Hạt thóc nghĩa tình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Đến nay, toàn huyện Mang Yang đã có 27 kho với hàng chục tấn thóc sau mỗi vụ gặt.

Chống đói lúc giáp hạt

0them-canh-dong-lua-o-xa-dak-troi-huyen-mang-yang-3671-1312.jpg
Cánh đồng lúa ở xã Đak Trôi (huyện Mang Yang). Ảnh: H.S

Trong nhóm phụ nữ gùi thóc đến cất giữ tại ngôi nhà ở đầu làng theo mô hình kho thóc tình thương làng Chuk (xã Kon Thụp) có chị Nek. Hòa trong tiếng nói cười cùng với chị em, người phụ nữ dân tộc Bahnar có đôi mắt trong trẻo tâm sự: Từ năm 2023 trở về trước, gia đình chị thuộc diện nghèo nhất làng. Cứ đến thời điểm giáp hạt là gia đình lại quay quắt trong nỗi lo thiếu đói. Để đủ gạo nấu cơm cho mấy đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, vợ chồng chị phải đi làm mướn khắp nơi.

Nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, được dăm ba bữa, gạo trong nhà lại hết sạch. Thế là vợ chồng chị lại phải đi vay gạo, mắm muối, cá khô... của các cửa hàng tạp hóa để đắp đổi qua ngày.

“Sau khi thu hoạch, mình mang thóc đi trả người ta mà nước mắt ngắn dài bởi nỗi lo thiếu ăn lúc giáp hạt vụ tới. Đến năm 2021 thì mình không còn nỗi lo ấy nữa. Khi ấy, Chi hội Phụ nữ làng Chuk triển khai mô hình kho thóc tình thương, hũ gạo tình thương nên gia đình mình được hỗ trợ gạo, cho vay thóc không tính lãi.

Không còn vướng bận nỗi lo thiếu cái ăn, vợ chồng mình tập trung lao động sản xuất. Từ đó cuộc sống của gia đình có những chuyển biến tích cực, thoát nghèo bền vững. Nhà hiện có 8 con bò, 2 sào lúa và mới xuống giống 8 sào cà phê. Gia đình mới thu hoạch được ít lúa, mình mang ra góp vào kho. Mai này, chắc ai đó sẽ cần”-chị Nek bộc bạch.

Kể chuyện về triển khai mô hình kho thóc tình thương của làng, chị Nok-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Chuk-hồ hởi chia sẻ: Chi hội triển khai mô hình chậm hơn nơi khác nhưng ai cũng tích cực hưởng ứng. Tính riêng năm 2022, làng có 142 hội viên tự nguyện đóng góp được hơn 3 tấn thóc. Theo quy định, mỗi người đóng 10-15 kg/năm nhưng đa phần các chị đều đóng nhiều hơn.

“Từ tiền bán thóc cộng với những quỹ khác do các chị em hội viên cùng làm ra, chúng tôi triển khai cho vay phát triển kinh tế. Nhờ vậy mà những năm qua, Chi hội giúp nhiều gia đình hội viên thoát cảnh thiếu đói lúc giáp hạt và có 6 hộ hội viên vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, chúng tôi còn có 40 triệu đồng trong sổ tiết kiệm gửi ngân hàng”-chị Nok thổ lộ.

Không chỉ làng Chuk, 3 làng khác ở xã Kon Thụp cũng có kho thóc tình thương. Mỗi năm, 887 hội viên trong xã tham gia đóng 13-14 tấn thóc. Trong đó, làng Ktu dẫn đầu với 2 kho thóc với 6 tấn/năm. Những kho thóc này đảm bảo cho 88 hội viên nghèo không còn nỗi lo thiếu đói lúc giáp hạt.

Ở xã Kon Chiêng, phong trào kho thóc tình thương lan tỏa mạnh mẽ hơn cả. Từ năm 2009 đến nay, hàng chục tấn thóc được hội viên phụ nữ đóng góp vào 8 kho đặt ở các làng. Tính riêng năm 2018, 908/1.152 hội viên các chi hội đóng 14 tấn thóc. Ngoài ra, chị em còn gây quỹ bằng trồng keo, mì được số tiền 150 triệu đồng đang gửi tiết kiệm ở các ngân hàng.

