Gia Lai: Sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo thông tin từ Sở Y tế, từ ngày 1 đến 24-1-2019, toàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 241 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Bệnh xảy ra tại 20/222 xã, phường, thị trấn của 15/17 huyện, thị xã, thành phố. Theo nhận định của ngành Y tế, SXH sẽ còn diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm 2019. 
Khó khăn trong công tác phòng-chống
Từ đầu năm đến nay, huyện có nhiều trường hợp mắc SXH nhất là Krông Pa với 125 ca; thị xã Ayun Pa 33 ca; tiếp đến là TP. Pleiku 16 ca; các huyện: Ia Pa, Chư Pưh có trên 10 ca mắc SXH. Căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn trong năm 2018, ngay từ đầu năm 2019, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã chủ động tham mưu Sở Y tế hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố duy trì công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời tổ chức giám sát thường xuyên tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố.       
Bên cạnh đó, Trung tâm hướng dẫn cho các địa phương tiến hành vệ sinh môi trường, phun hóa chất để chủ động xử lý triệt để các ổ dịch và những nơi có chỉ số muỗi cao để phòng-chống bệnh; tăng cường công tác truyền thông trong cộng đồng. Khó khăn hiện nay là việc lưu hành song song các tuýp vi rút Dengue 1, Dengue 2, Dengue 4. “Đặc biệt, huyện Krông Pa lưu hành đồng thời 2 tuýp Dengue 1 và Dengue 2 khiến những người mắc tuýp này vẫn có thể mắc thêm các tuýp khác. Điều này gây khó khăn trong công tác phòng-chống SXH trên địa bàn huyện”-ông Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pa cho hay.
 Nhân viên y tế hướng dẫn người dân tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi. Ảnh: Đức Thụy
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi. Ảnh: Đức Thụy
Tốc độ đô thị hóa, quá trình giao lưu, đi lại của người dân giữa các vùng miền khác nhau... cũng là điều kiện để bệnh SXH lan truyền và phát tán rộng rãi tại các địa phương trong tỉnh. Công tác diệt lăng quăng/bọ gậy vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, xem nhẹ công tác vệ sinh môi trường. Ngoài ra, việc một số địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức đối với công tác này, nguồn kinh phí còn hạn chế… đã gây ảnh hưởng nhất định đến kết quả phòng-chống SXH.
Không lơ là, chủ quan
Gia Lai đang bước vào mùa khô và lạnh, không thuận lợi cho sự phát triển của véc tơ truyền bệnh SXH. Tuy nhiên, công tác phòng-chống SXH cần hết sức lưu tâm bởi bệnh SXH có thể sẽ diễn biến phức tạp.
Krông Pa là một trong những điểm nóng về SXH trong năm 2018 và trong tháng đầu năm 2019. Vì vậy, công tác phòng-chống SXH phải luôn được chủ động, quan tâm. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pa thông tin: Năm 2018, toàn huyện ghi nhận 1.566 ca mắc SXH. 14/14 xã, thị trấn có người mắc, tập trung nhiều ở thị trấn Phú Túc, các xã Phú Cần,  Ia Rsươm, Chư Rcăm… Mặc dù số ca mắc cao, tăng đột biến so với các năm nhưng ngành Y tế địa phương vẫn tích cực phòng-chống, không để xảy ra trường hợp nào tử vong. Riêng từ đầu năm đến nay, ngay khi có ca mắc đầu tiên, Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành các biện pháp điều trị; tăng cường truyền thông đồng thời tiến hành xử lý môi trường, giám sát véc tơ và phun hóa chất diệt muỗi.
Trong khi đó, ông Phan Văn Chơi-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kông Chro-cho biết: Cách đây 4 năm, huyện Kông Chro từng là điểm nóng về SXH. Tuy nhiên nhờ tích cực  triển khai phòng-chống nên trong năm 2018, cả huyện chỉ ghi nhận 9 ca mắc. Đầu năm 2019, địa phương đã chủ động triển khai giám sát, tuyên truyền, vận động người dân trong công tác phòng-chống SXH.
Tại TP. Pleiku, với 16 ca mắc xuất hiện rải rác những ngày đầu năm 2019, Trung tâm Y tế thành phố cũng đã lên kế hoạch phòng-chống. “Ngay từ đầu năm, chúng tôi chủ động xây dựng kế hoạch triển khai; tập trung quản lý, giám sát, kiểm soát các ổ bệnh, kiên quyết không để lây lan và bùng phát. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chỉ đạo các trạm y tế xã, phường trên địa bàn tích cực tuyên truyền phòng-chống bệnh SXH ngay tại địa bàn dân cư… Hy vọng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự chung tay của người dân, số ca mắc sẽ giảm, từ đó đẩy lùi bệnh SXH trong thời gian tới”-ông Đặng Phước Toàn-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku cho biết.
 Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: N.N

Bệnh sởi diễn biến phức tạp

(GLO)- Những ngày qua, Gia Lai ghi nhận nhiều ca bệnh sởi ở trẻ em và người lớn. Hiện bệnh sởi đang diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp chủ quan, không kịp thời phát hiện bệnh đã trở thành nguồn lây cho gia đình và cộng đồng.

Gia Lai: Liên tiếp tử vong do bệnh dại, người dân lo ngại ổ dịch chó dại trong cộng đồng

Gia Lai: Liên tiếp tử vong do bệnh dại, người dân lo ngại ổ dịch chó dại trong cộng đồng

(GLO)- Chỉ từ tháng 12-2024 đến nay, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 5 ca tử vong do bệnh dại. Số lượt người đến tiêm phòng vắc xin dại cũng tăng cao do người dân lo ngại ổ dịch chó dại đã và đang tồn tại trong cộng đồng, vì vậy, chủ động tiêm phòng vắc xin dại khi chẳng may bị chó mèo cào, cắn.

Nhiễm cúm rồi có cần tiêm vắc xin?

Nhiễm cúm rồi có cần tiêm vắc xin?

Thời điểm lây lan mạnh nhất của virus cúm thường rơi vào khoảng 3 - 4 ngày đầu tiên của bệnh. Nếu trẻ đang bị cúm, bạn nên chờ cho đến khi trẻ hoàn toàn khỏi bệnh trước khi tiêm vắc xin cúm.

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

(GLO)- Với chức năng điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, các y-bác sĩ Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 211) luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tại đây, niềm hy vọng chưa bao giờ tắt dù bệnh nhân đang trong tình huống “thập tử nhất sinh”.