Kinh tế-xã hội đạt nhiều thành tựu
(GLO)- Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện Mang Yang đã tập trung lãnh đạo có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tiêu biểu là tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 5 năm đạt 18,39%-vượt 3,39% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV. Quy mô nền kinh tế đến nay gấp 2,17 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với điều kiện thực tiễn của huyện. Công nghiệp-xây dựng tăng trưởng khá, tăng bình quân 15,83%/năm, giá trị sản xuất gấp 2,7 lần so với năm 2010.
Trên địa bàn hiện có 1.638 cơ sở kinh doanh, với vốn đăng ký 415 tỷ đồng (tăng gấp 1,9 lần về số lượng và 2,5 lần về vốn so với năm 2010). Công tác quản lý, điều hành ngân sách được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Tổng thu ngân sách hàng năm đều đạt, trong đó thu ngân sách trên địa bàn đạt và vượt dự toán, tăng bình quân 9,4%/năm.
Huyện đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020. Bên cạnh đó, huyện đã quan tâm huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm 5.357 tỷ đồng, gấp 1,07 lần so với năm 2010, tăng bình quân 5,3%/năm. Ưu tiên đầu tư cho các vùng động lực, như thị trấn Kon Dơng và xã Kon Thụp; chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, bộ mặt nông thôn bước đầu khởi sắc.
Cùng với quan tâm thực hiện các chính sách dân tộc, huyện đã thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, đào tạo nghề cho hơn 2.000 lao động nông thôn và hơn 80% hộ được vay vốn sản xuất, tự tạo việc làm. Các chương trình, dự án an sinh xã hội được triển khai có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo và làm thay đổi đáng kể bộ mặt vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 4,2%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 23,51 triệu đồng/năm, gấp 2,8 lần so với năm 2010 và vượt 48,8% so với chỉ tiêu Đại hội XV.
Ảnh: T.N |
Toàn huyện có 42 trường với 624 lớp, 16.920 học sinh-tăng 61 lớp với 1.721 học sinh so với năm 2010. Chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp tăng so với đầu nhiệm kỳ. Mạng lưới cơ sở vật chất y tế được đầu tư, đáp ứng yêu cầu phục vụ khám-chữa bệnh của nhân dân. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 95%, tăng 5% so với năm 2010. 100% thôn, làng có cộng tác viên dân số và nữ hộ sinh, 9/12 trạm y tế xã có bác sĩ, đạt 3,8 bác sĩ/vạn dân-tăng 0,6% so với năm 2010; toàn huyện có trên 76% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Toàn huyện đã công nhận 11.243 hộ gia đình văn hóa (tăng 8,1% so với năm 2010), 79 thôn, làng, tổ dân phố văn hóa (tăng 10,2%) và 58 cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố, tình hình an ninh nông thôn, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng quan tâm đúng mức
Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015), Đảng bộ huyện đã chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, gắn với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Công tác phát triển đảng viên được chú trọng về chất lượng, quan tâm đến lực lượng thanh niên, địa bàn nông thôn, nhất là ở các thôn, làng trắng đảng viên và chưa có tổ chức Đảng. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp 738 đảng viên, đạt tỷ lệ bình quân hàng năm là 8,8%. Đến nay, Đảng bộ huyện có 2.205 đảng viên (trong đó đảng viên người dân tộc thiểu số chiếm hơn 36%), đến nay không còn làng “trắng” đảng viên. 100% thôn, làng, tổ dân phố có chi bộ độc lập (so với đầu nhiệm kỳ tăng 18 chi bộ). Đảng bộ huyện có 41 tổ chức cơ sở Đảng, tăng 2 tổ chức cơ sở Đảng so với đầu nhiệm kỳ.
Một góc thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang. Ảnh: Thanh Nhật |
Hoạt động của hệ thống chính trị ở các xã, thị trấn được nâng lên rõ rệt, chất lượng chính trị và chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại chỗ ngày càng được nâng cao. Đối với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài việc phân công huyện ủy viên phụ trách xã, huyện còn tăng cường cán bộ xuống cơ sở vừa giúp các xã thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt là người địa phương để tạo nguồn bổ sung thay thế. Đối với các thôn, làng trọng điểm thì phân công các ban ngành, Mặt trận, đoàn thể huyện phụ trách, giúp đỡ.
Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ thực hiện nghiêm túc Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội”, nâng cao chất lượng các mặt công tác, hướng mạnh hoạt động về cơ sở, đặc biệt là tại các làng trọng điểm. Các cuộc vận động và phong trào thi đua do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội phát động đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia và đạt hiệu quả. Đến nay, chất lượng hệ thống chính trị ở hầu hết 12 xã, thị trấn đã có nhiều chuyển biến tích cực và toàn diện, hoạt động ngày càng được đổi mới phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Mặt khác, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kịp thời khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện đã chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và cấp ủy các cấp trong việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm, phòng-chống tham nhũng, lãng phí, các lĩnh vực còn yếu kém dễ phát sinh tiêu cực... Qua đó, Đảng bộ tạo được những chuyển biến tích cực về ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, góp phần đổi mới phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ. Năng lực lãnh đạo, điều hành của chính quyền hai cấp được nâng lên, vai trò cá nhân người đứng đầu ngày càng được thể hiện rõ nét, thực hiện cải cách hành chính và giải quyết kịp thời những bức xúc của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh...
Tiếp tục xây dựng huyện nhà phát triển bền vững
Phát huy những thành quả đạt được, giai đoạn 2015-2020, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 14,6% trở lên. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 10%. Cơ cấu giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp là 52,98%, công nghiệp-xây dựng 24,25%, dịch vụ 22,77%. Phát triển ngành nông nghiệp gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, phát triển kinh tế hộ và kinh tế trang trại, nhân rộng các mô hình sản xuất thành công, hỗ trợ hình thành một số vùng sản xuất rau sạch tại thị trấn Kon Dơng và một số xã lân cận.
Tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, khai thác có hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp hiện có. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và xây dựng nhằm tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Ưu tiên phát triển công nghiệp điện, công nghiệp chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu mà địa phương có thế mạnh, phấn đấu lấp đầy 70% cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của huyện. Tiếp tục đầu tư nâng cấp Trung tâm Thương mại thị trấn Kon Dơng trở thành chợ đầu mối của huyện; đầu tư nâng cấp chợ xã Hà Ra, xây mới chợ xã Kon Thụp và Ayun, thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa, mở rộng thị trường đến các xã. Khai thác có hiệu quả tiềm năng về du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, kết hợp các công trình thủy điện và du lịch văn hóa.
Ảnh: T.N |
Song song với đó, Đảng bộ lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng toàn diện, bền vững đối với các tiêu chí đã đạt được; quyết tâm xây dựng 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch gắn với tập trung nguồn lực đầu tư triển khai thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Ưu tiên đầu tư cho các vùng động lực như thị trấn Kon Dơng và các xã Kon Thụp, Đak Djrăng, chuẩn bị các điều kiện cho việc hình thành thị trấn Kon Thụp vào sau năm 2020. Triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động các nguồn lực đầu tư cho các xã, làng đặc biệt khó khăn, phấn đấu mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 39 triệu đồng/năm. Thực hiện tốt công tác dân tộc và các chính sách dân tộc, tôn giáo. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho các trường theo hướng chuẩn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống y tế từ huyện xuống cơ sở, phấn đấu đến năm 2020 có 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ sẽ tập trung củng cố, kiện toàn và đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị. Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị-tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình của mỗi tổ chức Đảng và đảng viên. Phấn đấu số tổ chức cơ sở Đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh trên 50%. Bình quân hàng năm kết nạp mới trên 8% đảng viên so với tổng số đảng viên. Tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố có cấp ủy đạt trên 70%.
Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực hoạt động của HĐND và UBND. Quan tâm tạo nguồn cán bộ từ thực tiễn phong trào, đặc biệt cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, nhằm đảm bảo tính chủ động, sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, gắn với hiện đại hóa công sở và công tác tinh giản biên chế, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng công vụ.
Tiếp tục đổi mới công tác dân vận, chủ động giải quyết có hiệu quả các vấn đề phát sinh ở cơ sở. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác giám sát, phản biện xã hội. Thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc và cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Huỳnh Thế Mạnh-Bí thư Huyện ủy