I. Lênh đênh những cuộc hành trình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tai nạn thương tâm bất ngờ giáng xuống, đảo lộn cuộc sống yên bình của cô nữ sinh vượt khó học giỏi. Sau gần hai năm học, cả trường THPT Buôn Ma Thuột vẫn chưa ai biết chân dung Hồng Hạnh thế nào, bởi thiếu nữ có đôi mắt buồn rười rượi này luôn bịt kín mặt bằng chiếc khẩu trang…
Tai họa bất ngờ
Giờ giải lao, Hạnh không bao giờ ra sân vui chơi cùng các bạn mà chỉ ngồi  lặng lẽ ôn bài trong lớp. Ai hỏi, Hạnh nói em không thể mở khẩu trang do viêm xoang nặng.
Linh cảm có uẩn khúc gì đó trong đôi mắt buồn rười rượi của người bạn ngoan hiền, lớp phó học tập Lê Ngọc Anh Phương quyết tâm tìm kiếm sự thật, rốt cục em đã lần ra manh mối từ những bài báo mạng đăng cách đây 3 năm. Đọc báo, Phương xót xa không biết làm cách nào để san sẻ bớt nỗi khổ cho Hạnh, bèn xin mẹ góp ý.
Tối nọ, điện thoại bàn hiện lên số lạ. Tôi nhấc máy. Đầu dây bên kia giọng thiếu nữ dè dặt : Cô ơi, cô có phải là… Cô có thể giúp bạn cháu được không?
Đeo khẩu trang cả khi ngồi 1 mình học bài. Ảnh: H.T.N
Đeo khẩu trang cả khi ngồi 1 mình học bài. Ảnh: H.T.N
Vài hôm sau, tôi chở Phương đi tìm Hạnh. Qua gần hết con hẻm bụi mù không tên không số, tới cuối liên gia 12 xã Ea Tu ngoại thành Buôn Ma Thuột mới đến nhà Hạnh bé xíu cũ kỹ nằm giữa một vùng nương rẫy xác xơ. Bố mẹ Hạnh rời Hà Nam, di cư tự do vào đây từ năm 1992, toàn bộ tiền nong giành dụm từ quê nghèo chỉ đủ mua mảnh vườn hẹp, quanh năm phải quần quật làm thuê mới đủ nuôi mẹ già và hai con nhỏ. Thương bố mẹ cực nhọc lam lũ, chị em Hạnh học tự giác chuyên cần, luôn đạt khá, giỏi và nhiều lần được trao học bổng giành cho học sinh nghèo vượt khó.

Hạnh lên lớp 9. Trưa ngày 2-10-2008, tan trường Hạnh đạp xe về chỉ còn cách nhà khoảng năm trăm mét bỗng bị một gã trai lạ lao tới vung dao chém sả vào mặt. Hạnh ngã xuống, gượng dậy, ôm mặt tuôn máu đầm đìa chạy vào sạp hàng nhỏ bên đường ú ớ kêu cứu. Vừa lúc, Trần Quỳnh Trâm nữ sinh lớp 11 ở gần nhà Hạnh cũng ôm cánh tay đẫm máu do bị tên này chém 3 nhát trước đó chạy tới. Dân trong xóm đổ ra, nhóm vây bắt kẻ thủ ác và báo công an, nhóm hối hả lấy xe máy chở hai nữ sinh vượt 4 cây số ra bệnh viện tư nhân gần nhất cấp cứu. Bác sĩ đón bệnh nhân kinh hoàng thấy nhát dao cực bén vạt đứt lìa cả mảng mặt của Hạnh, mất trọn sống mũi và cánh mũi, má phải, toàn bộ môi trên, gãy xương ổ răng và một phần môi dưới, vội hướng dẫn người chở nạn nhân quay về chỗ xảy ra tai nạn, tìm nhặt phần mặt bị chém đứt để đưa Hạnh chuyển lên bệnh viện tỉnh.
