Hộ kinh doanh ẩm thực chợ đêm mong dự án mau hoàn thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi chợ đêm Pleiku dừng hoạt động để phục vụ cho dự án Phố ẩm thực đêm, những hộ kinh doanh chuyên bán các mặt hàng ẩm thực đã phải tứ tán “mỗi người mỗi nơi”. Có người may mắn tìm được mặt bằng để tiếp tục kinh doanh, nhưng cũng có người vẫn chưa tìm được địa điểm để buôn bán.
Sau khi chợ đêm Pleiku tạm dừng hoạt động, chị Trần Thị Mỹ Dung-chủ tiệm xôi gà Dung-đã chuyển tạm sang đường Trần Phú (cạnh điện máy Đức Thanh) bán. Ảnh: Vũ Thảo
Sau khi chợ đêm Pleiku tạm dừng hoạt động, chị Trần Thị Mỹ Dung-chủ tiệm xôi gà Dung-đã chuyển tạm sang đường Trần Phú (cạnh điện máy Đức Thanh) bán. Ảnh: Vũ Thảo

“Mỗi người một nơi”

Là một trong những tiệm xôi được nhiều người ưa thích nhất, sau khi chợ đêm Pleiku tạm dừng hoạt động, chị Trần Thị Mỹ Dung-chủ tiệm xôi gà Dung-đã chuyển tạm sang đường Trần Phú (cạnh điện máy Đức Thanh) bán. Mặc dù vẫn có nhiều khách ghé đến tiệm, nhưng chị Dung vẫn không giấu được lo lắng: “Sau khi nhận được thông báo tạm dừng, tôi đã phải chạy đôn đáo khắp nơi mới tìm được chỗ này để thuê mặt bằng đứng bán. Nhưng quy định không được lấn chiếm vỉa hè nên tôi chỉ có thể ghé tạm vào thềm của nhà thuê, rất bất tiện. Mặt bằng này nằm ở khu vực trung tâm nên giá thuê không rẻ. Nếu hồi trước, mỗi đêm tôi bán được hơn 20 kg nếp thì hiện chỉ còn khoảng 10 kg. Chưa kể, hồi xưa bán tới 10-11 giờ đêm là đã hết sạch, nhưng nay có khi đứng tới 12 giờ khuya cũng chưa hết 10 kg nếp. Có bữa, suốt 3-4 tiếng đồng hồ, tôi chỉ bán được 40.000 đồng. Cứ động viên nhau là ráng cho qua đợt khốn khó này để chờ Phố ẩm thực đêm đi vào hoạt động, nhưng tôi rất lo, không biết còn trụ được tới đó không”.

Không may mắn như chị Dung là có thể tìm được mặt bằng kinh doanh ngay sau khi chợ đêm dừng hoạt động, sau 1 tuần, chị Phạm Thị Thanh-chủ tiệm bánh cuốn, bún thịt nướng cô Tám-mới có được địa điểm để tiếp tục buôn bán. Đó là khu đất trống bên cạnh nhà hàng Ngọc Lâm (ngã tư Phan Đình Phùng-Đinh Tiên Hoàng). Để việc buôn bán không bị tiếp tục gián đoạn, hơn 9 giờ đêm, chị vẫn đốc thúc người hàn thép, dựng cột, kéo bạt làm mái che để qua hôm sau có thể bày hàng ra bán. Chị Thanh cho hay: “Tôi chạy khắp nơi để tìm mặt bằng nhưng không ra. Nơi trung tâm, tập trung đông người thì giá thuê quá cao, và phải trả tiền thuê dài hạn, trong khi tôi chỉ buôn bán nhỏ, không thể kham nổi. May sao chủ nhà hàng Ngọc Lâm đã cho tôi mượn tạm mặt bằng, tôi mừng vô cùng. Bởi vì khi tôi nghỉ bán ngày nào thì không chỉ gia đình tôi mất thu nhập, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình của 2 người đang làm công cho tôi. Một người nghỉ bán là thất nghiệp cả 3 gia đình hàng chục miệng ăn”.

