Hiệu quả từ hệ thống quan trắc môi trường tự động

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động tại các khu công nghiệp (KCN), doanh nghiệp ở Gia Lai đã góp phần kiểm soát quy trình xử lý nước thải, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường.

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 1-1-2022 của Chính phủ quy định đối tượng phải lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục gồm: dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, xả nước thải ra môi trường với lưu lượng từ 500 m3/ngày trở lên; dự án, cơ sở không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, xả nước thải ra môi trường với lưu lượng từ 1.000 m3/ngày trở lên.

Thời hạn hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục và kết nối, truyền số liệu trực tiếp đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh chậm nhất là ngày 31-12-2024.

Nhân viên Công ty Phát triển hạ tầng Khu Kinh tế tỉnh kiểm tra hệ thống quan trắc môi trường tự động để giám sát chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường. Ảnh: L.N

Nhân viên Công ty Phát triển hạ tầng Khu Kinh tế tỉnh kiểm tra hệ thống quan trắc môi trường tự động để giám sát chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường. Ảnh: L.N

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), đến nay, trên địa bàn tỉnh có 21 cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục. Trong đó, 16 cơ sở đã triển khai lắp đặt và truyền dữ liệu về Sở TN-MT để theo dõi, quản lý; 5 đơn vị còn lại đang đầu tư lắp đặt theo quy định.

Việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động mang lại nhiều lợi ích trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường như: cho phép cơ quan quản lý nắm bắt kịp thời tình hình môi trường, phát hiện sớm các biến động hoặc sự cố môi trường, từ đó có thể phản ứng nhanh chóng và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp.

Cùng với đó, hệ thống tự động hóa giúp loại bỏ những sai sót do con người gây ra trong quá trình thu thập và xử lý dữ liệu; dữ liệu quan trắc được thu thập một cách chính xác, liên tục và minh bạch, tăng cường độ tin cậy của thông tin phục vụ công tác quản lý; việc tự động hóa trong quan trắc môi trường giúp giảm thiểu chi phí nhân công và thời gian so với phương pháp quan trắc thủ công.

Hệ thống này có khả năng vận hành với ít sự can thiệp của con người, giảm thiểu chi phí bảo trì và vận hành trong dài hạn; giúp các cơ quan chuyên môn quản lý việc kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường sống cho con người và hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, hệ thống quan trắc còn góp phần nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong xử lý nước thải, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về môi trường.

Ông Trần Xuân Thắng-Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng Khu Kinh tế tỉnh-cho biết: Hiện nay, KCN Trà Đa có 63 dự án được triển khai với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.684,3 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư đã thực hiện 2.830,3 tỷ đồng (đạt 76,8% tổng vốn đầu tư đăng ký).

Trong đó, 46 dự án đã đi vào hoạt động; 9 dự án cơ bản đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa đáp ứng điều kiện đi vào hoạt động sản xuất (có 3 dự án đã báo cáo số liệu sản xuất kinh doanh); 3 dự án đang xây dựng; 1 dự án đang làm thủ tục sau cấp quyết định chủ trương đầu tư và 4 dự án quá hạn điều chỉnh, thông báo quy định chấm dứt hoạt động dự án.

Các nhà đầu tư vào KCN Trà Đa chủ yếu tập trung vào các ngành, nghề có lợi thế về nguồn nguyên liệu của địa phương như: sản xuất đá granite, nông sản, gỗ.

“Hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Trà Đa có công suất thiết kế 2.000 m3/ngày đêm. Đến nay, hệ thống đã tiếp nhận và xử lý 600-650 m3 nước thải/ngày đêm của các doanh nghiệp trong KCN Trà Đa. Các nguồn thải này (đã được xử lý sơ bộ theo yêu cầu của Công ty Phát triển hạ tầng Khu Kinh tế tỉnh đối với từng loại hình sản xuất tại các doanh nghiệp) sau đó được tiếp nhận xử lý đạt loại B theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 40:2011/BTNMT trước khi thải ra môi trường.

Đầu năm 2019, Công ty đã lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động. Hệ thống đã kết nối, truyền dữ liệu trực tiếp về Sở TN-MT để theo dõi, quản lý. Việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động giúp phát hiện nhanh chất lượng nước thải khi không đạt yêu cầu để kịp thời điều chỉnh, vận hành hệ thống xử lý đạt chuẩn đầu ra theo quy định.

Thời gian đến, Công ty sẽ xin phân bổ kinh phí để đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại đây”-ông Thắng thông tin thêm.

Công nhân nhà máy chế biến của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh đang chế biến cao su.

Công nhân nhà máy chế biến của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh đang chế biến cao su.

Từ năm 2023, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh đã triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động. Bà Huỳnh Thị Nga-Phó Tổng Giám đốc Công ty-cho hay: Công ty đang quản lý hơn 14.000 ha cao su trong và ngoài nước; có 2 nhà máy chế biến mủ cao su ở huyện Chư Păh và Ia Grai.

Công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ hồ sinh học. Nước thải ra môi trường đạt cột B, QCVN 01:2015/BTNMT quy chuẩn nước thải sơ chế cao su thiên nhiên. Đồng thời, Công ty đầu tư 1,5 tỷ đồng lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động nước thải.

“Việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động có ý nghĩa quan trọng, vừa tuân thủ quy định của pháp luật, vừa giúp đơn vị có cơ sở báo cáo các dữ liệu, thông số kỹ thuật đã qua xử lý cho ngành chức năng.

Đồng thời, giúp Công ty giám sát chất lượng nước thải, nắm bắt, kiểm tra được những thông số kỹ thuật, sớm phát hiện sự cố, có sự điều chỉnh, kiểm tra lại hệ thống, xử lý phù hợp trước khi xả thải ra bên ngoài nhằm bảo vệ môi trường và minh bạch trách nhiệm với cộng đồng”-bà Nga thông tin thêm.

Trao đổi với P.V, ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở TN-MT-cho biết: Việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động mang lại nhiều lợi ích. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị khẩn trương lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động theo đúng quy định.

Đối với các đơn vị đã lắp đặt thì duy trì vận hành ổn định hệ thống và thường xuyên theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện, cảnh báo đưa ra các biện pháp xử lý, giúp ngăn chặn hoạt động phát thải vượt giới hạn cho phép ra môi trường, góp phần nâng cao chất lượng môi trường.

Có thể bạn quan tâm

Vật liệu xây dựng không nung khó tiêu thụ

Vật liệu xây dựng không nung khó tiêu thụ

(GLO)- Toàn tỉnh hiện có 16 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng không nung với tổng công suất hơn 169 triệu viên/năm, chủ yếu sản xuất gạch block và gạch terrazzo. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất loại vật liệu này đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Nữ Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC xin từ nhiệm

Nữ Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC xin từ nhiệm

Công ty CP Tập đoàn FLC vừa công bố thông tin về việc nhận được đơn xin từ nhiệm của bà Vũ Đặng Hoàng Yến - Phó Chủ tịch thường trực, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT). Cùng đó, ông Ngô Hoàng Anh - thành viên HĐQT Tập đoàn FLC - xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Tạo sức bật mới

Tạo sức bật mới

Diễn đàn Kinh tế TP HCM (HEF) lần thứ 5 năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 27-9 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP HCM".
Thời điểm then chốt

Thời điểm then chốt

Cơn bão số 3 vừa qua gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Báo cáo của các doanh nghiệp (DN) và hiệp hội cho thấy mức độ thiệt hại đối với tài sản và hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều DN là rất nặng nề, ước tính hàng ngàn tỉ đồng.