Đức Cơ quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Huyện Đức Cơ có 10 xã, thị trấn, với 73 thôn, làng, tổ dân phố. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm gần 45% dân số. Những năm trước đây, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề trong đồng bào DTTS còn thấp.

Trước thực trạng đó, huyện Đức Cơ xác định, để giảm nghèo bền vững, không để tái nghèo thì việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong những khâu then chốt. Chính vì thế, huyện tập trung nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đó tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2024, huyện đã bố trí 1,6 tỷ đồng từ nguồn vốn phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng khó khăn và từ nguồn kinh phí địa phương để đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ nguồn vốn này, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện đã mở 8 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 182 học viên trên địa bàn. Đồng thời, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai mở 10 lớp đào tạo nghề cho 300 học viên.

Bên cạnh đó, huyện chủ động liên hệ với Trường Cao đẳng Gia Lai, Trường Cao đẳng THACO, Công ty cổ phần May Lilama 18 và các doanh nghiệp tổ chức hội nghị đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Ngoài ra, từ năm 2022 đến nay, huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm với hơn 150 doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, thu hút trên 3.000 lao động đến tìm kiếm cơ hội việc làm.

1-8611.jpg
Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề xây dựng tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đức Cơ. Ảnh: V.H

Chị Rơ Mah Thanh (làng Bi, xã Ia Dom) cho biết: “Sau 3 tháng tham gia lớp học nghề may, tôi đã biết may quần áo. Hàng ngày, tôi lo việc nương rẫy. Buổi tối, tôi tranh thủ nhận may quần áo cho bà con để kiếm thêm thu nhập. Trong thời gian tới, tôi dự kiến sẽ cùng một số học viên đã tham gia lớp học mở cơ sở nhận gia công quần áo để tăng thêm thu nhập”.

Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động đạt hiệu quả, huyện phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn để đào tạo và nhận vào làm công nhân.

Thượng tá Đậu Thiện Lương-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) cho biết: “Đơn vị đứng chân trên địa bàn huyện nên thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động người DTTS.

Năm 2024, chúng tôi tiếp nhận gần 200 lao động tại chỗ. Sau khi tiếp nhận, các lao động được Công ty đào tạo, hướng dẫn về kỹ thuật cạo mủ cao su. Nhờ đó, họ nhanh chóng tiếp cận công việc và có thu nhập ổn định”.

cac-doanh-nghiep-tu-van-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-tai-huyen-duc-co-7606.jpg
Các doanh nghiệp tư vấn việc làm cho người lao động tại huyện Đức Cơ. Ảnh: V.H

Đánh giá về công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn, ông Nguyễn Đình Tiến-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Năm 2024, huyện đã giải quyết việc làm cho 920 lao động, đạt 109% kế hoạch. Đặc biệt, toàn huyện có 60 lao động đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng.

Cùng với đó, địa phương phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trên địa bàn thu hút hơn 900 người lao động tham gia tìm hiểu; tổ chức tư vấn việc làm và tổ chức tư vấn tuyển dụng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trực tiếp tại các xã, thị trấn để người lao động có cơ hội được học nghề và tìm kiếm việc làm.

Có thể bạn quan tâm