Giải ngân kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngay sau khi được giao vốn, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các phòng giao dịch khẩn trương giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay, toàn tỉnh có gần 3.000 lượt hộ dân được vay vốn, đạt 82,7% kế hoạch vốn giao trong năm 2022.

Với tinh thần khẩn trương đưa Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hệ thống Ngân hàng CSXH tại Gia Lai đã chủ động đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng, giúp đối tượng thụ hưởng hấp thụ nhanh nguồn vốn một cách kịp thời, đầy đủ.

Bám sát sự chỉ đạo của Ngân hàng CSXH Việt Nam, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê đã tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo các phòng ban, hội, đoàn thể nhận ủy thác và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách cho vay ưu đãi để người dân nắm bắt, đăng ký nhu cầu vốn. Đồng thời, tổ chức họp bình xét cho vay công khai, dân chủ, đúng đối tượng, ưu tiên nguồn vốn cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 quay về địa phương sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

  Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh triển khai nhanh và kịp thời các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ giúp người dân được thụ hưởng.  Ảnh: Sơn Ca
Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh triển khai nhanh và kịp thời các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ giúp người dân được thụ hưởng. Ảnh: Sơn Ca


Ông Kpuih Vẽ (làng Glan-Ngo Se, thị trấn Chư Sê) cho hay: “Vợ chồng tôi có 4 con nhỏ. Thu nhập chính của gia đình từ làm lúa, trồng cà phê. Mấy năm qua, nhờ nguồn vốn Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ mà tôi có điều kiện đầu tư cho vườn cà phê 400 cây. Mới đây, tôi tiếp tục được Ngân hàng cho vay 50 triệu đồng để mở rộng thêm 5 sào cà phê và có thêm vốn để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”.

Còn ông Vũ Văn Dũng (tổ dân phố 9, thị trấn Chư Sê) thì cho biết: “Vợ chồng tôi là công chức, viên chức nên rất mong muốn có chỗ ở ổn định để yên tâm công tác. Tôi dự trù xây căn nhà cấp IV khoảng 750 triệu đồng. Trước khi xây nhà, tôi cũng đã tìm hiểu và được biết Ngân hàng CSXH huyện có cho vay nhà ở xã hội với lãi suất chưa tới 5%/năm, thời gian cho vay tối đa 25 năm. Vì vậy, tôi đã đăng ký vay hơn 400 triệu đồng. Tôi thấy chương trình cho vay nhà ở xã hội rất thiết thực, hỗ trợ người dân có điều kiện để an cư lập nghiệp”.

Tương tự, tại thị xã An Khê, các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11 đã được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã tích cực triển khai ngay sau khi được phân bổ nguồn vốn cho 4 chương trình: cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; cho vay nhà ở xã hội; cho vay giải quyết việc làm; cho vay cơ sở mầm non tư thục. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hà (tổ 1, phường An Bình, thị xã An Khê) phấn khởi cho biết: “Trong thời gian dịch bệnh, nhà tôi không có máy tính nên 2 con phải học trực tuyến bằng điện thoại. Có nhiều buổi máy hết pin, phải vừa sạc vừa học. Vừa qua, khi nhà trường thông báo về chương trình này, tôi liền đăng ký ngay. Tôi được vay 10 triệu đồng để mua máy tính, trước mắt là ưu tiên cho con lớn đang học lớp 6”.

Thông tin thêm về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11, ông Nguyễn Đình Lý-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê-cho biết: “Sau khi được giao vốn, chúng tôi phối hợp với các hội đoàn thể, UBND các xã tập trung giải ngân nhanh đến các đối tượng thụ hưởng. Đến nay, đơn vị đã giải ngân gần 90 tỷ đồng với 2.593 lượt hộ vay. Riêng các chương trình cho vay hỗ tạo việc làm có doanh số gần 13 tỷ đồng, tạo việc làm cho 371 lượt lao động tại địa phương”.

Tương tự, bà Trần Thị Thủy Tiên-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã An Khê-thông tin: “Chúng tôi đã nỗ lực triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế. Phòng Giao dịch được phân bổ vốn hơn 17 tỷ đồng cho 4 chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11. Đến nay, chúng tôi đã giải ngân được hơn 14,4 tỷ đồng. Số vốn còn lại thuộc chương trình cho vay nhà ở xã hội cho 5 hộ gia đình đang làm hồ sơ, dự kiến trong tháng 7 sẽ được giải ngân hết”.

Ngay sau khi được trung ương phân bổ nguồn vốn cho từng chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11, bắt đầu từ ngày 27-4-2022, Ngân hàng CSXH tỉnh đồng loạt tổ chức giải ngân cho các món vay đầu tiên. Tính đến ngày 21-6, Chi nhánh đã giải ngân cho vay đối với các chương trình theo Nghị quyết số 11 số tiền hơn 145 tỷ đồng với 2.987 lượt hộ vay vốn, đạt 82,7% kế hoạch giao. Cụ thể, chương trình cho vay giải quyết việc làm hơn 115 tỷ đồng với 2.481 lượt lao động vay vốn. Chương trình cho vay nhà ở xã hội đạt hơn 25 tỷ đồng với 91 lượt hộ vay. Chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính và các thiết bị phục vụ học trực tuyến là 3,98 tỷ đồng với 398 hộ vay. Chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non tư thục, tiểu học ngoài công lập là 1,42 tỷ đồng với 17 khách hàng vay vốn.

Đánh giá sơ bộ về kết quả sau gần 2 tháng quyết liệt triển khai các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11, ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh-cho rằng: “Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan thực hiện rà soát các đối tượng thụ hưởng, xác định nhu cầu vốn để tổng hợp báo cáo trung ương. Đồng thời, chỉ đạo các phòng giao dịch chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức giải ngân ngay sau khi được phân bổ vốn theo các đợt. Việc triển khai các chương trình được thực hiện rất nhanh chóng, quyết liệt, đảm bảo đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót hoặc trục lợi chính sách. Bước đầu, chính sách hỗ trợ đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân”.

Cũng theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh, đến ngày 30-6, tỷ lệ giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 sẽ đạt 90% kế hoạch vốn và đến đầu tháng 7-2022, giải ngân đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn.

 

 SƠN CA

 

Có thể bạn quan tâm

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.