Tuy lượng giao dịch giảm trong dịp Tết Nguyên đán tại các nước Đông Á, song giá dầu vẫn tiếp đà tăng nhẹ, lên mức cao trong 7 tuần.
Kết thúc phiên giao dịch khuya 23.1, giá dầu Brent tăng 56 cent lên 88,19 USD. Đáng lưu ý, trong phiên có thời điểm giá đạt mức cao nhất trong gần 2 tháng qua, lên 89,09 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ giảm nhẹ 2 cent về 81,62 USD, đầu phiên, có thời điểm dầu lên 82,64 USD.
Dầu thô Brent chuẩn toàn cầu đã quay trở lại mốc 88 USD/thùng. Ảnh: REUTERS |
Theo các nhà phân tích, nhà đầu tư kịp chốt lời ngay phiên đầu tuần nhờ triển vọng lạc quan về khả năng phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc. Thị trường tiếp tục duy trì vị thế mua trong trường hợp tăng trưởng của quốc gia này phục hồi. Các nhà phân tích hàng hóa của ANZ cho biết, dữ liệu hoạt động đi lại ở Trung Quốc tăng mạnh sau khi các biện pháp kiềm chế Covid-19 được nới lỏng. Đồng thời chỉ ra rằng, tình trạng tắc nghẽn giao thông đường bộ ở 15 thành phố lớn của nước này trong tháng đầu năm 2023 đã tăng 22% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Trên Reuters, các nhà phân tích cũng cho rằng, tuy tình hình Covid-19 tại thị trường đông dân nhất thế giới có vẻ phức tạp trở lại sau khi mở cửa, đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng các dấu hiệu ban đầu cho thấy hoạt động kinh tế đã gia tăng, nghĩa là nền kinh tế có thể hoạt động tốt hơn. Nhà phân tích Craig Erlam của sàn Oanda dự báo, giá dầu Brent sẽ quay trở lại ngưỡng 90 - 100 USD/thùng khi thị trường dầu mỏ thắt chặt.
Trong nước, liên Bộ Công thương - Tài chính sẽ có kỳ điều chỉnh giá vào ngày 1.2 tới, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Các dữ liệu đến lúc này cho thấy, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành tới có thể sẽ tăng. Ngày 24.1, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cụ thể như sau: xăng E5 RON92 không quá 21.352 đồng/lít; xăng RON95 không quá 22.155 đồng/lít; dầu diesel không quá 22.634 đồng/lít; dầu hỏa không quá 21.809 đồng/lít và dầu mazut không quá 13.633 đồng/kg.
Theo Nguyên Nga (TNO)