Hồi sinh những cánh rừng biên giới từ bạch đàn U6

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Người dân ở xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đang biến những vùng đất trống, đồi trọc thành những rừng cây bạch đàn U6 có giá trị kinh tế cao.

Người dân ở xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đang biến những vùng đất trống, đồi trọc thành những rừng cây bạch đàn U6 có giá trị kinh tế cao.

Bạch đàn U6 đang được phủ xanh ở xã biên giới Ia Mơr. Ảnh: Tuấn Anh

Bạch đàn U6 đang được phủ xanh ở xã biên giới Ia Mơr. Ảnh: Tuấn Anh

Ia Mơr là xã biên giới nằm phía Tây Nam của huyện Chư Prông với tổng diện tích tự nhiên hơn 43 nghìn ha, giáp với biên giới Campuchia. Xã Ia Mơr trước đây từng được biết đến với những cánh rừng xanh bạt ngàn thì nay phần lớn là đất trống, đồi trọc.

Với mong muốn phủ xanh lại những khu rừng, những năm qua, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng, bảo vệ rừng đi đôi với khai thác, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm chống sạt lở và bảo vệ nguồn nước. Cùng với việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, Ia Mơr cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân khai thác tốt lợi thế đất đai sẵn có để trồng rừng.

Ông Trương Văn Thắng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông-cho biết, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Gia Lai về công tác trồng rừng, Hạt đã xây dựng kế hoạch, tìm hiểu một số giống cây trồng và nhận thấy cây bạch đàn U6 (nguồn gốc từ Úc) phần nào đó phù hợp với vùng đất Ia Mơr. Hạt Kiểm lâm đã giới thiệu cho các hộ dân triển khai trồng bạch đàn U6 trên diện rộng. Khi đó, mỗi hộ dân tham gia trồng cây bạch đàn sẽ được nhà nước hỗ trợ 7 triệu đồng/ha, còn hiện tại, mức hỗ trợ là 2,5 triệu đồng/ha.

Những cây bạch đàn mới trồng được 3 năm đã có thể khai thác. Ảnh: Tuấn Anh

Những cây bạch đàn mới trồng được 3 năm đã có thể khai thác. Ảnh: Tuấn Anh

“Đối với vùng đất phù hợp, cây bạch đàn U6 phát triển rất nhanh, chỉ khoảng 2-3 năm có thể đã cho khai thác. Hiện cây bạch đàn cũng mới trồng được vài năm, người dân vẫn chưa khai thác nên chưa thể đánh giá chính xác về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, trồng cây bạch đàn U6 đang giúp địa phương phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng độ che phủ cho rừng”-ông Thắng chia sẻ.

Gia đình ông Ma Hoài (làng Klăh, xã Ia Mơr) trước đây kinh tế chính phụ thuộc vào cây lúa nước, đời sống còn nhiều khó khăn. Năm 2019, được chính quyền địa phương vận động, ông Ma Hoài trồng hơn 8 ha bạch đàn U6 trên vùng đất trồng, đồi trọc. Lúc bấy giờ ông được nhà nước hỗ trợ trồng rừng 7 triệu đồng/ha theo chu kỳ 4 năm. Hiện nay, rừng bạch đàn của gia đình đã đến thời gian thu hoạch, năng suất có thể đạt gần 100 tấn/ha.

“Hiện tại, gia đình tôi chưa bán nên chưa biết được giá cả và lợi nhuận được bao nhiêu. Tuy nhiên, được biết một số hộ dân trong vùng vừa mới bán cho thương lái khoảng 100 triệu đồng/ha, với giá này thì quá tốt”, ông Ma Hoài chia sẻ.

Tương tự, gia đình anh Romah (làng Klăh, xã Ia Mơr) trước đây cuộc sống vật lộn với cây lúa, cây khoai mì nhưng năng suất thấp, không đủ ăn. Đến năm 2020, được chính quyền tuyên truyền, vận động tham gia trồng rừng, rồi được hỗ trợ tiền, anh Romah quyết định chuyển đổi sang trồng bạch đàn U6. Hiện 1,4 ha bạch đàn của gia đình phát triển rất tốt, mới chỉ trồng gần 3 năm mà đã có thể cho khai thác.

“Phải đến năm sau gia đình mới thu hoạch, nếu giá thu mua cứ như thời điểm hiện tại thì gia đình cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Như vậy, gia đình bớt khổ, không phải lo đến cái ăn, cái mặc nữa”-anh Romah bộc bạch.

Bạch đàn U6 rất phù hợp trong đề án phát triển trồng rừng ở xã Ia Mơr. Ảnh: Tuấn Anh

Bạch đàn U6 rất phù hợp trong đề án phát triển trồng rừng ở xã Ia Mơr. Ảnh: Tuấn Anh

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-cho biết, hiện tổng diện tích trồng bạch đàn U6 của người dân trên địa bàn xã Ia Mơr đã hơn 50 ha. Trước đó, chính quyền địa phương đã hướng dẫn cho các hộ dân trồng bạch đàn trên quy hoạch diện tích ưu tiên trồng rừng.

Cũng theo ông Tuấn Anh, trước đây địa phương cũng đã đưa mô hình cây gáo vàng về trồng nhưng bị thất bại. Sau đó, thấy bạch đàn U6 rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cao nên xã đã phát triển mạnh, qua đó, giúp bà con từng bước xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Kỳ vọng của xã là muốn bà con phát triển cây bạch đàn U6 bởi rất phù hợp thổ nhưỡng nơi đây. Hơn nữa, bạch đàn đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Chẳng hạn, đầu tư tất cả chi phí trong 1 năm chỉ hết khoảng 10 triệu đồng/ha và khoảng 3 năm đã cho thu hoạch được hơn 120 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn, trồng bạch đàn sẽ được lâu dài và ổn định hơn”-ông Tuấn Anh nói và cho biết, hiện xã đang theo dõi quá trình phát triển của bạch đàn để triển khai xây dựng đề án riêng cho loại cây này trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.