Giáo dục thể chất cần một "cú hích"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giáo dục thể chất (GDTC) trong trường học có vai trò rất quan trọng trong việc giúp học sinh phát triển toàn diện cả về đức-trí-thể-mỹ. Tuy nhiên, những năm qua, công tác GDTC và hoạt động thể thao tại các cơ sở giáo dục vẫn còn gặp nhiều khó khăn và rất cần một “cú hích” để phát triển xứng tầm.
Nỗ lực tạo chuyển biến
Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) là một trong những đơn vị đi đầu của ngành Giáo dục tỉnh về hoạt động thể thao trường học. Kể từ khi thành lập (năm 2006) đến nay, trường được quan tâm đầu tư nhiều hạng mục, trang-thiết bị, dụng cụ… để phát triển môn học GDTC và hoạt động thể thao học đường như: sân vận động điền kinh rộng 2,2 ha; sân bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá với diện tích khoảng 600-800 m2; nhà đa năng có diện tích 520 m2… và đang quy hoạch khu vực để chuẩn bị bố trí 1 bể bơi thông minh.
Theo thầy Nguyễn Trường Phong-Tổ trưởng Tổ Thể dục-Giáo dục quốc phòng, nhà trường hiện có 4 giáo viên GDTC, phụ trách giảng dạy 40 lớp với 1.850 học sinh. Ngoài thực hiện đảm bảo chương trình 2 tiết chính khóa/lớp/tuần, nhà trường còn chú trọng những hoạt động thể thao theo sở thích của học sinh dưới hình thức các câu lạc bộ. Hiện nay, trường đã ra mắt 11 câu lạc bộ và duy trì hoạt động khá hiệu quả, gồm: bóng đá, bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, cà kheo, võ thuật (Vovinam, Karatedo, Taekwondo) và Lân-Sư-Rồng, thu hút 800-1.000 học sinh khối tham gia. “Khi trải nghiệm đa dạng các hoạt động GDTC phù hợp với năng khiếu và sở thích, đa phần học sinh đều rất phấn khởi. Chất lượng giáo dục ở bộ môn này nhờ đó cũng được nâng lên. Không chỉ vậy, các em còn tích cực tham gia các phong trào, giải đấu thể dục-thể thao do các cấp tổ chức và mang về cho trường, địa phương nhiều thành tích cao. Một số học sinh của trường cũng đã được triệu tập, trở thành vận động viên chuyên nghiệp trong đội tuyển thể thao của tỉnh và quốc gia”-thầy Phong thông tin thêm.
Các thành viên Câu lạc bộ Bắn nỏ của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) trong giờ tập luyện. Ảnh: Mộc Trà
Các thành viên Câu lạc bộ Bắn nỏ của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) trong giờ tập luyện. Ảnh: Mộc Trà
Em Puih Quang (lớp 12A11) vui vẻ chia sẻ: “Em rất thích các tiết học GDTC vì nó không chỉ giúp em tăng cường sức khỏe, phát triển kỹ năng toàn diện mà còn có thể giải tỏa căng thẳng sau các giờ học văn hóa. Đặc biệt, từ khi tham gia Câu lạc bộ Bắn nỏ, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, em đã dần khám phá được khả năng của bản thân. Thành tích vô địch môn bắn nỏ cự ly 20 m tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc mà em vừa đạt được chính là minh chứng rõ nét nhất cho điều ấy”.
Những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, gắn GDTC, hoạt động thể thao trường học với giáo dục ý chí, đạo đức, giáo dục quốc phòng, giáo dục sức khỏe và kỹ năng sống của học sinh; phát huy năng lực đội ngũ giáo viên GDTC hiện có, mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương và cơ sở giáo dục cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ dạy và học môn GDTC. Riêng năm học 2022-2023, để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10, Sở GD-ĐT đã trang bị và phân bổ 48 bộ thiết bị dạy học tối thiểu cho 48 đơn vị trực thuộc. Trong đó, các thiết bị được cấp cho môn GDTC gồm: đồng hồ bấm giây, còi, thước dây, cờ lệnh thể thao, biển lật số, nấm thể thao, ống bơm, dây nhảy cá nhân, dây nhảy tập thể dục, bóng nhồi, dây kéo co và các thiết bị khác theo bộ môn thể thao tự chọn của các cơ sở giáo dục.
Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) là một trong những đơn vị đi đầu của ngành Giáo dục tỉnh về hoạt động giảng dạy GDTC. Ảnh: Mộc Trà
Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) là một trong những đơn vị đi đầu của ngành Giáo dục tỉnh về hoạt động giảng dạy GDTC. Ảnh: Mộc Trà
“Nhìn chung, công tác GDTC, hoạt động thể thao trường học ngày càng được chú trọng và phát triển. Các cơ sở giáo dục đảm bảo việc dạy và học môn GDTC. Phong trào hoạt động thể thao trường học ngày càng phổ biến và chất lượng gắn với các câu lạc bộ thể thao, giúp học sinh có môi trường để rèn luyện thể chất và phát triển tài năng. Ngoài ra, việc rèn luyện thể dục giữa giờ vẫn được các trường duy trì, phát huy và có nhiều sáng tạo để tăng sự hứng thú của học sinh”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Khoa Nghi đánh giá.
Cần “cú hích” để phát triển
Nằm ở xã vùng khó Hà Đông (huyện Đak Đoa) với diện tích khá khiêm tốn, do đó, vấn đề thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bố trí sân chơi, bãi tập… phục vụ hoạt động thể thao vẫn luôn là “nút thắt” khó gỡ của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trần Kiên. Phó Hiệu trưởng phụ trách Nguyễn Lê Minh Cẩm thông tin: Vì không có nhà đa năng, bãi tập nên môn GDTC được bố trí dạy lồng ghép với các môn văn hóa trong cùng một buổi. Theo chương trình, mỗi lớp học 2 tiết/tuần, tránh thời gian cuối buổi sáng và đầu buổi chiều để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Tuy nhiên, do học ngoài trời nên vào mùa mưa, việc dạy và học môn GDTC, các hoạt động thể thao thường xuyên bị gián đoạn. Hơn nữa, với khuôn viên hẹp, khi lớp này học GDTC cũng sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng giờ học văn hóa của các lớp khác bởi tiếng ồn.
“Nhà trường đã nhiều lần nêu khó khăn nhưng xã chưa thể giải quyết vì hiện nay quỹ đất dự phòng của địa phương còn khá ít, phải ưu tiên cho các hạng mục khác. Vừa qua, trong số thiết bị dạy học GDTC lớp 6 và 7 vừa cấp về có 1 bộ khung thành cho sân bóng đá nhưng nhà trường lại không có chỗ để bố trí. Mỗi khi tổ chức giải bóng đá học sinh, chúng tôi phải mượn sân vận động của xã để thi đấu”-thầy Cẩm nêu thực trạng.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trần Kiên (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa) gặp khó vì thiếu quỹ đất để bố trí sân chơi, bãi tập... phục vụ công tác giảng dạy và hoạt động GDTC. Ảnh: Mộc Trà
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trần Kiên (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa) gặp khó vì thiếu quỹ đất để bố trí sân chơi, bãi tập... phục vụ công tác giảng dạy và hoạt động GDTC. Ảnh: Mộc Trà
Còn tại Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa), do không có giáo viên GDTC nên nhiều năm liền, giáo viên văn hóa phải kiêm nhiệm việc giảng dạy môn này. Đến tháng 7-2021, trường được bổ sung 1 biên chế giáo viên GDTC. Hiệu trưởng Lê Công Tấn cho hay: “Dẫu biết rõ là thiệt thòi cho học sinh nhưng trường không thể gỡ khó. Thay vào đó, chúng tôi cố gắng đầu tư sân chơi, bãi tập và thường xuyên tổ chức các giải bóng đá mi ni, bóng chuyền truyền thống… để các em có cơ hội vui chơi, rèn luyện sức khỏe và thêm yêu trường, mến lớp. Từ khi có giáo viên bộ môn đến nay, hoạt động dạy học GDTC ở bậc THCS nói riêng, toàn trường nói chung đang từng bước được củng cố và nâng cao chất lượng”.
