Gia tăng rối loạn sức khỏe tâm thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10-10) năm nay có chủ đề: “Sức khỏe tâm thần là quyền của mỗi người”. Tại Gia Lai, nhiều năm qua, vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần đã được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, từ khi đi vào hoạt động, Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn.

Bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh-Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh-thông tin: Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực đã làm gia tăng rối loạn sức khỏe tâm thần; tỷ lệ người trẻ mắc rối loạn tâm thần ngày càng phổ biến. Rối loạn tâm thần có các dạng như: tâm thần phân liệt, rối loạn phân liệt cảm xúc, rối loạn tâm thần do sử dụng các chất kích thích gây ảo giác (nhiều nhất ở giới trẻ), rối loạn tâm thần do sử dụng rượu, lo âu, mất ngủ, trầm cảm… có chiều hướng gia tăng.

Một trong những vấn đề đang gây nhiều lo lắng là trầm cảm học đường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: nguyên nhân nội sinh, do các bệnh tự phát ở lứa tuổi dậy thì, do áp lực học tập, thành tích nhà trường và gia đình kỳ vọng... “Thời gian qua, Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh đã tiếp nhận nhiều trường hợp học sinh bị trầm cảm. Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhỏ vì phần lớn gia đình cho các em điều trị bên ngoài, chỉ khi bệnh nặng thì mới nhập viện. Trầm cảm là căn bệnh đáng lo ngại hiện nay. Trầm cảm khiến bệnh nhân mất hứng thú với cuộc sống, bế tắc, bản thân luôn nghĩ đến tương lai ảm đạm, gia tăng ý nghĩ tự sát... Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gây ra những hậu quả khó lường”-bác sĩ Thanh cho biết.

Bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Điều trị nam (Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh). Ảnh: N.N

Bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Điều trị nam (Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh). Ảnh: N.N

Chăm sóc con đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh, chị Ksor Oan (buôn Hoang 2, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) chia sẻ: Con chị phát bệnh tâm thần 3 năm nay. Lúc cháu đang học lớp 11 thì phát bệnh, đập phá nhà cửa, la hét, không kiểm soát được bản thân. Gia đình đưa cháu vào bệnh viện điều trị, nhưng khi ổn định về nhà một thời gian thì lại tái phát. “Chồng tôi đã qua đời, cháu là con đầu, sau còn 2 em nhỏ. Cháu là niềm hy vọng của cả gia đình mà lại mắc căn bệnh này. Tôi phải gửi 2 con nhỏ cho người thân chăm sóc để cùng con chữa bệnh. Cuộc sống đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn”-chị Oan bộc bạch.

Còn anh Siu Tưng (làng Tung Neng, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) thì chia sẻ: “Mẹ tôi bị đau đầu, toàn thân nhức mỏi, không thích tiếp xúc với mọi người. Bác sĩ chẩn đoán mẹ tôi bị rối loạn tâm thần. Tôi chỉ mong mẹ mau khỏe mạnh về với gia đình”.

Theo bác sĩ A Bên (Khoa Điều trị nữ, Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh), phụ nữ là một trong những đối tượng dễ bị rối loạn tâm thần. Đặc biệt, phụ nữ sau sinh nếu không được gia đình quan tâm, thiếu sự chia sẻ của chồng trong việc chăm sóc con cái, khó khăn về kinh tế, bị chồng xa lánh hoặc bạo hành thì dễ bị trầm cảm. “Thời gian qua, Khoa Điều trị nữ tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân mắc trầm cảm sau sinh. Năm 2020, tôi điều trị cho một bệnh nhân nữ bị trầm cảm sau sinh ở huyện Đức Cơ. Trước khi nhập viện, bệnh nhân thường xuyên đánh đập con nhỏ vì cho rằng con là kẻ thù. Bệnh nhân cũng đã có lần tự sát nhưng được gia đình phát hiện kịp thời. Qua điều trị, bệnh nhân đã thoát khỏi những cơn hoang tưởng và đã khỏi bệnh”-bác sĩ A Bên cho biết.

Để điều trị thành công một ca bệnh tâm thần, cùng với can thiệp về y tế thì rất cần sự quan tâm của gia đình và xã hội để bệnh nhân hòa nhập cộng đồng. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh giúp cho điều trị thuận lợi hơn. Bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh khuyến cáo: Triệu chứng bệnh tâm thần rất đa dạng, mức độ nhẹ thường biểu hiện như: nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, thay đổi tính nết, dễ phản ứng, khó tập trung trong học tập và công việc; tâm lý chán nản, thiếu quan tâm đến xung quanh, xa lánh mọi người… Khi bệnh nặng xuất hiện ảo thanh, ảo giác… Khi phát hiện người thân có các dấu hiệu rối loạn tâm thần cần kịp thời cho bệnh nhân khám và điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 11-12, tại Trung tâm Y tế Mang Yang (tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã trao quyết định của CDC về việc công nhận huyện Mang Yang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024 cho đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện.

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

(GLO)- Ngày 11-12, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn triển khai vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Gia Lai năm 2024- 2025 cho 28 cán bộ y tế phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.