Giá trị di sản Hồ Xuân Hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hội thảo quốc tế Hồ Xuân Hương, danh nhân văn hóa và giá trị di sản được tổ chức tại Nghệ An ngày 3.12 đã từng bước giải mã những bí ẩn về thi ca và cuộc đời của nữ sĩ vừa được UNESCO vinh danh.
Tầm vóc một thi hào
Hơn 200 năm qua, Hồ Xuân Hương được biết đến là một tài năng văn học gắn với nhiều bí ẩn thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Các tác phẩm của “bà chúa thơ Nôm” đã được giới nghiên cứu nhiều nước công nhận và dịch sang 12 thứ tiếng.
Ngày 23.11.2021, UNESCO ra nghị quyết thống nhất vinh danh và cùng tham gia kỷ niệm năm sinh của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Đến nay, trong 6 nhân tài đất Việt được UNESCO vinh danh (Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu), duy nhất có Hồ Xuân Hương là nữ.
 
Tượng Hồ Xuân Hương tại xã Quỳnh Đôi, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An - quê hương của bà. Ảnh: K.HOAN
Tượng Hồ Xuân Hương tại xã Quỳnh Đôi, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An - quê hương của bà. Ảnh: K.HOAN
Theo PGS-TS Biện Minh Điền (Trường ĐH Vinh), đã có rất nhiều người tìm kiếm, giải mã Hồ Xuân Hương và càng tìm lại càng... muốn tìm tiếp, bởi Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa đặc biệt, mang tầm vóc một thi hào. Tiếng Việt, đặc biệt qua thơ Hồ Xuân Hương, là một thứ ngôn ngữ nghệ thuật đa nghĩa, nhiều hàm ý, quá sắc sảo, độc đáo và tài hoa, đầy thách thức đối với các văn nhân đương đại khi chuyển ngữ, dịch thơ bà sang tiếng nước mình. Cũng theo PGS Biện Minh Điền, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, một số học giả người Nga khi dịch, biên soạn và chú giải thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Nga đã nhận thấy Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa.
Đánh giá về Hồ Xuân Hương, GS John Balaban (Đại học North Carolina State, Mỹ) nhận định: “Bà viết về cả những điều mà các nhà thơ khác không dám làm. Thơ Hồ Xuân Hương độc đáo, hiếm có, mang đậm bản sắc VN, có sức lan truyền rộng rãi trên thế giới. Bà là một nhà thơ đẳng cấp thế giới. Thơ của bà có thể làm lay động chúng ta ngày hôm nay cũng như đã làm lay động người Việt hơn 200 năm trước đây”.
Hồ Xuân Hương là người cùng thời đại chúng ta. Nữ sĩ là người tân tiến và cuộc đấu tranh của bà cũng là của chúng ta.
Nhà thơ Jean Ristat (Pháp)
Tương tự, nhà văn Lady Borton, Trưởng đại diện Ủy ban Những người bạn Mỹ ở VN, đánh giá Hồ Xuân Hương là một hiện tượng khác thường nhưng bà không đơn độc. Bà là một bậc thầy thông thạo cả chữ Hán lẫn chữ Nôm.
Năm 1964, nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại phát hiện tập thơ chép tay có tên là Lưu hương ký của Hồ Xuân Hương, gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ chữ Nôm, lời tựa do Tốn Phong viết, được TS Hồ Bất Khuất (Trường ĐH Vinh) đánh giá “là một sự kiện gây chấn động tích cực”. Tiến sĩ Hồ Bất Khuất nhận định: “Có thể nói, Tốn Phong là người đầu tiên giới thiệu về thơ Hồ Xuân Hương. Bản gốc Lưu hương ký quý hơn vàng. Nó khẳng định nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã sống, đã yêu, đã cho ra đời những tuyệt phẩm văn chương”.