Tiệm xôi của chị Trần Thị Mỹ Dung được nhiều người ưa thích. Ảnh: Hà Duy
Tiệm xôi của chị Trần Thị Mỹ Dung được nhiều người ưa thích. Ảnh: Hà Duy

Được chị Thanh san sẻ mặt bằng đang mượn để cùng kinh doanh, chị Trương Thị Ngọc Lan-chủ quán phở bà Lan-rơm rớm nước mắt: “Tôi bán ở chợ đêm 11 năm rồi. Là mẹ đơn thân nuôi 2 đứa con, và còn đang giúp đỡ thêm một bé trai đang học lớp 9 của người quen, do cha mẹ bé không nuôi được, nên nếu dẹp quán, không có chỗ bán, cuộc sống gia đình tôi không biết làm sao. Tôi suy sụp cả tuần nay, vì không tìm ra nơi để buôn bán. Hồi còn ở chợ đêm, mỗi tối tôi bán được khoảng hơn 200 tô, tạm trang trải được cuộc sống cho mấy mẹ con. Nhưng khi đã nghỉ một vài ngày là ảnh hưởng đến cuộc sống liền. May mắn là sau gần 1 tuần, tôi đã được cùng san sẻ mặt bằng của nhà hàng Ngọc Lâm cho mượn để có thể tiếp tục kiếm cơm. Khu này cả tôi nữa là 6 người bán. Chúng tôi đều vất vả như nhau, giờ chỉ biết nương tựa vào nhau mà sống”. Chị Lan kể, bán ở chợ đêm có nhiều hoàn cảnh rất khó khăn, như có một gia đình kia 7 người chỉ biết trông chờ vào nồi ốc um, nhà lại đi thuê mướn, mỗi đêm kiếm được 200-300 ngàn đồng chỉ vừa đủ trang trải sinh hoạt. Bây giờ, chưa tìm được chỗ bán gia đình họ rơi vào cảnh điêu đứng. "Giờ chỉ mong sao chính quyền tạo điều kiện để chúng tôi bán tạm một thời gian ở đây, chờ dự án Phố ẩm thực đêm hoàn thành để được vào ổn định công việc mua bán”-chị Lan nói.

Các hộ kinh doanh may mắn mượn được mặt bằng nhà hàng Ngọc Lâm đang khẩn trương làm mái che để đưa hoạt động mua bán trở lại. Ảnh: Hà Duy
Các hộ kinh doanh may mắn mượn được mặt bằng nhà hàng Ngọc Lâm đang khẩn trương làm mái che để đưa hoạt động mua bán trở lại. Ảnh: Hà Duy

Mong dự án sớm đi vào hoạt động

Không phải ai cũng may mắn tìm được mặt bằng mới để kinh doanh. Anh Nguyễn Hoàng Khôi-tiểu thương bán bún, nuôi, phở-buồn bã nói: “Có lẽ vợ chồng tôi về lại quê ở miền Tây để làm thuê làm mướn sống tạm qua ngày, đợi đến khi Phố ẩm thực đêm Pleiku đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ ra lại và đăng ký bán, chứ tình hình này, chúng tôi đã hết cách. Ở đây không phải đường nào cũng có thể buôn bán, không phải nơi nào cũng có khách đến ăn. Nếu lên chợ tạm Ia Kring bán thì cũng khó, vì khách của chúng tôi chủ yếu là người dân, khách vãng lai hoặc du khách chứ không phải tiểu thương ở chợ đầu mối. Tôi ước chính quyền địa phương có thể bố trí cho chúng tôi có một địa điểm tập trung để buôn bán”.

Khi di dời lên chợ tạm Ia Kring, trong tổng số 383 hộ kinh doanh tại chợ đêm, thì phần lớn là các hộ bán rau, củ, quả, thịt, cá… đã đăng ký lên chợ tạm Ia Kring; còn lại hơn 20 hộ kinh doanh trái cây, 13 hộ kinh doanh hàng ăn uống trong khu vực chợ đêm không đăng ký. Vì thực tế, hàng ăn uống bán ở chợ đêm chủ yếu là phục vụ người dân và du khách, chứ không phải phục vụ chính cho những người bán ở chợ đêm. Vì vậy, khi chợ di dời họ không thể đi theo lên đó, buộc họ phải tìm chỗ khác để tiếp tục kinh doanh. Người có điều kiện thì đi thuê mặt bằng, người không có điều kiện đành bày bán tại vỉa hè một số địa điểm dọc các tuyến đường Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng. Với họ, giải pháp tạm thời là vậy, do đó họ rất mong chính quyền địa phương tạo điều kiện để có thể duy trì mua bán được thuận lợi, đảm bảo thu nhập cho cuộc sống gia đình, chờ đến khi nào Phố ẩm thực đêm đi vào hoạt động sẽ đăng ký vào quy củ.

