Hội nghị chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về lĩnh vực văn hóa-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 13-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai đã diễn ra Hội nghị chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lĩnh vực văn hóa-xã hội. 

Hội nghị chuyên đề với nội dung: “Phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục các trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động và các chính sách liên quan cho các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh”.

z6126607573324-41bad57f9a52125874e37a3a6f047127.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.V

Chủ trì hội nghị chuyên đề có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Lương-Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo: Ban Văn hóa-Xã hội, Ban Dân tộc (HĐND tỉnh); giám đốc các sở, ngành: Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ban Dân tộc tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; đại diện lãnh đạo các trường: Cao đẳng Gia Lai, Cao đẳng FPT, Đại học Đông Á, Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh tại Gia Lai và Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch báo cáo tóm tắt về 2 chuyên đề: “Phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục các trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh”; “Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động và các chính sách liên quan cho các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh”.

Về mô hình Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) đã huy động và duy trì sĩ số học sinh, giảm tình trạng học sinh bỏ học; thực hiện được công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, lý tưởng cách mạng; công tác nuôi dưỡng, an sinh xã hội.

Mô hình trường PTDTNT, PTDTBT đã đem lại lợi ích thiết thực, giúp học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) có hoàn cảnh khó khăn, học tập, rèn luyện, tạo điều kiện cho các em sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, đi học THCS, THPT và cao hơn, đóng góp không nhỏ vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và ổn định quốc phòng-an ninh ở địa phương.

z6125971390566-49ec09398fac783dd8e36c2dcc1a1c26.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: P.D

Tỷ lệ học sinh giỏi là người DTTS tăng hàng năm; đặc biệt, 2 trường THPT dân tộc nội trú cấp tỉnh, trong những năm học gần đây tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT đạt 100% và số học sinh trúng tuyển vào đại học, cao đẳng hơn 80%; làm tiền đề, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 49-CTr/TU ngày 19-3-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 29-10-2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Hoạt động đào tạo nghề được triển khai linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, phong tục tập quán và thời gian làm việc của người lao động. Nhờ đó, số lao động được đào tạo nghề tăng qua các năm, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh. Đa số người lao động sau khi học nghề đã biết vận dụng kiến thức, áp dụng các quy trình kỹ thuật mới để phục vụ cho hoạt động trồng trọt, sản xuất, chăn nuôi; từ đó góp phần nâng cao năng suất và thu nhập cho gia đình. Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, nhất là các thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Nhiều trường hợp người lao động là người DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã tích lũy được nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, sửa chữa nhà cửa, mua sắm đồ dùng gia đình.

Cụ thể, từ 2021 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo được 58.233 người (trong đó, DTTS là 28.829 người, chiếm 49,5%); nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 41%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 62,72%. Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 110.556 lao động; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 27.639 lao động (đạt 104,3% so với kế hoạch). Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.358 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không tính thị trường Lào và Campuchia)…

Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS, THPT hiệu quả chưa cao; chất lượng, hiệu quả đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động; hoạt động gắn kết giữa Nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp chưa chặt chẽ; tỷ lệ học sinh DTTS trong trường phổ thông chiếm tỉ lệ cao, quy mô giáo dục các trường PTDTNT, trường PTDTBT chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu học tập của học sinh DTTS…

z6125964106965-b46823005da7eded42d27e6449a5071d.jpg
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: P.D

Các ý kiến tại hội nghị đã tập trung phân tích và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục các trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động và các chính sách liên quan cho các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghiên cứu, điều chỉnh và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến chính thức đối với 2 nội dung nêu trên. Liên quan đến đề xuất nâng quy mô trường lớp, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần phải nghiên cứu, rà soát và tính toán kỹ lưỡng thực trạng cơ sở vật chất cũng như khả năng học sinh vào học THCS, THPT; nghiên cứu có thể mở rộng quy mô loại hình bán trú ở các địa phương và quan tâm đến chế độ, chính sách đối với học sinh, người phục vụ bán trú.

Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chú trọng công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho lao động địa phương. Trong công tác đào tạo nghề phải không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội; chú trọng giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động bằng việc nghiên cứu có thêm khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; đặc biệt là có quan điểm rõ ràng đối với các doanh nghiệp khi đầu tư dự án tại tỉnh, phải cam kết sử dụng lao động tại chỗ.

Về nội dung đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, đây là nhu cầu rất lớn, do đó các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chú trọng công tác tư vấn, định hướng và bảo hộ quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghiên cứu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy về định hướng trong việc giải quyết việc làm cho những người trong độ tuổi lao động; đánh giá đúng thực chất với các xã khó khăn, xã đặc biệt khó khăn theo hướng có lợi cho người dân, không chạy theo thành tích; nghiên cứu đề xuất chính sách đúng thực tế, từ hỗ trợ đào tạo nghề, tín dụng ưu đãi tìm kiếm việc làm, hỗ trợ vay vốn đi nước ngoài… đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Theo phương án đề xuất, Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. Bộ Xây dựng giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng...