Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu: Say đắm men rừng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thật tình cờ tôi gặp họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu tại Festival Huế (5-2019). Chị có tới 9 tác phẩm được chọn để phối trên những tà áo dài trong chương trình biểu diễn. Những họa tiết và hình tượng tranh sơn mài của Hồ Thị Xuân Thu đậm sắc màu Gia Lai và Ba Na rất gây ấn tượng với bạn bè quốc tế. Hiện chị là nữ họa sĩ duy nhất ở Tây Nguyên chuyên vẽ tranh sơn mài.
 


Mười năm đi tìm mình

Đó là vào những ngày mùa đông năm 1985, vừa tốt nghiệp cao đẳng Mỹ thuật Huế, Hồ Thị Xuân Thu lên Pleiku nhận nhiệm vụ. Bắt đầu những chuỗi ngày rét mướt gió mưa thử thách cô gái miệt sông Hương ở tuổi 25. Khi ấy, bên những con phố nhỏ còn là rừng cây suối vắng. Heo hút gió với bụi đất đỏ. Ở lại hay trở về quê hương?

Thân gái dặm trường liệu có chịu được những gian khổ nơi rừng thiêng nước độc này. Nhưng khi được gặp họa sĩ Xu Man (người Ba Na) và xem tranh của ông, Hồ Thị Xuân Thu bừng dậy niềm đam mê nghệ thuật. Chị bắt đầu vẽ những bức tranh đầu tiên về cô gái Tây Nguyên. Những sắc màu hồn nhiên về xứ sở đầy sương và hoang vu.


 

 




Sau đó như trời định, Hồ Thị Xuân Thu gặp được người đàn ông của đời mình, đó là nhà nhiếp ảnh Trần Phong. Hai người gắn bó với nhau và dấn thân vào con đường mưu sinh. Đó là những chuyến đi xuống bản làng bằng xe đạp. Cả hai vượt qua đèo dốc vào những nơi đồng bào dân tộc sinh sống. Người chụp ảnh. Người thì vẽ ký họa chân dung. Chính từ đây nữ họa sĩ trẻ bắt đầu hòa nhập với những tục lệ và lễ hội của đồng bào Tây Nguyên.

Đúng như lời dậy của thầy Xu Man, đời sống sẽ dậy ta những điều quý giá nhất. Hồ Thị Xuân Thu đã tiếp thu được những vốn sống sâu sắc. Ròng rã những tháng năm vừa làm việc cơ quan vừa đi thực tế, nhiều cảm xúc thôi thúc niềm say mê sáng tạo trong tâm hồn người họa sĩ trẻ.

Đêm đêm, những hình ảnh của lễ hội Pơ Thy hay lễ hội Cầu mưa luôn hiện về trong giấc mơ. Tiếng cồng chiêng ngân vang rạo rực bên những cây nêu cùng điệu xoang rộn ràng luôn văng vẳng bên tai. Rồi đó là những buổi sớm các cô gái đi gùi nước từ dưới suối luôn ríu rít tiếng cười. Tất cả tràn lên mặt tranh của Hồ Thị Xuân Thu.

Sau khi kết hôn và sinh con, vợ chồng Trần Phong và Hồ Thị Xuân Thu vẫn thực hiện những chuyến đi xuống buôn làng để mưu sinh và tích lũy vốn sống. Những năm khốn khó dần vượt qua. Hồ Thị Xuân Thu luôn khát khao vẽ và muốn thể hiện tình yêu của mình với mảnh đất Gia Lai đầy nắng và gió.

Nhưng dường như những thử thách vẫn còn ở phía trước đối với Hồ Thị Xuân Thu. Chị luôn trăn trở trong việc kiếm tìm con đường sáng tạo riêng về nghệ thuật. Những bức tranh sơn dầu hay bột mầu về đề tài Tây Nguyên chưa thể hiện được hết sự cảm nhận của chị về con người và cuộc sống nơi đây.

Cho dù cuộc mưu sinh cứ cuốn đi với bao vất vả khó khăn trên miền đất bazan, nhưng tâm hồn người họa sĩ luôn ấp ủ những dự định sáng tạo. Những ký họa ghi chép trên mọi nẻo đường như một sự nhắc nhở và thôi thúc Hồ Thị Xuân Thu. Hiểu niềm khao khát của vợ, nhà nhiếp ảnh Trần Phong đã khuyến khích Hồ Thị Xuân Thu quay về Huế học Đại học Mỹ thuật.

Nhập vào “Hồn núi”

Những năm tháng trên giảng đường đại học, Hồ Thị Xuân Thu đã học ngành sơn mài và theo đuổi cho đến ngày nay. Có thể nói chị đã tìm đến nghệ thuật tranh sơn mài như món quà của thượng đế ban cho.

Ngay từ phút đầu xem tranh sơn mài, Hồ Thị Xuân Thu đã bị hút hồn. Những hình ảnh già bản cùng các phụ nữ Gia Lai trong các lễ hội bỗng hiện lên. Họ nhập vào chiều sâu thẳm của nền tranh sơn mài dịu dàng.

Những bức tranh tưởng tượng ấy dần dần được hình thành các bố cục. Tiếp theo đó là những ngày đêm Hồ Thị Xuân Thu còng lưng mài tranh. Vẻ đẹp tranh sơn mài quả là điều bí ẩn. Nó rất phù hợp với sự ám ảnh của những người phụ nữ lầm lũi đeo gùi trên đường về bản.

