Hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán điện tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai vừa hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp hợp đồng mua bán điện giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thanh Danh và Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát; bị đơn là Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), Công ty Điện lực Gia Lai (GLPC).

Thi công hệ thống điện mặt trời tại huyện Krông Pa. Ảnh: Lê Anh
Thi công hệ thống điện mặt trời tại huyện Krông Pa. Ảnh: Lê Anh

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 15-9-2022, Tòa án nhân dân TP. Pleiku đã tuyên bố bên thắng kiện thuộc về nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thanh Danh; Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát.

Cụ thể, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân TP. Pleiku quyết định buộc EVNCPC, GLPC phải thanh toán cho Công ty Thanh Danh số tiền bán điện từ ngày 11-3-2021 đến ngày 8-9-2022 là hơn 5,518 tỷ đồng và lãi suất theo mức 0,8%/tháng, tương ứng số tiền hơn 373 triệu đồng; buộc thanh toán cho Công ty Vạn Phát số tiền bán điện và tiền lãi (cùng thời gian như trên) tổng cộng hơn 5,85 tỷ đồng. Vì vậy, EVNCPC đã có đơn kháng cáo gửi Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai về một số nội dung trong bản án sơ thẩm do Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Pleiku đã tuyên vào ngày 15-9-2022.

Như Báo Gia Lai điện tử đưa tin, ngày 26-12-2020, hộ kinh doanh Chư Ngọc Huyền ký hợp đồng mua bán điện hệ thống mặt trời mái nhà với đại diện theo ủy quyền của EVNCPC là GLPC (ngày 11-3-2021, hộ kinh doanh Chư Ngọc Huyền đã thay đổi chủ thể trong hợp đồng sang Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thanh Danh, có địa chỉ tại xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa). Cùng ngày, Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát (địa chỉ tại xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa) cũng ký hợp đồng mua bán điện với GLPC. Hợp đồng mua bán điện của GLPC với 2 công ty có công suất lắp đặt là 999,6 kWp, thời hạn từ ngày 26-12-2020 đến 26-12-2040.

Từ tháng 12-2020 đến tháng 2-2021, GLPC thanh toán tiền bán điện đầy đủ cho 2 công ty này. Nhưng sau đó, đơn vị này tạm ngưng thanh toán tiền bán điện vì cho rằng 2 công ty đã vi phạm hợp đồng. Trước sự việc trên, 2 công ty đã có văn bản khiếu nại đến GLPC để yêu cầu thanh toán đầy đủ tiền bán điện. Ngày 15-4-2021, theo chỉ đạo của GLPC, Điện lực Krông Pa tiến hành kiểm tra hệ thống điện mặt trời của 2 công ty và có kết luận: Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thanh Danh lắp dư 779 tấm pin 410 Wp, vượt 319.780 Wp so với nghiệm thu ban đầu; Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát lắp dư 334 tấm pin 410 Wp, vượt 137.330 Wp so với nghiệm thu ban đầu. Vì vậy, Điện lực Krông Pa không xác nhận thanh toán tiền điện đối với phần lắp đặt vượt công suất trong hợp đồng mua bán điện được ký kết.

Ngày 22-4-2021, 2 công ty trên tiếp tục khiếu nại lên GLPC đề nghị hủy biên bản làm việc và không đồng ý hướng xử lý của Điện lực Krông Pa. Ngày 6-5-2021, GLPC đã làm việc và kiểm đếm số pin thực tế của Công ty Thanh Danh là 2.915 tấm, tương ứng công suất 1.195,15 kWp; kiểm đếm số pin của Công ty Vạn Phát là 2.916 tấm, tương ứng công suất 1.195,56 kWp.

Với số liệu này, GLPC có ghi nhận khác với việc kiểm đếm của Điện lực Krông Pa khi số pin được cho là lắp đặt dư của Công ty Thanh Danh là 476 tấm, tương đương vượt công suất trong hợp đồng mua bán điện là 195,55 kWp; Công ty Vạn Phát lắp dư 477 tấm pin, tương đương vượt công suất 195,96 kWp trong hợp đồng mua bán điện đã ký kết. Tuy nhiên, 2 công ty cho rằng mình hoàn toàn không gắn thêm pin, không nâng công suất kể từ khi ký hợp đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, GLPC có thiện chí đề nghị 2 công ty tháo dỡ số pin được xác định lắp dư và hướng dẫn các thủ tục thanh toán tiền điện tương ứng với công suất đã ký kết trong hợp đồng nhưng 2 công ty không thống nhất.

