Hành động vì người cao tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việt Nam được coi là một trong những quốc gia già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo số liệu mà người viết có được, tính đến nay, nước ta đã có trên 8 triệu người cao tuổi (NCT). Riêng Gia Lai có gần 113 ngàn người, chiếm 8,5% dân số. Thực trạng đó nói lên rằng việc quan tâm chăm sóc và phát huy vai trò của NCT của các cấp, các ngành là cần thiết nếu không muốn nói là hết sức quan trọng.
Tháng hành động vì NCT năm nay (tháng 10) có chủ đề: “Chăm sóc và phát huy vai trò NCT”. Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến NCT. Cũng bởi, NCT rất cần được chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể, để giúp họ sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình, cộng đồng; đồng thời phát huy vai trò của NCT trong đời sống xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người Việt Nam vốn có truyền thống “kính lão đắc thọ”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” nên con cháu coi việc nuôi dưỡng, chăm sóc ông bà, cha mẹ là nghĩa vụ, là quyền không thể thay thế và điều ấy đã được luật hóa.
Tuy vậy, nhưng trên thực tế, đâu đó vẫn còn những trường hợp không ít người già cô đơn, con cháu từ chối nuôi dưỡng, chăm sóc, thậm chí bạo hành. Nhà nước và cộng đồng chưa có nhiều những cơ sở thu nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng NCT. Người cao tuổi hay có “tật”-“già sinh tật, đất sinh cỏ” và sống thiên về quá khứ, nhu cầu tụ hợp, chia sẻ tâm tư, tình cảm là có thật, nhưng chưa đáp ứng.
Trong khi đó, gia đình Việt ngày nay đã thay đổi ít nhiều. Nhiều gia đình đã không còn là “nơi của người già”, kết cấu gia đình truyền thống ngày càng lỏng lẻo; đó cũng là khách quan của xã hội ngày càng phát triển theo chiều công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là đô thị hóa, gia đình ở thành thị là kiểu gia đình “hiện đại”, tư duy về... “trẻ cậy cha, già cậy con” trong gia đình dần bị phai nhạt; vấn đề là ngoài gia đình ra, cộng đồng xã hội và chính quyền, đoàn thể các cấp cần có trách nhiệm trong việc chăm lo cho NCT.
Số đông NCT ngày nay (tính từ tuổi 60) là người về hưu, tuy hết tuổi công tác, nhưng sức khỏe vẫn tốt, tinh thần, trí tuệ còn minh mẫn, uy tín trong cộng đồng còn cao, đó là “tiềm năng” quý, nếu biết “khai thác” thì rất có ích cho công việc ở địa phương, cơ sở.
Lễ mừng thọ người cao tuổi ở thôn Mỹ Thạch 2 (thị trấn Chư Sê). Ảnh: Hoàng Cư
Lễ mừng thọ người cao tuổi ở thôn Mỹ Thạch 2 (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê). Ảnh: Hoàng Cư
Trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người cao tuổi là già làng, là trụ cột, nơi tin cậy của cộng đồng, của gia đình. Chúng tôi được biết, nhiều NCT trong cộng đồng làng, xã, dòng họ còn sức khỏe, luôn tham gia cùng con cháu trong lao động sản xuất, chăm sóc cháu thay cho con khi cần và tích cực tham gia công việc của làng, của đoàn thể; sống thanh bạch, vui vẻ, công tâm phân xử trong những việc công cũng như tham gia vận động và đóng góp công của góp phần xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng làng, xã nông thôn mới.
Ở Gia Lai, NCT vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất tích cực trong việc vận động, giáo dục con cháu trong gia đình, dòng họ và mọi người không nghe, không theo kẻ xấu tuyên truyền, chống phá chính quyền. Những NCT nguyên là cán bộ, đảng viên luôn là tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, tin vào Đảng, vào cách mạng, vào chế độ mới do Đảng lãnh đạo. Họ xứng đáng là tấm gương sáng để con cháu noi theo, xứng đáng với danh hiệu là “tuổi cao gương sáng!”.   
Vai trò của NCT như đã nói trên, thiết nghĩ các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp cần nhận thức đúng đắn, coi việc chăm lo cho NCT là một trong những nhiệm vụ phải được quan tâm đúng mức. Có những chính sách phù hợp, tạo điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần, động viên, cổ vũ, phát huy tốt vai trò của NCT trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhất là, tạo điều kiện để NCT sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội; biến khẩu hiệu: “Chăm sóc và phát huy vai trò của NCT” thành hiện thực sinh động trong cuộc sống, chứ không chỉ là trong “Tháng hành động”-tháng 10!
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.