Hồ Thị Xuân Thu cho tôi xem những bức tranh sơn mài mà chị làm ròng rã vừa ủ vừa mài suốt cả tháng trời. Tác phẩm “Lên rẫy” ra đời trong cảm xúc bồi hồi khó tả. Chị kể đó là những vốn sống khi vào bản để học hỏi về những trang phục của người Gia Lai. Từ cách nhuộm vải đến những họa tiết dệt thổ cẩm. Nhất là sự biểu cảm từ những đôi mắt của người đàn bà đầy sức sống và thân thương.

Một nét thâm trầm trên gương mặt thể hiện nội lực của người phụ nữ Tây Nguyên phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, chăm lo cuộc sống từ tập tục mẫu hệ xa xưa. Từ đó Hồ Thị Xuân Thu dồn hết tâm trí sáng tạo hình ảnh người phụ nữ - một biểu tượng của sức sống Tây Nguyên.

Hồ Thị Xuân Thu dẫn tôi ra xem bức tranh “Hồn núi”. Nền tranh được đắp sơn sống tạo nên chất sần sùi hoang dại rất Tây Nguyên. Hình ảnh người mẹ địu con đến trước hang núi với những lời cầu khấn thần linh mong cho cuộc sống bình yên. Thông điệp bức tranh là hãy xóa đi những ký ức chia ly và buồn đau. Thần núi, thần rừng hãy cho những linh hồn đã ra đi được siêu thoát. Cuộc sống còn ở phía trước. Tương lai đang chờ đón trẻ thơ.



 

 Tác phẩm “Men rừng”. Sơn mài của Hồ Thị Xuân Thu.
Tác phẩm “Men rừng”. Sơn mài của Hồ Thị Xuân Thu.



Cũng trên mạch cảm xúc này mà những bức tranh “Lễ Pơ Thi” (lễ bỏ mả) ra đời. Để dựng được bức tranh về đề tài này, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đã tham gia không biết bao lần lễ hội. Đó là tập tục chia tay vĩnh viễn những người đã chết. Đến nay chị còn thuộc được những câu lễ của thày cúng trong lễ bỏ mả. Bên cạnh đó hình ảnh những chiếc gùi được chị vẽ với nhiều bố cục khác nhau như một vật bất ly thân của người phụ nữ Tây Nguyên.

Ta có thể ngắm họ ở những sắc màu đỏ, đen, vàng, bạc và cẩn trứng rất tinh tế trong tranh sơn mài của Hồ Thị Xuân Thu. Những bức tranh tiêu biểu trong cả trăm bức sơn mài của chị như: “Men rừng”, “Hồn núi”, “Lễ Pơ Thy”; hay như “Sưởi nắng”, “Bên nhà mồ”, “Lên rẫy”; hoặc “Miền nắng gió”, “Nước mát”…. Đó đều là những tác phẩm chị vẽ từ năm 1997 cho đến nay và đoạt nhiều giải thưởng của Trung ương (Hội Mỹ thuật Việt Nam) và địa phương (Hội Văn nghệ Gia Lai).

Ám ảnh sắc màu

Tranh của Hồ Thị Xuân Thu không có nét gồ ghề táo bạo của chất liệu sơn dầu khi vẽ về mảnh đất và con người Tây Nguyên. Nhưng người xem lại cảm nhận được sự khắc khoải khuất lấp của hình ảnh người dân tộc trên núi cao.

Cùng với đó là nét hoang dại thật thi vị được miêu tả qua những sinh hoạt đời sống thường nhật của họ. Người xem dễ bị bắt mất hồn vía khi ngắm các tác phẩm “Giã gạo” hay “Tắm” hoặc chùm tranh “Thiếu nữ Tây Nguyên”…

Những tấm thân trần được phủ lên những lớp vàng bạc hay cẩn trứng mờ ảo tạo nên sự kỳ thú về hình tượng. Đó là sự ám ảnh về độ sâu của chất liệu sơn mài. Đúng như cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã nói “Chất liệu chiếm một nửa nghệ sĩ”. Hồ Thị Xuân Thu đang đi theo hướng đó.

Mài là vẽ. Sự cảm nhận về mầu sắc và hình tượng tranh thuộc về tài năng. Đó chính là bí mật của nghệ thuật mài tranh mà họa sĩ phải mò mẫm khám phá. Kết quả của màu sắc, độ huyền ảo và chiều sâu của bức tranh đã tạo nên sự độc đáo của sơn mài.

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đã đạt được sự huyền ảo đó. Nhà lý luận phê bình Mỹ thuật Lê Quốc Bảo đã nhận xét: “Không ít tác phẩm sơn mài của Hồ Thị Xuân Thu đã định hình định vị một phong cách nghệ thuật sơn mài hiện thực tâm trạng thuộc kênh tạo hình của chủ nghĩa hiện đại, nổi trội phẩm chất Tây Nguyên”. Sau hai lần triển lãm tranh sơn mài ở TP Hồ Chí Minh (2004) và Hà Nội (2012), sắc màu Tây Nguyên của Hồ Thị Xuân Thu đến với người xem vượt ngoài sự mong đợi.

Ấn tượng để lại trong tranh của Hồ Thị Xuân Thu - đó là sự hòa hợp giữa ngôn ngữ hội họa hiện đại với dân gian. Sắc màu Tây Nguyên của chị còn phảng phất hơi thở của nghệ thuật Chăm cổ mà đó là gốc của một nền tảng văn hóa của người dân tộc Gia Lai. Sự ám ảnh từ những đôi mắt của người phụ nữ đã toát lên điều đó. Nó ẩn chứa sức mạnh được dồn nén trong sắc màu Tây Nguyên bao đời nay. Đó chính là thành công của Hồ Thị Xuân Thu trong suốt hơn ba mươi năm lao động nghệ thuật trên miền nắng gió Pleiku.

Cảnh Linh (VNCA)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.