Toàn ngành Giáo dục tỉnh có 813 giáo viên môn GDTC (bậc tiểu học 305 người, bậc THCS có 357 người, bậc THPT là 151 người) và hiện chỉ có 23/210 trường tiểu học, 85/234 trường THCS, 38/51 trường THPT có nhà đa năng để phục vụ giảng dạy môn GDTC và các hoạt động giáo dục khác.
Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận: Mặc dù có vai trò rất lớn trong việc giáo dục toàn diện học sinh nhưng tại một số cơ sở giáo dục, môn GDTC vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Điều này khiến việc dạy và học GDTC nói riêng, các hoạt động GDTC nói chung còn gặp không ít khó khăn. Nhiều cơ sở giáo dục chưa đảm bảo cơ sở vật chất, nhà đa năng, sân chơi, bãi tập, trang-thiết bị, đồ chơi vận động… phục vụ cho công tác dạy học môn GDTC và phát triển phong trào thể thao trường học, nhất là các trường có quỹ đất hạn chế. Thêm nữa, các tiết học môn GDTC vẫn còn xen kẽ với các tiết học văn hóa khác gây ảnh hưởng tới việc học của học sinh, nhất là ở các trường tiểu học. Đa số phụ huynh, giáo viên và học sinh đều coi môn GDTC là “môn phụ”, làm giảm hiệu quả cũng như vai trò của GDTC trong nhà trường. Việc triển khai dạy học GDTC-môn học bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng gặp không ít khó khăn ở nhiều phương diện.
Để tiến tới xóa bỏ định kiến GDTC chỉ là “môn phụ”, theo bà Nghi, ngoài công tác tuyên truyền thì cần phải có đội ngũ giáo viên đủ trình độ, năng lực chuyên môn. Vì vậy, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục quan tâm công tác tập huấn và bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên GDTC; xây dựng kế hoạch phát triển cơ sở vật chất phục vụ công tác GDTC và thể thao trường học; từng bước số hóa trong công tác GDTC theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và đôn đốc các cơ sở giáo dục sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và trang-thiết bị trong dạy học GDTC và đổi mới, sáng tạo trong thực hiện thể dục giữa giờ cũng như đẩy mạnh việc tổ chức các câu lạc bộ, phong trào thể thao trường học. 
“Riêng đối với môn GDTC theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở chỉ đạo các trường căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, định hướng cho học sinh lựa chọn một môn thể thao phù hợp để học tập. Ngành Giáo dục cũng sẽ tổ chức đa dạng các giải thi đấu thể thao trong tỉnh và tạo điều kiện cho học sinh tham gia giải đấu thể thao các cấp nhằm kích thích sự phát triển công tác GDTC và hoạt động thể thao học đường”-bà Nghi cho biết thêm.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Cậu bé nghèo trở thành nhà vô địch ASEAN Cup 2024

Cậu bé nghèo trở thành nhà vô địch ASEAN Cup 2024

(GLO)- Châu Ngọc Quang cùng đội tuyển Việt Nam vừa lên ngôi vô địch tại ASEAN Cup 2024. Với tiền vệ của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), thành tích trên là trái ngọt sau những nỗ lực không ngừng của một cậu bé lớn lên từ vùng quê nghèo khó.

Đội tuyển Việt Nam và vận hội mới

Đội tuyển Việt Nam và vận hội mới

Chức vô địch AFF Cup 2024 không chỉ giúp hàng chục triệu người hâm mộ VN có được niềm vui sau nhiều năm bóng đá VN 'khát' danh hiệu, mà còn là bước khởi đầu mới đầy thuận lợi cho thầy trò HLV Kim Sang-sik hướng đến những mục tiêu quan trọng trong tương lai.