Một số hàng ăn uống sau khi tìm được mặt bằng đã mở bán trở lại, chờ xây dựng xong dự án Phố ẩm thực đêm sẽ đăng ký vào kinh doanh. Ảnh: Hà Duy
Một số hàng ăn uống sau khi tìm được mặt bằng đã mở bán trở lại, chờ xây dựng xong dự án Phố ẩm thực đêm sẽ đăng ký vào kinh doanh. Ảnh: Hà Duy

Sau khi di dời chợ đầu mối lên chợ tạm tại phường Ia Kring, UBND phường Diên Hồng đã triển khai một số hoạt động để giữ mặt bằng sạch phục vụ cho dự án Phố ẩm thực đêm cũng như dự án mở rộng đường Hoàng Văn Thụ. Ông Trần Ngọc Thắng-Phó Chủ tịch UBND phường Diên Hồng cho biết: “Lực lượng trật tự của phường vẫn “túc trực” tại khu vực đường Nguyễn Thiện Thuật để tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh không quay lại buôn bán ở khu vực này. Chúng tôi chia ra làm 2 ca, ca đầu đến 8 giờ đêm, ca 2 đến 12 giờ đêm. Khi dừng hoạt động buôn bán tại khu vực đường Nguyễn Thiện Thuật, Lê Lai, Hoàng Văn Thụ thì cũng có 1 số hộ chuyển qua bán ở đường Lê Hồng Phong, nhưng chúng tôi đã kịp thời nhắc nhở nên hiện không còn tình trạng này nữa. Mặc dù vẫn biết khi dừng hoạt động chợ đêm thì nhiều người sẽ gặp rất nhiều khó khăn do không có địa điểm, mặt bằng, nhưng vì cái chung, chúng tôi cũng động viên bà con cố gắng, chờ đến khi Phố ẩm thực đêm đi vào hoạt động. Về phía phường, chúng tôi cũng đã kiến nghị thành phố sớm hoàn chỉnh phương án xây dựng Phố ẩm thực đêm, nhanh chóng đi vào thi công, tạo điều kiện để các hộ có chỗ kinh doanh, buôn bán”.

Việc di dời chợ đêm ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của hàng chục hộ kinh doanh. Vì vậy, việc sớm hoàn chỉnh phương án và triển khai một diện mạo mới để các hộ kinh doanh hàng ăn uống trở lại mua bán là rất cần thiết. Điều này cũng góp phần tạo mỹ quan đô thị, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường trung tâm của thành phố, xây dựng hình ảnh TP. Pleiku xanh, sạch, đẹp hướng đến xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh, “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Việc tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách cũng như khuyến khích phát triển nhiều ngành nghề, hoạt động mới chính là một trong những động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ công cộng; hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại… là hướng phát triển tất yếu, nhất là khi Gia Lai đang định hướng phát triển du lịch thành một trong những ngành mũi nhọn.

Có thể bạn quan tâm

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Đak Đoa về việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Đak Đoa: 42/148 hộ hỗ trợ nhà ở, đất ở được cấp giấy CNQSDĐ

(GLO)- Sáng 16-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Đak Đoa về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Gia đình chị Rơ Châm Khi (làng Krăi) được UBND thị trấn Phú Hòa hỗ trợ 1 con bò giống để làm sinh kế vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.Y

Phú Hòa: Người dân thoát nghèo nhờ tiếp cận thông tin

(GLO)- Nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, hướng đến giảm nghèo bền vững, thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã đa dạng các hình thức tuyên truyền, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, thị trường và kỹ năng cần thiết góp phần nâng cao năng suất lao động.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.