Hiệu quả công tác kết nghĩa với làng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 2 năm triển khai kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Công an huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã giúp người dân thoát nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.
Những tháng đầu năm 2019, tình hình an ninh nông thôn tại một số làng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đak Pơ diễn biến phức tạp khi xảy ra các vụ người dân bị nghi ngờ là “ma lai”; tà đạo “Hà Mòn” tiềm ẩn nguy cơ phục hồi hoạt động. Bên cạnh đó, tình trạng thanh niên tụ tập đánh nhau gây mất trật tự công cộng diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành chưa thực sự hiệu quả; trình độ nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao; các tập tục lạc hậu trong vùng DTTS chưa được xóa bỏ; xung đột nhỏ giữa các cá nhân dễ bùng phát thành mâu thuẫn giữa các làng với nhau.
Xuất phát từ tình hình trên, Đảng ủy, lãnh đạo Công an huyện Đak Pơ đã chọn các làng trọng điểm phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để kết nghĩa nhằm giúp đỡ các hộ nghèo phát triển kinh tế kết hợp với công tác nắm tình hình, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ở cơ sở. Theo đó, Công an huyện đã kết nghĩa với làng Kuk Đak (xã An Thành). Đồng thời, đơn vị phân công Đội Cảnh sát Điều tra kết nghĩa với làng Jro Dơng; Đội Cảnh sát Giao thông kết nghĩa với làng Kruối Chai và Đội An ninh-Tổng hợp kết nghĩa với làng Kleo Ktu (xã Yang Bắc).
Công an huyện Đak Pơ tặng quà cho người già neo đơn. Ảnh: Lê Anh
Công an huyện Đak Pơ tặng quà cho người già neo đơn. Ảnh: Lê Anh
Từ nguồn kinh phí do cán bộ, chiến sĩ đóng góp, Công an huyện Đak Pơ đã triển khai nhiều biện pháp như hỗ trợ cây giống, con giống và vận động, hướng dẫn người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong trồng trọt, chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Anh Đinh Duy (làng Kuk Đak, xã An Thành) chia sẻ: “Trước đây, điều kiện kinh tế của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng kể từ khi được các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Đak Pơ hỗ trợ xây dựng chuồng trại, giúp kinh phí để mua dê giống, cây giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đời sống gia đình tôi đã ổn định hơn trước rất nhiều…”. Ngoài trường hợp anh Duy, hơn 2 năm qua, Công an huyện còn tổ chức tặng quà, quần áo cho trẻ em, người già neo đơn, hộ nghèo nhân các ngày lễ, Tết; quyên góp và ủng hộ người dân các làng kết nghĩa số tiền hơn 100 triệu đồng để mua cây giống, con giống và giúp hàng trăm ngày công sửa chữa nhà cửa, cải tạo vườn tạp cho 10 hộ nghèo...
Cùng với việc giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Công an huyện Đak Pơ đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và hoạt động của các loại tội phạm. Qua đó, đơn vị đã nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân cũng như mang lại nhiều hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm. Già làng Drung (làng Kuk Đak) cho biết: “Trước đây, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của làng diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là tình trạng thanh-thiếu niên tụ tập uống rượu, gây gổ đánh nhau. Thế nhưng, kể từ khi làng kết nghĩa với Công an huyện, được sự tuyên truyền, vận động và giúp đỡ của các cán bộ, chiến sĩ, tình hình đã ổn định. Người dân trong làng luôn đoàn kết, ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên…”.  
Công an huyện Đak Pơ giúp đỡ người dân xây dựng chuồng trại
Công an huyện Đak Pơ giúp đỡ người dân xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Ảnh: Lê Anh
Trao đổi với P.V, Thượng tá Hoàng Trung Thông-Trưởng Công an huyện Đak Pơ-khẳng định: “Sau 2 năm thực hiện chương trình kết nghĩa, có thể khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, mang ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc, được đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng. Tình hình liên quan đến tà đạo “Hà Mòn” đã ổn định; phạm pháp trên địa bàn, đặc biệt là trong đồng bào DTTS được kiềm chế. Tình trạng mâu thuẫn giữa thanh niên DTTS không còn xảy ra; tai nạn giao thông liên quan đến người DTTS giảm cả 3 tiêu chí. Đặc biệt, thông qua các hoạt động kết nghĩa, đồng bào DTTS hiểu hơn về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường cảnh giác, đấu tranh chống lại mọi âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch; tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bởi vậy, trong thời gian tới, đơn vị sẽ nhân rộng việc kết nghĩa với các làng DTTS”.
LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).