Gia tăng tình trạng phá rừng làm nương rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai tăng cường nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ nhưng tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy vẫn diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng.

Xã Hbông (huyện Chư Sê) được xem là một trong những điểm “nóng” về nạn phá rừng làm nương rẫy trong những năm qua. Mới đây, vào ngày 7-7, qua tuần tra rừng tại khu vực Cheng Leng (giáp với xã Pờ Tó, huyện Ia Pa), lực lượng chức năng huyện Chư Sê đã phát hiện tại tiểu khu 1064 thuộc lâm phần quản lý của UBND xã Hbông có một diện tích rừng bị san ủi phẳng, chỉ còn sót lại một ít cành nhánh, gốc cây nhỏ. Qua kiểm tra, đo đếm tại hiện trường, có hơn 3 ha rừng rụng lá phục hồi và hơn 1 ha đất trống có cây gỗ tái sinh bị cày trắng hoàn toàn. Thời điểm diện tích rừng bị phá được xác định vào khoảng cuối tháng 6-2022. Vụ việc hiện đang được Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê phối hợp với các cơ quan chức năng củng cố hồ sơ để khởi tố theo quy định của pháp luật.

 Hiện trường hơn 4,1 ha rừng bị phá tại xã Hbông, huyện Chư Sê. Ảnh: Hạ Vy
Hiện trường hơn 4,1 ha rừng bị phá tại xã Hbông, huyện Chư Sê. Ảnh: Hạ Vy


Trước đó, vào tháng 9-2021, cơ quan chức năng huyện Chư Sê phát hiện tại tiểu khu 1065 thuộc lâm phần rừng phòng hộ do xã Hbông quản lý có 34 ha rừng bị san ủi. Trong đó, trên diện tích 23 ha, có người tự ý trồng hơn 36.800 cây bạch đàn; 11,5 ha còn lại đã bị ủi trắng, cơ quan chức năng phát hiện có 200 cây rừng bị cưa chặt, vứt bỏ ở bìa suối.

Liên tục để xảy ra các vụ phá rừng trên địa bàn, ông Phạm Hữu Viên-Chủ tịch UBND xã Hbông-cho biết: Hiện nay, xã quản lý hơn 3.800 ha rừng. Tuy nhiên, diện tích rừng do xã quản lý đường sá đi lại rất khó khăn, muốn đi tuần tra, kiểm soát phải vòng xuống huyện Phú Thiện mới có đường lên. Ngoài ra, xã không có lực lượng chuyên trách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mà chủ yếu là kiêm nhiệm; trang-thiết bị, kinh phí hỗ trợ các lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát còn gặp khó khăn. Còn ông Thái Thượng Hải-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê thì cho rằng: “Hạt Kiểm lâm huyện đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra, truy tìm đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, qua điều tra thực tế, đối tượng thực hiện hành vi phá rừng làm nương rẫy không phải là người địa phương mà từ nơi khác đến nên việc xác định gặp không ít khó khăn”.

Qua tìm hiểu, hầu hết đối tượng phá rừng làm nương rẫy bị phát hiện đều có hoàn cảnh khó khăn, công việc không ổn định, ý thức chấp hành pháp luật còn nhiều hạn chế nên có hành vi phá rừng để lấy đất sản xuất. Điển hình như trường hợp đối tượng Yưt (SN 1972) và Tuy (SN 1987, cùng trú tại làng Kon Trang, xã Hà Tây, huyện Chư Păh) bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Chư Păh khởi tố về hành vi hủy hoại rừng. Theo đó, cuối tháng 3-2022, Yưt và Tuy đã vào lô 9, khoảnh 1, tiểu khu 185, loại rừng phòng hộ, thuộc lâm phần do UBND xã Hà Tây quản lý phá 2,267 ha rừng để làm rẫy. Tháng 5-2022, trong khi tuần tra, bảo vệ rừng, tổ công tác liên ngành của xã Hà Tây phát hiện vụ việc nên báo cáo Hạt Kiểm lâm huyện để phối hợp cùng các lực lượng chức năng điều tra làm rõ. Qua kiểm tra, toàn bộ cây rừng trên diện tích này đã bị chặt hạ hoàn toàn, cây gỗ còn nguyên tại hiện trường, đường kính gốc chặt 10-30 cm. Tại Cơ quan Điều tra, 2 đối tượng đã khai nhận do gia đình đông người, cuộc sống khó khăn nên khi thấy có đất trống, số lượng cây ít đã cưa hạ để lấy đất sản xuất.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 35 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích hơn 23,5 ha, tăng 12 vụ, tăng hơn 13,6 ha so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết các vụ phá rừng làm nương rẫy chủ yếu xảy ra trên lâm phần các UBND xã quản lý. Lực lượng chức năng đã ra quyết định khởi tố 10 vụ và đang tiếp tục điều tra làm rõ các vụ việc khác.

Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, ngoài việc nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sống ở gần rừng thì cần đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ việc làm ổn định, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để từng bước nâng cao đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, triển khai các kế hoạch giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhằm mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

 

HẠ VY

 

Có thể bạn quan tâm