Toàn tỉnh hiện có 115 mã số vùng trồng, 28 mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu; khoảng 233.523 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C, GlobalGAP, Organic, Rainforest Alliance; khoảng 42.458,6 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; đã hình thành 10 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với diện tích khoảng 237.346,49 ha cây trồng giữa nông dân với 81 hợp tác xã, 78 tổ hợp tác và 42 doanh nghiệp.
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-nhận định: Các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp như tưới tiết kiệm nước là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiệu quả kinh tế của ngành trồng trọt hiện chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nguyên nhân là do nhiều địa phương chưa ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa vào sản xuất; khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến và vấn đề an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế; năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai chưa cải thiện nhiều... Những năm gần đây, Gia Lai đã phải gánh chịu nhiều đợt thiên tai gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ phát sinh các loại sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng, gây tổn thất nặng nề về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, tác động xấu tới môi trường sống.
Nhờ sản xuất theo hướng sạch nên vườn chanh dây của ông Nguyễn Văn Minh (tổ 3, thị trấn Đak Pơ) luôn đạt năng suất cao. Ảnh: Quang Tấn |
Những hạn chế đã nêu đặt ra yêu cầu là phát triển kinh tế phải gắn với kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Bởi vậy, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Kế hoạch nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về phát thải các chất ô nhiễm không khí tại địa phương; xây dựng, triển khai hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV), thực hiện kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm kê khí nhà kính và phát thải các chất ô nhiễm không khí tại địa phương, đảm bảo tích hợp đồng bộ với hệ thống giám sát và đánh giá tăng trưởng xanh cấp quốc gia (sau khi có hướng dẫn của Trung ương).
Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm cập nhật cơ sở dữ liệu về tình hình thiệt hại và đề xuất giải pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh; xây dựng, quản lý, vận hành, ứng dụng chuyển đổi số đối với hệ thống giám sát, đánh giá, cơ sở dữ liệu tăng trưởng xanh cấp tỉnh trên cơ sở sử dụng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, đảm bảo tính đồng bộ, liên kết giữa hệ thống.
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp hỗ trợ phân bón các loại cho nông dân huyện Đak Đoa tham gia Dự án liên kết sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C. Ảnh: Hà Duy |
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và khả năng cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng tăng trưởng xanh dựa trên định hướng của các ngành; hình thành, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia cho các ngành nghề xanh (dự báo nhu cầu lao động, yêu cầu về năng lực, kỹ năng...).
Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sạch và thân thiện với môi trường; đồng thời, cập nhật thường xuyên các quy chuẩn, tiêu chuẩn và tăng cường công tác thẩm định công nghệ nhằm ngăn chặn, loại bỏ công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao trên địa bàn tỉnh.
Với vai trò tham mưu cho UBND tỉnh, là đầu mối kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết, Sở có nhiệm vụ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản trị điều hành về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số cho doanh nghiệp, đặc biệt về xanh hóa sản xuất và tiêu dùng; tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, huy động đầu tư trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi xanh; thúc đẩy đầu tư xanh theo phương thức hợp tác công tư (PPP); tranh thủ các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế cho các dự án xanh. Đồng thời, tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương để tham gia các hoạt động, các chương trình hợp tác quốc tế về tăng trưởng xanh.