Gia Lai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 1602/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Trong đó, đề ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể là: Khai thác tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; tập trung lồng ghép các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; giảm nghèo nhanh và bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước, giảm số xã và thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên vùng và kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ tập tục lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

 Làng Chiêng-làng văn hóa kiểu mẫu ở thị trấn Kbang, huyện Kbang) Ảnh: Đức Thụy
Làng Chiêng-làng văn hóa kiểu mẫu ở thị trấn Kbang. Ảnh: Đức Thụy


Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Về giảm nghèo, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS hàng năm bình quân trên 3% (áp dụng theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025). Về thu nhập, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020. Về bố trí sắp xếp ổn định dân cư: hoàn thành cơ bản (100%) công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 95% số hộ di cư không theo quy hoạch. Giải quyết cơ bản (100%) tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Về hạ tầng, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa; 100% thôn, làng có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; phấn đấu 95% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt họp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe phát thanh.

Về giáo dục-đào tạo: tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học THCS trên 95%, học THPT trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%. Về y tế: tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế; trên 85% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc được sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%. Về văn hóa: bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 65% di sản văn hóa truyền thống được kiểm kê, sưu tầm; 100% di tích xếp hạng được bảo vệ và chống xuống cấp; 30% điểm du lịch được hỗ trợ đầu tư, khai thác song song với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; 30% hướng dẫn viên du lịch được đào tạo, tập huấn kiến thức về văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn; từ 93% trở lên thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 65% thôn có đội văn hóa, văn nghệ hoạt động thường xuyên.

Về lao động-việc làm: phấn đấu 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện; phấn đấu đạt 83% người lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Về đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc: đào tạo, quy hoạch và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ; trên 88% đơn vị hành chính cấp huyện có phòng Dân tộc, 100% đơn vị hành chính cấp xã vùng đồng bào DTTS và miền núi có cán bộ phụ trách công tác dân tộc; đảm bảo tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương.

Nhiệm vụ cụ thể: triển khai 10 dự án, đó là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc. Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng-chống suy dinh dưỡng trẻ em. Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm DTTS còn nhiều khó khăn. 

Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 hơn 5.919 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư xấp xỉ 2.803 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 1.953 tỷ đồng; vốn vay tín dụng chính sách 1.044 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác 119,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, kế hoạch cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các sở, ban, ngành, trong đó giao Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện chương trình theo quy định.

 

LỆ HẰNG

 

Có thể bạn quan tâm