1them-niem-vui-tren-dong-ruong-5131-9154.jpg
Niềm vui trên đồng ruộng. Ảnh: H.S

Bà Đinh Thị Hoài-Chủ tịch Hội LHPN xã Kon Chiêng-thông tin: Quy định chung là đóng 10 kg thóc/người/năm để phục vụ các hoạt động của chi hội. Từ mua nước uống, thực phẩm trong các buổi sinh hoạt văn nghệ, thể thao đến việc hỗ trợ chị em có hoàn cảnh khó khăn mượn không tính lãi lúc giáp hạt, ốm đau. Nhiều hội viên có kinh tế khá giả đóng góp cả tạ thóc sau mỗi vụ thu hoạch.

Ngoài việc cho vay không tính lãi, với số thóc còn dư trong kho mỗi năm, các chi hội sẽ bán rồi mua bò sinh sản tặng hội viên thuộc diện khó khăn. Cứ 2 con bê do bò mẹ đẻ ra, chi hội sẽ lấy 1 con chuyển cho hộ khác nuôi để phát triển kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, các chi hội đã hỗ trợ hội viên 27 con bò và giúp 15 gia đình thoát diện hộ nghèo, cận nghèo. Toàn xã còn 290 hộ hội viên nghèo, các chi hội đang triển khai các hoạt động để giúp họ thoát nghèo.

Hạt thóc nghĩa tình

Mỗi hạt thóc mà những người phụ nữ ở huyện Mang Yang mang tới đóng góp vào kho đều mang nặng tình thương giữa người với người. Chị Toa-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Ktu-thông tin: “Vào dịp lễ, Tết, Chi hội trích tiền quỹ bán lúa đến thăm hỏi gia đình hội viên nghèo, neo đơn, mẹ đơn thân. Nhân dịp đầu năm học mới, chúng tôi cử người mua quần áo, sách vở về tặng gia đình chị em có hoàn cảnh khó khăn.

Khi có hội viên hoặc người nhà ốm đau mà túng thiếu, chúng tôi sẵn sàng bán thóc trong kho để giúp ngay. Đối với gia đình quá khó khăn, Chi hội không lấy lại số tiền đã hỗ trợ. Năm 2023, Chi hội được Hội LHPN tỉnh và huyện Mang Yang tặng bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội. Đây là động lực để chị em tiếp tục cống hiến cho cộng đồng”.

hat-thoc-nghia-tinh-bg-6737-3680.jpg
Hội viên Chi hội Phụ nữ làng Chuk (xã Kon Thụp) mang thóc tới góp vào kho thóc tình thương. Ảnh: H.S

Theo chị H’Nhen-Chủ tịch Hội LHPN xã Kon Thụp: Ngoài mô hình kho thóc tình thương, các chi hội còn triển khai thêm nhiều mô hình gây quỹ khác đạt hiệu quả cao. Thống kê sơ bộ, nguồn quỹ ở các chi hội hiện còn 255 triệu đồng. Đặc biệt, mô hình đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong chị em, nhất là hội viên người dân tộc thiểu số.

“Hiện xã còn 2 chi hội chưa triển khai mô hình này. Do vậy, tới đây, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện. Chúng tôi cũng sẽ khảo sát, vận động các chi hội nâng mức đóng góp thóc để có điều kiện thực hiện thêm nhiều mô hình, hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác Hội”-chị H’Nhen cho biết.

Bà Phạm Thị Bẩy-Chủ tịch Hội LHPN huyện Mang Yang-cho hay: “Toàn huyện hiện có 27 kho thóc ở 8 xã gồm Kon Chiêng, Đăk Trôi, Đê Ar, Kon Thụp, Lơ Pang, Đăk Yă, Hra, Ayun với số tổng lượng thóc đang quản lý là hơn 55 tấn. Nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện kho thóc tình thương. Qua đó đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác Hội và giảm nghèo bền vững ở các chi hội”.

Có thể bạn quan tâm

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

(GLO)- Sáng 29-10, Cục Quản lý thị trường Gia Lai phối hợp với Cơ sở sản xuất nước chấm Tương Việt Hoa Sen Tây Nguyên tổ chức trao mô hình sinh kế và khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-10, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Gia Lai, Hội CTĐ huyện Chư Sê phối hợp với Hội CTĐ cụm thi đua số 1 (trực thuộc Hội CTĐ TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình công tác xã hội nhân đạo, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng và tặng quà cho học sinh khó khăn trên địa bàn huyện Chư Sê.

Chư Pưh tạo động lực giúp người dân thoát nghèo

Chư Pưh tạo động lực giúp người dân thoát nghèo

(GLO)- Từ nguồn vốn của Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025), huyện Chư Pưh đã triển khai các dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo liên kết sản xuất để từng bước vươn lên thoát nghèo.

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.