Cũng theo TS Hồ Bất Khuất, người giữ bản gốc Lưu hương ký lâu nhất là ông Đào Thái Tôn (khoảng 40 năm trước khi trao lại cho thư viện). Ông nghiên cứu kỹ và làm luận án tiến sĩ với đề tài nghiên cứu văn bản Lưu hương ký của Hồ Xuân Hương, bảo vệ thành công vào tháng 7.1992.
“Tác phẩm của Hồ Xuân Hương được đưa vào sách giáo khoa chương trình phổ thông trước khi phát hiện ra Lưu hương ký. Điều này chứng tỏ những bài thơ Nôm được lưu truyền trong nhân dân đã chinh phục được công chúng, chinh phục được những chuyên gia trong lĩnh vực văn học, giáo dục”, TS Hồ Bất Khuất đánh giá.
 
Các nhà nghiên cứu quốc tế tại hội thảo về Hồ Xuân Hương
Các nhà nghiên cứu quốc tế tại hội thảo về Hồ Xuân Hương.
Bảo vệ quyền nữ giới
GS Hà Minh Đức nhận định: “Hồ Xuân Hương là nhà thơ kiên quyết đổi mới. Phạm vi hoạt động chủ yếu của bà là ở lĩnh vực tinh thần. Bà phê phán tư tưởng độc quyền và đấu tranh cho quyền dân chủ, điều mà TS Niculin (Nga) cho rằng bà là người có tư tưởng dân chủ nhất thời đó. Bà đặc biệt quan tâm đến đạo lý, đạo đức xã hội và phê phán tình trạng vô đạo đức của bọn ngụy quân tử. Hồ Xuân Hương đấu tranh cho quyền sống và hạnh phúc của người phụ nữ”. Nhà thơ Jean Ristat (Pháp) cho rằng: Hồ Xuân Hương là người cùng thời đại chúng ta. Nữ sĩ là người tân tiến và cuộc đấu tranh của bà cũng là của chúng ta.
Đánh giá về tư tưởng đấu tranh của Hồ Xuân Hương qua thơ ca của bà, TS Triệu Văn Thịnh (Trường ĐH Tây Nguyên) khẳng định: “Thơ Hồ Xuân Hương ẩn chứa nhiều vấn đề sâu sắc, phức tạp, nhiều đột phá và rất mới mẻ; vừa đậm chất phong tình vừa mang tinh thần phản kháng mạnh mẽ, chống lại những gì phản tự nhiên; luôn bênh vực và ca ngợi đời sống bản năng của con người, không phân biệt vua chúa, hiền nhân quân tử hay bố cu, mẹ hĩm; luôn thể hiện khát vọng mãnh liệt về tự do và hạnh phúc”.
TS Phạm Văn Luân (Bến Tre) đánh giá: “Những thông điệp của Hồ Xuân Hương đã thể hiện sinh động khát vọng của con người về hạnh phúc, về tình yêu, công lý theo lẽ tạo hóa, thuận thiên đúng với tinh thần nhân bản, nhân văn mang tính phổ quát của loài người”.
Một con người có thật
Nhà báo Nghiêm Thị Hằng (Hội Nhà báo VN) cho rằng từ các tư liệu thu thập được đã khẳng định Hồ Xuân Hương là con người thật, có quê hương và gia tộc rõ ràng, không phải là huyền thoại.
Theo gia phả họ Hồ, cha của Hồ Xuân Hương là cụ đồ Hồ Phi Diễn (1703 - 1786), không phải cụ Hồ Sĩ Danh (1706 - 1783) như một số tư liệu nhận định.
TS Hồ Bất Khuất (Trường ĐH Vinh) cũng khẳng định căn cứ cuốn Hồ Tông thế phả, Hồ Xuân Hương là nhân vật có thật và bà đã để lại di sản thơ như lâu nay nhiều người đã đọc, nghiên cứu. Họ tên thực của bà là Hồ Phi Mai, hiệu là Xuân Hương, tự là Cổ Nguyệt Đường. Bà sinh năm 1772 và mất năm 1822.
Theo Khánh Hoan (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.