Anh dẫn ra nhiều nguyên nhân, trong đó có thói quen ăn uống, sinh hoạt của mỗi người, rồi bảo: “Vậy nên trước hết, mỗi người hãy là thầy thuốc của chính mình!”.
Theo anh bạn tôi, làm thầy thuốc của chính mình không nhất thiết là phải bỏ công học tập để có đầy đủ bằng cấp hành nghề. Làm thầy thuốc của chính mình cũng không có nghĩa là không cần đến bác sĩ, những người có chuyên môn sâu trong lĩnh vực khám-chữa bệnh.
Làm thầy thuốc của chính mình đơn giản là mỗi người phải luôn ý thức được “sức khỏe là vàng” và thực hành thường xuyên những thói quen lành mạnh mà bản thân có thể làm được trong đời sống hàng ngày. Đồng thời, biết yêu thương, chăm sóc bản thân; quan sát, lắng nghe những biểu hiện, phản ứng bất thường của cơ thể trước những tác động từ bên trong cũng như bên ngoài.
Trước hết, đó là việc thực hiện thói quen ăn uống vệ sinh, điều độ, phù hợp với thể trạng. Bởi ông bà ta đã đúc kết: “Họa từ miệng mà ra, bệnh từ miệng mà vào”. Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng việc ăn uống như là một phương pháp để phòng và chữa bệnh dựa trên triết lý cân bằng âm dương. Bên cạnh đó là thực hiện làm vừa sức, ngủ nghỉ hợp lý, xây dựng và giữ cho môi trường sống luôn được xanh-sạch-đẹp…
Đó còn là việc giữ cho tinh thần, tâm hồn luôn được bình an, vui vẻ; cảm thấy cuộc đời thật hạnh phúc, đáng sống. Muốn vậy mỗi chúng ta cần sống có ước mơ, khát vọng tốt đẹp; làm những điều hữu ích, thiện lành với bản thân cũng như với mọi người; suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, lạc quan trong mọi hoàn cảnh… Chẳng ai đánh thuế nụ cười và lời cảm ơn. Bởi vậy, mỗi người đừng quá tiết kiệm “tài sản” sẵn có mà vô cùng ý nghĩa này.
Muốn có một cơ thể khỏe mạnh, ít bệnh tật, ốm đau, dĩ nhiên chúng ta phải rèn luyện thói quen tập thể dục mỗi ngày. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã từng nói: “Tôi mong rằng đồng bào ai cũng cố gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập”. Những sở thích, thú vui hàng ngày cũng có thể mang lại sức khỏe thể chất và tinh thần cho mỗi người. Tuy nhiên, muốn có được sức khỏe lâu bền thì chúng ta cũng phải biết tìm đến với những sở thích chính đáng, những thú vui lành mạnh.
Thực tế cuộc sống cho thấy, vì hoàn cảnh khách quan mà nhiều người phải làm việc trong môi trường thiếu vệ sinh, lao tâm khổ tứ, không có đủ điều kiện tốt nhất để được ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt… như mong muốn.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người chủ quan, ít quan tâm đến việc giữ gìn sức khỏe bản thân cũng như cho người khác. Có người ăn uống vô độ nhưng lại lười vận động. Có người hay suy nghĩ tiêu cực, luôn thấy mình là kẻ thiệt thòi, bất hạnh, là nạn nhân trong mọi hoàn cảnh. Có người lại phung phí sức lực vào những cuộc vui, trò chơi ảo đến quên ăn quên ngủ…
Ông cha ta vẫn thường nói: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Vì vậy, đừng để khi mắc bệnh rồi mới “vái tứ phương”!