Học sinh tử vong sau giờ thể dục: Nguyên nhân có thể đến từ đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những sự việc học sinh tử vong sau giờ thể dục mới đây và hồi đầu năm học ở Đắk Lắk đã gióng lên những cảnh báo về việc đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho học sinh. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến các tai nạn đáng tiếc ấy?

Trong năm học 2023-2024, ngành giáo dục chứng hai vụ việc học sinh tử vong sau giờ thể dục. Mới đây, lãnh đạo ngành y tế Đắk Lắk khuyến cáo không tổ chức hoạt động thể chất trong ngày nắng nóng cực đoan đối với học sinh các cấp sau vụ một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Ea Huar, H.Buôn Đôn) tử vong sau giờ học thể dục vào ngày 8.4.

Hồi tháng 9.2023, một nữ sinh lớp 9 ở Đắk Lắk được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng tử vong sau khi thực hiện nội dung chạy bền trong giờ học thể dục. Những sự việc đau lòng có thể xuất phát từ hai nguyên nhân.

Chưa chú trọng theo dõi sức khỏe học sinh

Việc theo dõi sức khỏe, bệnh lý, bệnh nền của học sinh chưa được thực hiện đầy đủ.

Giáo viên nắm bắt tình trạng sức khỏe của học sinh chủ yếu dựa vào việc báo cáo của phụ huynh. Phụ huynh có đơn xin miễn, hoặc giảm bớt việc vận động cho con em mình, nhưng thiếu sự rà soát, thăm nắm thực tế từ giáo viên. Bên cạnh đó, việc khám sức khỏe đầu năm học, định kỳ cho học sinh đôi khi chưa được gia đình, nhà trường chú trọng và có sự theo dõi chặt chẽ.

Thực tế cho thấy học sinh đôi khi chỉ xuất hiện các triệu chứng bệnh về tim mạch, hoặc hô hấp lúc vận động mạnh. Nếu có sự theo dõi kỹ càng của gia đình và giáo viên, nắm bắt kịp thời để điều chỉnh cường độ luyện tập của học sinh, thì những tai nạn đáng tiếc đã không xảy ra.

Một giờ tập thể dục của học sinh. ẢNH MINH HỌA: THÚY HẰNG

Một giờ tập thể dục của học sinh. ẢNH MINH HỌA: THÚY HẰNG

Sự chủ quan của giáo viên

Nguyên nhân thứ hai là sự chủ quan của giáo viên đứng lớp cùng những yêu cầu có phần khắt khe, quá sức với học sinh.

Trong Chương trình GDPT 2018, giáo dục thể chất (GDTC) là môn học bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, đảm nhiệm một trong 4 mặt giáo dục đức, trí, thể, mỹ.

GDTC giúp học sinh rèn luyện kỹ năng vận động và phát triển tố chất thể lực bằng những bài tập đa dạng như rèn kỹ năng vận động cơ bản, đội hình đội ngũ, các bài tập thể dục, trò chơi vận động, môn thể thao và phương pháp phòng tránh chấn thương trong vận động.

Nội dung GDTC được phân chia theo hai giai đoạn:

Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, GDTC giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khỏe và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khỏe; thông qua các trò chơi vận động và tập luyện thể dục, thể thao hình thành các kỹ năng vận động cơ bản, phát triển các tố chất thể lực, làm cơ sở để phát triển toàn diện.

Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, GDTC được thực hiện thông qua hình thức câu lạc bộ thể thao. Học sinh được chọn nội dung hoạt động thể thao phù hợp với nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường. Các em được tiếp tục phát triển kỹ năng chăm sóc sức khỏe và vệ sinh thân thể, phát triển về nhận thức và năng khiếu thể thao, giúp những học sinh có năng khiếu thể thao định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Các yêu cầu cần đạt không đòi hỏi sự quá sức của học sinh, thích ứng với tình trạng sức khỏe cá nhân mà không đặt nặng các yếu tố về thành tích.

Tuy vậy, việc thực hiện tại các trường học đôi khi phụ thuộc vào những kinh nghiệm chủ quan của giáo viên thể dục. Một số giáo viên thể dục đưa ra những yêu cầu có phần khắt khe, quá sức với học sinh. Điều này khiến học sinh sợ hãi GDTC, biến giờ học này thành những buổi tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần.

Lãnh đạo ngành y tế Đắk Lắk khuyến cáo không tổ chức hoạt động thể chất trong ngày nắng nóng cực đoan đối với học sinh các cấp sau vụ một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Ea Huar, H.Buôn Đôn) tử vong sau giờ học thể dục vào ngày 8.4. Ảnh: C.T.V
Lãnh đạo ngành y tế Đắk Lắk khuyến cáo không tổ chức hoạt động thể chất trong ngày nắng nóng cực đoan đối với học sinh các cấp sau vụ một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Ea Huar, H.Buôn Đôn) tử vong sau giờ học thể dục vào ngày 8.4. Ảnh: C.T.V

Một đồng nghiệp từng chia sẻ cách luyện thể lực cho học sinh trước khi tham gia thi đấu ở các giải của ngành, của tỉnh.

Đồng nghiệp này cho học sinh thực hiện những bài tập tưởng như chỉ có trong quân đội từ nâng bánh xe tải, đẩy tạ, chạy bền với cự ly xa cho đến ép cân bằng cách bắt mặc áo mưa chạy bộ giữa trời nắng, nhịn ăn để tập luyện nhằm giảm cân cho phù hợp nội dung thi đấu. Tất cả chỉ để nâng cao thành tích của trường…

Không riêng GDTC, có những giáo viên môn giáo dục quốc phòng yêu cầu học sinh thực hiện các động tác bò, trườn của giữa trời nắng, mưa trên sân xi măng trong trường, bất kể tâm sinh lý học sinh… Đó thực sự là những hoạt động quá sức, vắt kiệt sức khỏe, dẫn đến các chấn thương và ảnh hưởng đến sự phát triển của học sinh, mang đến nỗi ám ảnh và sợ hãi cho học sinh.

Thiết nghĩ, môn GDTC cần được triển khai đúng với định hướng chung là tạo môi trường thân thiện để khuyến khích học sinh tham gia tích cực hoạt động tập luyện tự mình trải nghiệm. tự phát triển bản thân.

Các bộ môn khác cũng cần chú ý đến tâm sinh lý, lứa tuổi của học sinh mà tổ chức những hoạt động phù hợp.

Các sở và phòng GD-ĐT cần có những chỉ đạo giáo viên áp dụng phương pháp linh hoạt, cá biệt để phù hợp với sức khỏe học sinh. Có như vậy, mới không còn những tai nạn đau lòng xảy đến cho những giờ học bộ môn này.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.