Sau nhiều lần hòa giải bất thành, 2 công ty đã khởi kiện EVNCPC và GLPC ra tòa. Theo đó, Công ty Thanh Danh đề nghị GLPC phải thanh toán tiền bán điện từ ngày 11-3-2021 đến ngày 8-9-2022 với số tiền hơn 5,518 tỷ đồng và lãi suất theo mức 0,8%/tháng, tương ứng hơn 373 triệu đồng. Tương tự, Công ty Vạn Phát cũng yêu cầu GLPC thanh toán tiền bán điện và tiền lãi tổng cộng hơn 5,85 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 15-9-2022, sau khi xem xét hồ sơ, Tòa án nhân dân TP. Pleiku nhận định, hợp đồng mà các bên cung cấp được thực hiện theo đúng mẫu của Bộ Công thương soạn thảo. Trong phần chung của hợp đồng thể hiện công suất lắp đặt của mỗi hệ thống điện mặt trời mái nhà là 999,6 kWp với các thông số kèm theo trong các phụ lục. Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng, Tòa án nhân dân TP. Pleiku yêu cầu GLPC cung cấp các bản phụ lục nhưng khi cung cấp cho Tòa thì tất cả đều không có chữ ký của bên bán điện nên không có căn cứ ràng buộc các thông số kỹ thuật lắp đặt đã được các bên thống nhất.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngoài ra, tại Điều 3 Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17-7-2020 của Bộ Công thương quy định “Wp, kWp, MWp là đơn vị đo công suất đỉnh đạt được của tấm quang điện mặt trời trong điều kiện tiêu chuẩn và do nhà sản xuất công bố”. Như vậy, Wp là công suất của tấm pin-dòng điện một chiều, không phải là công suất của hệ thống điện mặt trời mái nhà. Tòa cũng nhận định hợp đồng mua bán điện nêu trên có các điều khoản không rõ ràng và đã loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên bán điện.

Qua kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ vào ngày 7-1-2022, Tòa án nhân dân TP. Pleiku xác định số lượng tấm pin của 2 hệ thống điện mặt trời trùng với số lượng tấm pin được GLPC tổ chức kiểm đếm ngày 6-5-2021; phù hợp với hồ sơ hoàn công mà bên bán điện đã gửi cho bên mua điện trước khi ký hợp đồng. Trong quá trình giải quyết vụ việc, GLPC không xác định được vị trí số lượng tấm pin được cho là do 2 công ty đã lắp đặt thêm sau khi nghiệm thu. Ngoài ra, căn cứ các quy định của pháp luật, căn cứ trên tổng công suất bộ inverter của hệ thống (căn cứ này do EVNCPC đưa ra) thì 2 hệ thống điện mặt trời trên đáp ứng điều kiện vì có 9 inverter, mỗi inverter có công suất 110 kW, tương đương 990 kW, đổi thành 0,99 MW, tức chưa quá 1 MW mà pháp luật quy định.

Trong hợp đồng mua bán điện cũng thể hiện công suất lắp đặt là 999,6 kWp. Các điều khoản hợp đồng giữa 2 bên cũng đã thống nhất điện năng mua bán không xác định theo công suất lắp đặt mà căn cứ vào sản lượng điện năng thực tế được phát lên lưới của EVNCPC thông qua công tơ đo đếm được lắp đặt tại điểm giao nhận điện. Như vậy, sản lượng điện thực tế của 2 công ty có thể cao hơn hoặc thấp hơn và thay đổi phụ thuộc vào điện năng sản xuất được. Việc quy định giới hạn công suất lắp đặt chỉ nhằm mục đích đảm bảo hệ thống điện mặt trời của 2 công ty đủ các điều kiện hưởng các chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, với việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán, sau khi xác minh lãi suất nợ quá hạn tại các ngân hàng của 2 công ty, Tòa án nhân dân TP. Pleiku đã chấp nhận yêu cầu trên.

Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân TP. Pleiku quyết định buộc EVNCPC, GLPC phải thanh toán cho Công ty Thanh Danh số tiền bán điện từ ngày 11-3-2021 đến ngày 8-9-2022 là hơn 5,518 tỷ đồng và lãi suất theo mức 0,8%/tháng, tương ứng số tiền hơn 373 triệu đồng; buộc thanh toán cho Công ty Vạn Phát số tiền bán điện và tiền lãi (cùng thời gian như trên) tổng cộng hơn 5,85 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

(GLO)- Công an huyện Đức Cơ vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, ký cam kết chấp hành các quy định về pháp luật trật tự an toàn giao thông đối với các chủ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải, cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn.

Shark Thủy bị khởi tố thêm tội đưa hối lộ

Shark Thủy bị khởi tố thêm tội đưa hối lộ

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức Shark Thủy) vừa bị khởi tố thêm tội đưa hối lộ, liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup (Tập đoàn Egroup), Công ty CP đầu tư và phân phối Egame (Công ty EGame) và một số đơn vị liên quan.