tư trồng điều bởi đây là loại cây dễ trồng, cần ít công chăm sóc và nếu giá ổn định như hiện nay thì cũng cho thu nhập ổn định.

Hiện nay, tổng diện tích điều trên địa bàn huyện Ia Grai là hơn 5.539 ha (diện tích kinh doanh 5.149 ha, kiến thiết cơ bản 134 ha và trồng mới năm 2017 là 256 ha). Cây điều được trồng chủ yếu ở các xã phía Tây của huyện như: Ia Tô 1.323 ha, Ia Chía 796 ha, Ia O 1.211, Ia Krai 524 ha, Ia Khai 702 ha và Ia Pếch 289 ha. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, cây điều rất phù hợp với khu vực nắng nóng, thiếu nước tưới và phương thức canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, cho biết: “Cây điều được xem là một trong những cây trồng dài ngày chủ lực ở khu vực phía Tây của huyện. Năng suất điều vụ vừa qua đạt bình quân 9,5 tạ/ha. Hiện phần lớn diện tích điều trên địa bàn là giống cây thực sinh, dễ trồng, thích hợp với điều kiện tự nhiên của huyện, không yêu cầu kỹ thuật chăm sóc cao. Trên địa bàn huyện hiện có 1 nhà máy chế biến điều, 1 hợp tác xã đã liên kết với doanh nghiệp trong việc thu mua hạt điều nên đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định. Cây điều được giá sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, bởi nó cho thu nhập cao hơn so với cây bắp, mì. Việc người dân mở rộng diện tích điều không ảnh hưởng đến các cây trồng dài ngày khác, nhất là không cạnh tranh với cây cà phê. Kế hoạch của huyện là nâng diện tích điều lên khoảng 6.000 ha và nâng cao năng suất lên 1,5 tấn/ha.

Cùng với đó, huyện sẽ triển khai một số mô hình nhằm cải tạo giống và tập huấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc cho người dân, giúp họ nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.