Những cuộc hành trình lênh đênh, khốn khổ
Tại Bệnh viện Đa khoa Đak Lak, các bác sĩ đã hội chẩn, cầm máu, vá nối mảng đứt theo kiểu may áp sát với hy vọng mong manh phần ráp nối có thể sống bằng thẩm thấu. Theo dõi mảnh ghép tới ngày thứ mười tám thấy có biểu hiện hoại tử, bác sĩ Lộc đứng mổ đành cắt lọc, chuyển gấp Hạnh ra bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ở bệnh viện 108, Hạnh đã được một ê kíp chuyên gia do tiến sĩ Nguyễn Tài Sơn phụ trách trực tiếp phẫu thuật, lóc thịt cánh tay tạo hình môi, má. Được điều trị chăm sóc tốt, với sự dũng cảm chịu đựng đau đớn và ý chí quyết tâm phải mau bình phục để tiếp tục đi học của Hạnh, 3 tuần sau vết thương đã liền miệng. Hạnh được xuất viện, quay về trường cũ với mảnh khẩu trang bịt kín mặt. Nhà trường xét thấy tuy phải nghỉ do tai nạn mất một tháng rưỡi nhưng Hạnh vẫn học tốt, cố gắng đuổi kịp các bạn nên đặc cách cho Hạnh đủ điều kiện thi tốt nghiệp cấp Hai, và Hạnh đã đậu tốt nghiệp loại khá. Từ đó, hè nào mẹ Hạnh cũng phải đưa con ra bệnh viện 108 để thực hiện tiếp các cuộc phẫu thuật tạo hình mặt. Dù được bảo hiểm trả phần lớn viện phí điều trị, nhưng các khoản phải chi  khác trong những cuộc hành trình lênh đênh Nam-Bắc vẫn khiến cha mẹ Hạnh ngày càng khốn khổ dưới gánh nợ chất chồng.
Trở lại chuyện kẻ thủ ác. Ngay sau khi vụ án xảy ra, hung thủ lập tức bị bắt giữ. Theo hồ sơ của cơ quan cảnh sát điều tra, y là Đinh Văn Son sinh năm 1981, dân tộc H’rê ở xã miền núi Sơn Cao- Sơn Hà- Quảng Ngãi, học vấn lớp 3/12, tính khí thất thường, theo người quen lên Đak Lak làm thuê. Trong một cơn loạn thần cấp, Son đã vác dao chạy ròng rã 2 ngày cho tới khi nghe văng vẳng có tiếng xui giục “Chặt đi, chém đi!”, vừa lúc gặp Trâm và Hạnh tan trường đạp xe về, cứ thế y vung dao chém túi bụi. Vào trại tạm giam, Son ngày đêm bó gối ngồi đờ đẫn, đám trai tù gai mắt đấm đá y vẫn chẳng mảy may chống cự. Nhận giấy triệu tập của Cơ quan CSĐT TP Buôn Ma Thuột, bố Son từ quê lên van xin gia đình hai nạn nhân Hạnh, Trâm tha thứ cho thằng con điên dại của mình. Ông hứa về quê sẽ thu xếp gửi lên cho nhà Trâm 2 triệu đồng, nhà Hạnh 10 triệu đồng để trang trải một phần chi phí điều trị. 
Thương người cha nghèo khổ chất phác, cha mẹ Hạnh, Trâm đồng ý bãi nại. Son theo bố về quê. Chờ hơn một năm sau không thấy bố Son gửi tiền lên như đã hứa, gia đình hai nạn nhân nhờ công an Buôn Ma Thuột liên lạc giúp. Người nhấc điện thoại từ công an xã Sơn Cao bảo : Thằng Son về làng lấy vợ, đẻ một đứa con, hết điên rồi! Nhưng nhà nó nghèo lắm, năm nào xã cũng phải cứu đói. Đừng hy vọng lấy được đồng tiền bồi thường nào của nó, nhé!
Ai phục hồi được gương mặt cho em?
