Hơn 1.200 trẻ bị xâm hại tình dục mỗi năm, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chăm sóc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xâm hại tình dục thường để lại các hệ quả nghiêm trọng về sức khỏe thể chất, tinh thần, thậm chí là mất đi tính mạng. Mỗi năm cả nước có trên 1.200 trẻ em báo cáo bị xâm hại tình dục.
Xâm hại tình dục đặc biệt với phụ nữ và trẻ em gái đang có chiều hướng gia tăng một cách đáng lo ngại ở Việt Nam. Khảo sát năm 2014 với 2.000 phụ nữ ở Hà Nội và TP HCM cho thấy 87% trong số này đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng.
Trong một nghiên cứu tại 30 trường học ở Hà Nội, 31% học sinh nữ cho biết đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng và 11% từng bị xâm hại, quấy rối tình dục. Trong nhóm phụ nữ khuyết tật, cứ 10 người thì 4 người bị xâm hại tình dục với các hình thức khác nhau.
Mỗi năm cả nước có trên 1.200 trẻ em báo cáo bị xâm hại tình dục. Theo báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao, trong 5 năm từ 2013-2018, tòa tiếp nhận 8.254 vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy gần 58% phụ nữ được phỏng vấn cho biết đã từng bị bạo lực thể xác, tình dục hoặc/và tinh thần bởi chồng hay bạn tình lâu dài; 10% phụ nữ bị bạo lực thể xác hoặc tình dục bởi người khác ngoài chồng từ năm 15 tuổi.

Xâm hại tình dục ngày càng phức tạp và nghiêm trọng - Ảnh minh hoạ
Xâm hại tình dục ngày càng phức tạp và nghiêm trọng - Ảnh minh hoạ
Theo Bộ Y tế, xâm hại tình dục thường để lại các hệ quả nghiêm trọng trước mắt và lâu dài về sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội, thậm chí là mất đi tính mạng. Do vậy, hệ thống y tế có vai trò quan trọng trong việc giúp giảm thiểu các hệ quả này.
Bên cạnh đó, việc được thăm khám kịp thời và đầy đủ còn giúp tăng khả năng thu thập chứng cứ pháp lý, giúp đem lại công lý cho người bị xâm hại tình dục và gia đình họ và dự phòng tác hại cho xã hội.
Tại Quyết định số 3133/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu "Hướng dẫn chăm sóc và hỗ trợ y tế cho người bị xâm hại tình dục" do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành mới đây, Bộ Y tế cho biết 5 nguyên tắc chăm sóc, hỗ trợ y tế cho người bị xâm hại tình dục gồm:
1. Chăm sóc y tế cho người bị xâm hại tình dục ưu tiên trước hết vào các vấn đề sức khỏe của người bị hại.
2. Thu thập bằng chứng pháp y là ưu tiên thứ hai trừ trường hợp người bị hại được chuyển đến theo yêu cầu của cơ quan giám định.
3. Bảo mật thông tin: Cơ sở y tế và cán bộ y tế liên quan có trách nhiệm đảm bảo bí mật các thông tin liên quan đến vụ việc và cá nhân người bị xâm hại hay gia đình của họ. Chỉ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền, cơ sở y tế mới được chia sẻ thông tin chi tiết về trường hợp bị xâm hại tình dục.
4. Tôn trọng quyền của người bị xâm hại tình dục, các dịch vụ cung cấp dựa trên nhu cầu và sự đồng thuận của người bị xâm hại tình dục hoặc người bảo hộ khi người bị hại chưa đủ 18 tuổi.
5. Việc cung cấp dịch vụ y tế cho người bị xâm hại tình dục được lồng ghép vào dịch vụ hiện có. Bên cạnh các quy định chung về cơ sở vật chất do ngành y tế quy định, cơ sở y tế khi cung cấp dịch vụ cho người bị xâm hại tình dục cần đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, bảo mật thông tin; môi trường thân thiện, không phán xét, không đổ lỗi.
Bộ Y tế cũng lưu ý, người bị hại là vị thành niên từ đủ 16 tuổi cho đến dưới 18 tuổi có thể tự ký Mẫu phiếu đồng ý thăm khám. Với trẻ em (dưới 16 tuổi), phải có cha/mẹ hoặc người giám hộ thay mặt cho trẻ ký Mẫu phiếu đồng ý thăm khám để thu thập chứng cứ pháp y, trừ phi chính người này là nghi phạm xâm hại tình dục trẻ. Trong trường hợp này, một đại diện của cơ quan công an, tổ chức hỗ trợ cộng đồng hoặc tòa án có thể đại diện ký vào mẫu phiếu. Không thăm khám nếu trẻ không đồng ý, trừ khi việc thăm khám là cần thiết để chăm sóc y tế.
"Cố gắng bố trí cán bộ y tế thăm khám là người cùng giới với trẻ. Trong trường hợp là trẻ em gái, cán bộ y tế phải là nữ. Tạo môi trường riêng tư, kín đáo, an toàn. Lưu ý khi quyết định những người cần có mặt trong lúc hỏi bệnh và khám cho người bị xâm hại (rất có thể nghi phạm chính là một người thân trong gia đình trẻ)"- hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ.
Xâm hại tình dục là việc thực hiện các hành vi tình dục không có sự đồng thuận của nạn nhân. Xâm hại tình dục bao gồm: Hiếp dâm (xâm nhập âm đạo, hậu môn hay miệng) bao gồm cả hiếp dâm không thành, các đụng chạm cố ý có tính chất tình dục vào bất kì bộ phận nào của cơ thế của một người, kể cả qua quần áo, sử dụng bộ phận sinh dục, sử dụng tay hay bất kì bộ phận nào khác của cơ thể hay vật dụng mà không có sự đồng thuận của người đó. Xâm hại tình dục cũng bao gồm việc cố quan hệ tình dục hay có các đụng chạm mang tính dâm dục khi nạn nhân không thể phản đối hay không ý thức được hành vi xâm hại do tuổi, do tình trạng tâm thần, do rượu, thuốc hay các chất khác.
Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 1-10-2019 của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân Tối cao định nghĩa xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi như sau: "Xâm hại tình dục là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ người dưới 16 tuổi tham gia vào các hành vị liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, giao cấu, dâm ô với người dưới 16 tuổi và sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức (ví dụ: Hoạt động xâm hại tình dục được thực hiện do đồng thuận với người dưới 13 tuổi); do cưỡng bức, do hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (ví dụ: Cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ…).
D.Thu (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.