Hôm nay, ngày 31-12-2010, Việt Nam chính thức kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Chúng ta vui mừng và tự hào vì Việt Nam đã hoàn thành tốt cương vị chủ tịch ASEAN năm 2010, đạt được tối đa những mục tiêu đã đề ra, ghi đậm dấu ấn Việt Nam cả về nội dung cũng như công tác tổ chức và điều hành. Thành công của Năm chủ tịch được thể hiện qua những kết quả quan trọng và có ý nghĩa lâu dài, cả về lợi ích của ASEAN và khu vực cũng như của nước ta.
Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội ngày 30-10-2010 |
Với ASEAN, quyết tâm và nỗ lực chung của các nước thành viên theo chủ đề xuyên suốt “Hướng tới cộng đồng ASEAN: từ tầm nhìn đến hành động” đã tạo ra sự chuyển biến thực chất và cụ thể hóa một bước quan trọng mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Liên kết ASEAN đã chuyển theo hướng hành động và thiết thực; đạt nhiều tiến triển cụ thể trong việc triển khai Hiến chương ASEAN và lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa- xã hội cũng như các kế hoạch quan trọng khác, nhất là về kết nối ASEAN.
Quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực được tăng cường và nâng cao, thể hiện rõ qua những tiến triển mới và có ý nghĩa của các khuôn khổ hợp tác khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo như ASEAN+1, ASEAN+3, cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng với các đối tác (ADMM+). ASEAN cũng đã có những đóng góp quan trọng tại các diễn đàn quốc tế như APEC, ASEM, G-20 và Liên Hiệp Quốc.
Các đối tác ngày càng coi trọng quan hệ với ASEAN; ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt và gia tăng cam kết hỗ trợ ASEAN với nhiều hình thức, kể cả hỗ trợ về tài chính.
Với khu vực Đông Á, môi trường hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển được củng cố và tăng cường. Thông qua việc phát huy tác dụng của các cơ chế và công cụ bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực, ASEAN đã thúc đẩy đạt được những chuyển biến tích cực trong nỗ lực tăng cường đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin và chia sẻ chuẩn mực ứng xử về các vấn đề chính trị- an ninh, kể cả các vấn đề phức tạp như biển Đông và bán đảo Triều Tiên...
Hợp tác nhằm phát triển bền vững và ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là về biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, hợp tác tiểu vùng Mekong cũng có những tiến triển đáng kể, cả trong nội bộ ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác thông qua các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3 và cấp cao Đông Á (EAS).
Chủ động, tích cực và có trách nhiệm
Với Việt Nam, chúng ta đã đạt được ở mức cao nhất các mục tiêu đề ra, cả trong việc tăng cường đoàn kết và hợp tác ASEAN, thúc đẩy môi trường khu vực thuận lợi hơn cho an ninh và phát triển của đất nước cũng như nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam.
Chúng ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ của chủ tịch ASEAN với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, đã đề xuất đúng chủ đề và trọng tâm hợp tác; đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị và biện pháp phù hợp; hoàn tất soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng; chủ trì tổ chức và điều hành tốt nhiều hội nghị liên tục; điều phối và xử lý phù hợp để đạt sự đồng thuận về nhiều quyết sách lớn của ASEAN, cũng như trên một số vấn đề phức tạp.
Lãnh đạo và đại biểu các nước cùng dư luận quốc tế và trong nước đều đánh giá cao công tác tổ chức, điều hành hội nghị và vai trò dẫn dắt năng động, khéo léo của Việt Nam. Chúng ta đã chủ động tranh thủ sự có mặt của lãnh đạo các nước đến Việt Nam tham dự các hội nghị để hội đàm và tiếp xúc song phương, đạt nhiều thỏa thuận quan trọng, góp phần đưa quan hệ song phương giữa Việt Nam với nhiều nước phát triển toàn diện và thực chất hơn.
Chúng ta cũng tranh thủ được cơ hội để quảng bá với lãnh đạo và đại biểu các nước cũng như với giới báo chí quốc tế về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa và tiềm năng phát triển của Việt Nam.
Kết quả Năm chủ tịch ASEAN 2010 nói riêng và quá trình 15 năm tham gia ASEAN nói chung một lần nữa khẳng định tầm quan trọng chiến lược và lợi ích lâu dài của Việt Nam khi tham gia ASEAN, một bộ phận quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế của chúng ta.
Những nỗ lực to lớn và đóng góp quan trọng của Việt Nam cho ASEAN thêm một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của chúng ta coi trọng ASEAN cả về hợp tác đa phương và quan hệ song phương, luôn nỗ lực hết mình vì một ASEAN vững mạnh, đoàn kết và liên kết ngày càng chặt chẽ hơn.
Thành công Năm chủ tịch ASEAN 2010 là bước trưởng thành vượt bậc của Việt Nam trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế. Chúng ta có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, nhất là về sự chỉ đạo sáng suốt và kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương; sự tận tụy, tích cực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia; việc quán triệt và vận dụng nhuần nhuyễn các nguyên tắc và phương châm đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhất là trong ngoại giao đa phương.
Nhân đây, tôi hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực to lớn của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan trong Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010, những cán bộ trực tiếp tham gia và phục vụ các hoạt động của Năm chủ tịch ASEAN 2010.
Nhân dịp kết thúc Năm chủ tịch ASEAN 2010 và bước sang năm mới 2011, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến chính phủ và nhân dân các nước thành viên ASEAN cũng như các nước đối tác của ASEAN đã dành sự ủng hộ và hỗ trợ quý báu cho Việt Nam trên cương vị chủ tịch ASEAN. Chúc Indonesia, nước chủ tịch ASEAN năm 2011, sẽ tiếp tục đưa hiệp hội đến những thành công mới trong nỗ lực chung hướng tới mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015.