Bác sĩ Đặng Đức Lộc phó khoa Răng Hàm Mặt BVĐK Đak Lak lật lại từng trang hồ sơ bệnh án lập từ 3 năm trước cho Hạnh, trầm ngâm:
- Lâu nay thỉnh thoảng mẹ Hạnh đưa cháu lên đây. Tôi thương cháu, vẫn thăm khám miễn phí. Là người từng cố gắng vá lại mảng mặt đứt rời của Hạnh tôi biết rõ Hạnh từng có một gương mặt trái soan rất xinh với sống mũi dọc dừa thanh tú, đôi môi rõ nét đầy đặn. Khi tiếp nhận ca tai nạn nghiêm trọng đó, tôi biết đây là một ca khó vượt quá khả năng điều trị của mình, bệnh viện tỉnh cũng chưa có thiết bị vi phẫu vùng mặt. Rất may các Thầy ở 108 đã thực hiện thành công phần việc khó nhất là tái tạo nền mặt cho Hạnh…Tuy nhiên tới nay cháu vẫn còn thiếu môi trên, sống mũi, chưa gắn được 9 cái răng còn khuyết. 
Vĩ Thanh : Những tấm lòng vàng cho Hồng Hạnh
Sau khi tác giả bài báo liên lạc với các bệnh viện và những tấm lòng từ tâm, nữ sinh Hồng Hạnh đã nhận được nhiều sự giúp đỡ về tài chính và điều kiện điều trị. Trong số những bệnh viện có chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ đề nghị được tài trợ điều trị miễn phí cho Hạnh, bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt là điểm đến thuận lợi, lý tưởng hơn cả. Chờ Hạnh kết thức năm học lớp Mười Một, chúng tôi cùng lên đường sang Hoàn Mỹ.
Tôi hỏi Hạnh: Cháu có sẵn sàng hợp tác, cho cô chụp ảnh tình trạng gương mặt của cháu hiện nay để cô email riêng xin ý kiến tư vấn, giúp đỡ của các chuyên gia thẩm mỹ không?

Hạnh chấp nhận. Em khẳng định sẵn sàng chịu đựng mọi thử thách khắc nghiệt nhất, để được trở lại cuộc sống bình yên như bạn bè trang lứa, với quyết tâm phấn đấu học giỏi để trở thành một dược sĩ. 
Sau khi đọc emai tôi gửi và xem kỹ loạt ảnh, tiến sĩ Y khoa Nguyễn Huy Thọ- Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật chỉnh hình bệnh viện 108 điện thoại lại, ân cần: Theo tôi, cháu Hạnh vẫn cần trải qua nhiều lần điều trị chỉnh sửa nữa mới có được gương mặt tương đối bình thường. Về chuyên môn, tốt nhất là để các bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật tái tạo ở tuyến trên tiếp tục theo dõi. Về tài chính, dù Bảo hiểm y tế đã chi trả phần lớn, cháu vẫn cần nhận được nhiều nguồn giúp đỡ khác may ra mới theo nổi yêu cầu điều trị lâu dài.
Cô Trần Thị Thanh Tâm Chủ nhiệm lớp 11A6 nhận xét: Hạnh là một học sinh chăm ngoan, đầy nghị lực. Sau khi trao đổi với mẹ em, tôi đã đề nghị nhà trường giành thêm cho em một suất học bổng, dù biết rằng sự động viên này vẫn quá nhỏ bé so với nỗi khổ em đang gánh chịu.
Cầm tay tôi, mẹ Hạnh thở dài: Em nó đã đến tuổi làm chứng minh thư rồi. Mà mặt mũi thế này, biết đến khi nào mới chụp ảnh dán thẻ được hả cô?
Nghe mẹ than, đôi mắt thông minh của Hạnh rưng đầy ngấn lệ. Tôi buốt lòng quay đi, tự hỏi: Định mệnh nào gieo vào đời Hạnh và gia đình nghèo khổ này mối tai ương nghiệt ngã đến thế? Liệu tôi có tìm được sự cứu giúp từ tâm, hữu hiệu nào để có thể trả lại cho em gương mặt hiền hòa xinh đẹp như em rất xứng đáng được nhận không? 
Hoàng Thiên Nga

Xin xem tiếp kỳ sau: II.Tiếng chim sau cửa sổ bệnh viện

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.